Nghỉ Tết kéo dài gây tâm lý chây ì, uể oải

17/02/2016 10:03 AM | Sống

Chỉ ra rất nhiều hệ luỵ, trao đổi với PV Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, mỗi kỳ nghỉ Tết chỉ nên kéo dài 5 ngày, tối đa không quá một tuần thay vì tới 9 ngày như hiện nay.

Nhiều hệ lụy đáng tiếc

Ngoài ý nghĩa truyền thống, mỗi kỳ nghỉ Tết kéo dài tới gần chục ngày như hiện nay gây ra những hệ lụy đáng tiếc gì về mặt xã hội, thưa ông?

Kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài tới 9 ngày liên tục. Điều này cũng có ý nghĩa giúp chúng ta tái tạo lại sức lao động, rồi đi tham quan, về quê đoàn tụ với gia đình, người thân…

Tuy nhiên, việc nghỉ Tết dài cũng kéo theo những hệ lụy đáng tiếc. Thấy rõ nhất là việc đi lại, ăn uống, rượu bia quá đà làm gia tăng số vụ tai nạn giao thông. Đặc biệt như chúng ta thấy, trong dịp Tết vừa qua đã có hơn 5 nghìn ca nhập viện vì đánh nhau, con số này còn lớn hơn cả tai nạn giao thông.

“Thời gian nghỉ Tết kéo dài sẽ tạo tư tưởng chây ì, không sẵn sàng bắt tay vào làm việc. Sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan công sở lại có vài ngày đi chúc tụng nhau, thành thử kỳ nghỉ lên đến 10 - 11 ngày chứ không phải 9 ngày nữa. Rồi sau Tết người ta lại đua nhau đi tham quan, thậm chí dùng xe công, rồng rắn lên mây đi chùa”.

Ông Lê Như Tiến

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ quả này, trong đó có việc sử dụng nhiều chất kích thích, không tự điều chỉnh được hành vi, không tự kiềm chế được bản thân. Bên cạnh đó, nguyên nhân gốc rễ chính là sự thiếu kiềm chế trong ứng xử. Thanh niên hiện nay cứ nóng lên lại lao vào nhau cãi vã, to tiếng rồi đánh nhau, thay vì cảm ơn, hoặc xin lỗi nhau.

Lẽ ra chúng ta phải dạy con em mình chữ “nhẫn” để nhẫn nhịn, kiên nhẫn, nhẫn nại… Nhưng lâu nay nhà trường, xã hội, hay gia đình cứ dạy con em mình phải “chiến thắng” cho bằng được, rồi trở thành hiếu thắng, không chịu thua ai.

Không chỉ vậy, việc đánh nhau trong chính mâm cơm, bữa cỗ trong mỗi gia đình còn tăng lên. Rượu vào lời ra, có khi người lớn cũng không gương mẫu, lại lên giọng mắng mỏ. Rồi phận con cháu lẽ ra nên nhường nhịn nhưng lại gân cổ, đỏ mặt tía tai, cãi lộn, đánh lộn...

Hay tình trạng cờ bạc cũng diễn ra tràn lan những ngày nghỉ Tết. Khi tôi đến thăm một số gia đình ở nông thôn, thấy nào chiếu bạc bên phải, chiếu bạc bên trái, quây vào sát phạt nhau rất thiếu lành mạnh...

Ông Lê Như Tiến.
Ông Lê Như Tiến.

Ngoài những hệ quả đáng tiếc đó, việc nghỉ Tết trong một thời gian dài còn ảnh hưởng nhiều đến tâm lý làm việc của người lao động, ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là quá trình sản xuất kinh doanh. Ông nghĩ sao về điều này?

Thời gian nghỉ Tết kéo dài sẽ tạo tư tưởng chây ì, không sẵn sàng bắt tay vào làm việc. Sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan công sở lại có vài ngày đi chúc tụng nhau, thành thử kỳ nghỉ lên đến 10 – 11 ngày chứ không phải 9 ngày nữa. Rồi sau Tết người ta lại đua nhau đi tham quan, thậm chí dùng xe công, rồng rắn lên mây đi chùa ở hầu hết các cơ quan.

Vào những ngày nghỉ Tết, lẽ ra các cơ quan công quyền phải trực thường xuyên để giải quyết công việc cho người dân, nhưng lại nghỉ hết, gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tôi có một số việc cần làm, nhưng khi gọi điện đến cơ quan nọ kia hỏi thì không ai trực máy cả. Đến khi gọi di động mới biết họ đang đi chùa, đi lễ hội.

Nghỉ dài ngày, các nhà máy, hầm mỏ ngừng nghỉ hoạt động, các cơ sở sản xuất kinh doanh không làm việc, không tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Từ đó gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tôi để ý thấy trong ngày đầu đi làm sau Tết, các cơ quan Nhà nước đi làm rất muộn. Phần lớn đến 8 giờ họ chưa có mặt, thường phải đến 9 giờ, thậm chí có người 10 giờ mới uể oải dắt xe tới cổng cơ quan trong tình trạng ngáp ngắn ngáp dài.


Cảnh đi lễ tại Phủ Tây Hồ. Ảnh chụp lúc 15h30 chiều ngày 16/2. Ảnh: Như Ý.

Cảnh đi lễ tại Phủ Tây Hồ. Ảnh chụp lúc 15h30 chiều ngày 16/2. Ảnh: Như Ý.

Nghỉ Tết không nên kéo dài quá một tuần

Hầu như năm nào cũng có rất nhiều văn bản đưa ra những yêu cầu nọ, kia vào mỗi dịp trước và sau Tết. Nhưng theo ông, cần làm gì để những văn bản, chỉ thị đó thực chất hơn, hiệu quả hơn?

Ra văn bản thì đơn giản và dễ. Năm nào cũng có những văn bản yêu cầu siết chặt chi tiêu công, cấm quà cáp, biếu xén…nhưng chúng ta thấy ở các đô thị lớn xe cứ tắc nghẹt. Nhiều xe biển số ở các địa phương thi nhau lên biếu quà Tết. Điều này trở thành một tập tục, thậm chí một tệ nạn không xóa bỏ được. Vì thế việc ra văn bản thì dễ nhưng làm thế nào để kiểm soát, thực hiện mới là điều quan trọng.

Ngoài văn bản, theo tôi, cơ quan cấp trên phải giám sát việc thực hiện của cơ quan cấp dưới. Ngoài ra cũng cần phát huy được tai mắt của người dân, đưa ra những đường dây nóng để họ phản ánh. Trên cơ sở đó phải kiểm tra đầy đủ, nếu đúng, cần đưa ra các biện pháp xử lý cho thích đáng.

Có những ý kiến cho rằng, cần phải giảm hơn nữa số ngày nghỉ Tết so với hiện nay, thậm chí nên gộp hai kỳ nghỉ Tết làm một. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Trước kia tôi thấy nghỉ Tết chỉ có ba ngày, đến mùng ba, các cơ quan đã đi làm trở lại, như vậy rất hợp lý. Bây giờ nghỉ Tết kéo dài tới 9 ngày liên tiếp thì dài quá. Lẽ ra chúng ta phải chia ra các dịp khác như nghỉ hè, nghỉ đông, hay dịp Noel như các nước vẫn làm và cho nghỉ Tết ở mức độ vừa phải.

Để đảm bảo hài hòa, theo tôi nghỉ Tết cổ truyền chỉ nên khoảng 5 ngày, dài nhất cũng không nên quá một tuần. Kỳ nghỉ Tết thường trùng với thứ bảy, chủ nhật, rồi sát ngày nghỉ cuối tuần, nếu cũng cho nghỉ thì phải có chế độ làm bù một cách đầy đủ, nghiêm túc. Đây là điều mà các cơ quan chuyên trách cần nghiên cứu kỹ cho phù hợp hơn.

Cảm ơn ông!

Theo Dũng Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM