Nhật Bản – Cường quốc thời trang

13/10/2014 07:05 AM | Sống

Không chỉ là một đất nước châu Á có nền kinh tế hàng đầu thế giới, ngành công nghiệp thời trang của Nhật Bản còn tự hào là cường quốc thời trang trên bản đồ thời trang thế giới.

Trước tiên hãy ôn lại một chút về lịch sử hiện đại thế kỷ XX của Nhật Bản. Sau chiến tranh, Nhật Bản trở về con số không tròn trĩnh bởi những mất mát trong Thế chiến II. Nhưng với tinh thần Nhật Bản và sự trợ giúp từ Mỹ, họ đã khôi phục và phát triển như vũ bão trong một thời gian ngắn, trở thành đất nước châu Á có nền kinh tế mạnh hàng đầu thế giới.

Như chúng ta đã biết, thời trang suy cho cùng cũng là một ngành công nghiệp và ngành công nghiệp thời trang đã đóng góp cho nền kinh tế Nhật Bản một phần không nhỏ. Vậy thời trang Nhật Bản đã có những gì để có được vị trí độc tôn như ngày hôm nay?

Thứ nhất, Nhật Bản không quá phụ thuộc vào các thương hiệu ngoại bang. Các thương hiệu quốc tế xâm nhập vào thị trường Nhật Bản sớm nhất châu Á khi phát hiện được tiềm năng kinh tế và sức mua của người dân ở đất nước này.

Thế nhưng sự đa dạng các thương hiệu tại Nhật Bản không phải là yếu tố quan trọng nói lên bộ mặt thời trang của đất nước mặt trời mọc. Sự yếu kém về mặt tài nguyên bắt buộc họ phải sáng tạo trong công việc và cuộc sống cũng như bản tính tự lực tự cường được giáo dục qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy, họ có nguồn lực thời trang riêng.

Thế hệ đặt những viên gạch đầu tiên, đưa thời trang Nhật Bản ra thế giới là bộ ba Issey Miyake – Yohji Yamamoto – Rei Kawakubo. Những thành tựu của họ cho đến nay góp phần làm rạng danh Nhật Bản và là những cái tên mà người ta nghĩ ngay đến thời trang Nhật Bản ngoài kimono.

Họ tạo nên một tiền đề cho thế hệ sau này tiếp bước. Ngoài những nhà thiết kế tạo được bản sắc riêng biệt như bộ ba trên, những nhà thiết kế khác du nhập văn hóa phương Tây, nhưng kết hợp và biến thành chất riêng của mình.

Yohji Yamamoto

Điều lạ lùng là mặc dù các thương hiệu “Made in Japan” rất được ưa chuộng nhưng họ chưa bao giờ nghĩ đến việc xuất khẩu các sản phẩm của mình ra những kinh đô thời trang lớn như Paris, Milan. Nguyên nhân là bởi hầu hết các sản phẩm đều được sản xuất tại Nhật Bản, thậm chí nguyên vật liệu.

Để tạo ra những sản phẩm đạt yêu cầu nhất, họ chỉ sản xuất đủ cho nguồn cầu trong nước. Đây là nét đặc trưng của các ngành nghề nói chung tại Nhật Bản. Cũng vì lý do này mà phần nào tiếng tăm của họ không được biết đến nhiều như những Louis Vuitton hay Hermes ở Paris.

Issey Miyake

Cũng giống như các trung tâm thời trang lớn như Paris, Milan, London hay New York, Nhật Bản cũng có tuần lễ thời trang Tokyo Fashion Week rất chuyên nghiệp và quy mô được tổ chức định kỳ hai lần mỗi năm. Sự đa dạng về thương hiệu, phong cách cũng như người mẫu cho thấy sự sôi động của thời trang Nhật Bản.

Không chỉ hướng về tương lai, những mẫu thời trang thực dụng mà tại tuần lễ thời trang Tokyo, bạn vẫn có thể tìm thấy nét cổ điển và sang trọng của thời trang kimono. Có thể nói, dù có hiện đại hay chuyển động nhanh thế nào thì vẫn phải trân trọng những giá trị mang tính bản sắc.

Cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng của thời trang thế giới, nhưng thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan vẫn đi sau Nhật Bản về nhiều mặt. Nói một cách khác, những nước trên hiện tại chỉ dừng lại ở vị trí thị trường tiêu thụ hàng hiệu mạnh. Để có được vị trí nhất định trên bản đồ thời trang thế giới, họ cần phải có bản sắc riêng, đồng thời có những đóng góp to lớn làm thay đổi thời trang thế giới, điều mà thời trang Nhật Bản đã và đang làm được từ lâu.

Nói tóm lại, để có được một vị trí độc đáo trên bản đồ thời trang thế giới, Nhật Bản hội tụ tất cả những yếu tố cần thiết của một cường quốc thời trang. Đất nước mặt trời mọc không chỉ có một thị trường thời trang sôi động và phát triển, mà chính những người con Nhật Bản đã đem lại niềm tự hào dân tộc cũng như đóng góp vào lịch sử thời trang những giai thoại lẫy lừng, điều mà chưa có một đất nước châu Á thứ hai nào làm được cho đến ngày nay.

>> Tỷ phú Michael Kors: Nửa thế kỷ ám ảnh bởi thời trang

Theo KHẢI HOÀNG

Cùng chuyên mục
XEM