Ngày xuân nói chuyện lì xì

18/02/2015 19:35 PM | Sống

Không có tài liệu nào nói chính xác về thời điểm mà phong tục lì xì du nhập vào nước ta, nhưng từ bao đời nay phong tục này đã trở thành một phần đậm đà của hương vị ngày tết Việt.

Cứ hàng năm, chuẩn bị đón xuân là người người, nhà nhà lại chuẩn bị tiền lẻ để mừng tuổi. Bắt đầu từ thời điểm giao thừa đến mồng một, mồng hai, … thậm chí đến cả mùng mười tết, gia đình, người thân lại quây quần, đoàn tụ, chúc tụng và mừng tuổi nhau.

Đầu tiên là con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ mong được sống lâu trăm tuổi, sau đến ông bà, cha mẹ mừng tuổi lại con cháu, mong con cháu chăm ngoan, học giỏi. Không chỉ có vậy, khi khách đến thăm hỏi vào những ngày Tết, họ cũng không quên lì xì cho con cháu của gia chủ kèm theo lời chúc phúc đầu năm. Như vậy, đầu năm mới nhận phong bao lì xì là nhận tình yêu thương và lời chúc may mắn, hạnh phúc trong cả năm.

Lì xì có nguồn gốc từ tiếng Hoa là từ 利市 phát âm theo phồn thể là Lì Shì (Lợi thị) mà người Việt Nam đọc “trại” ra thành Lì xì. Lợi thị (được lợi) có nghĩa là một nguồn lợi được phát sinh do người khác mang đến cho mình thông qua nhiều hình thức khác nhau như kinh doanh mua bán, biếu xén, cho lộc, .... Tất cả đều được gọi là Lợi thị. Lì xì hay lợi thị còn có ý nghĩa khác nữa là được tiền và được may mắn. Nhưng hiểu theo cách của người Việt thì nó không phải là một nguồn lợi mà Lì xì có nghĩa là mừng tuổi cho trẻ em trong ngày đầu năm mới. Đặc biệt đối với người nhỏ hơn hoặc đồng trang lứa với mình thì gọi là lì xì, nhưng đối với người lớn hơn mình về tuổi tác và địa vị xã hội thì nên dùng từ "mừng tuổi" sẽ đúng hơn và có sự kính trọng hơn.

Lì xì là một tục lệ hay và đẹp trong những ngày Tết vì nó thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của chúng ta với thế hệ trẻ cũng như thể hiện sự phóng khoáng, rộng rãi của mình khi mở lòng ra chia sẻ những nguồn lợi của mình có được từ năm ngoái cho những người xung quanh. Chia cái lộc của mình cho mọi người đồng nghĩa là mình sẽ có thêm được nhiều lộc. Vì lộc có nghĩa là chồi non, là tầm xuân, là nhân tố đưa đến sự thành tựu và phát đạt.

Phong tục tặng tiền lì xì trong ngày tết cần tỉ mỉ và khéo léo cũng như câu "Của cho không bằng cách cho". Trước tiên, chúng ta mua một xấp phong bao đỏ (hồng bao), hồng bao hay phong bao đỏ trên thị trường hiện nay rất phong phú, đa dạng và bắt mắt. Phong bao thường có màu đỏ tươi biểu hiện cho sự may mắn, phát đạt. Trên phong bao đỏ còn in hình cây mai, cây đào, câu liển đối, những câu chúc Tết và một số hình ảnh sinh động khác. Có những chiếc phong bao rất cầu kỳ và lịch sự, sang trọng, biểu hiện tính cách của người sử dụng nó, những loại phong bao ấy được in ấn rất đẹp và khéo léo đến từng chi tiết và được mạ vàng sáng bóng, rất đẹp.

Sau khi đã có phong bao rồi, chúng ta đổi tiền mới rồi gấp đôi hoặc gấp ba lại hoặc để nguyên tờ tiền phẳng và cho vào phong bao (tùy theo loại phong bao lớn, nhỏ hoặc trung bình). Trước khi lì xì cho trẻ em thì cần phải đợi câu chúc của bé trước. Điều này rất quan trọng vì nó mang tính giáo dục rất cao cho thế hệ trẻ.

Câu chúc mặc dù chẳng ăn nhằm gì cả nhưng nó thể hiện sự kính trọng hoặc thay cho một lời cảm ơn của kẻ nhỏ dành cho người lớn hoặc khi nhận từ ai đó bất cứ thứ gì cũng phải biết nói một lời cảm ơn. Sau khi bé đã chúc xong, chúng ta đưa phong bao và xoa đầu bé rồi chúc bé học giỏi, ngoan, chăm chỉ, nghe lời ba mẹ, ông bà, thầy cô hoặc ăn ngoan chóng lớn chẳng hạn. Sau đó bé sẽ có một lời cảm ơn để đáp lại lời chúc của chúng ta. Đây không chỉ là một phong tục dành cho ngày Tết mà nó còn mang tính giáo dục và kế thừa rất cao và cần được xem như một nghệ thuật sống đẹp của người Việt Nam để giáo dục cho con cháu chúng ta và các thế hệ sau này về một nghệ thuật cho, tặng, biếu, mừng tuổi, lì xì trong cuộc sống thường ngày và trong các ngày lễ hội cồ truyền của dân tộc.

Những “biến tướng” của phong tục lì xì ngày tết

Tuy nhiên, trong xã hội phát triển ngày nay, phong tục lì xì đã bị người lớn làm cho méo mó khi “tiền” trong phong bì mới là quan trọng nhất. Đôi khi nó còn được sự dụng cả vào mục đích hối lộ hay lấy lòng nhau, …

Ngày xưa mừng tuổi chỉ là tiền hào, tiền xu mang tính chất tượng trưng, tiền càng lẻ càng tốt. Bởi họ quan niệm tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi nảy nở, làm ăn phát đạt trong năm mới. Thế nhưng, hiện nay trong nền kinh tế thị trường người ta không còn sử dụng tiền xu, tiền hào và cũng ít sử dụng tiền lẻ để mừng tuổi mà thay vào đó là những đồng bạc xanh, đồng bạc đỏ, thậm chí cả những đồng đô la mệnh giá cao. Tiền mừng tuổi cũng không đơn thuần thay cho những lời chúc tốt đẹp đầu năm, mà mừng tuổi đầu xuân còn ngầm chứa nhiều mục đích, toan tính cá nhân rất sâu xa.

Không dừng lại ở đó, từ suy nghĩ thực dụng của người lớn thấm sang cả con trẻ, khiến chúng bắt đầu có sự so bì, người này mừng tuổi ít, người kia mừng tuổi nhiều. Tết đến chúng cũng không còn ngây thơ đem những đồng tiền mừng tuổi lẻ để nuôi heo đất, mà chúng đã chuẩn bị sẵn tâm lý “thu hoạch” vào dịp tết. Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể học người lớn đánh giá giá trị con người tỷ lệ thuận với số tiền mà họ mừng tuổi. Theo chúng người mừng tuổi nhiều là người tốt, người “sống đẹp”, người mừng tuổi ít là người keo kiệt, bủn xỉn...

Thế nên nhiều khi chuyện mừng tuổi ngày xuân đã trở thành nỗi kinh hoàng của nhiều người, nhất là những người lao động chân chính.

Ngoài kiểu mừng tuổi để “buôn danh” còn có kiểu mừng tuổi để “trả nợ”. Đến nhà giàu họ mừng tuổi con mình nhiều thì nhất thiết mình phải mừng tuổi con họ bằng hoặc nhiều hơn, nếu không sẽ cảm thấy bứt rứt, không yên. Chính vì quan niệm như vậy mà nhiều khi tiền dành dụm, tích cóp cả năm nhưng lại tiêu tốn hết vào việc mừng tuổi. Tệ hại hơn, việc mừng tuổi đầu xuân nhiều khi đã trở thành lệ bắt buộc, nhiều người không có tiền phải chạy vạy, đi vay để mừng tuổi cho đẹp mặt. Có lẽ vì vậy mà tâm lý sợ tết, lo đến tết vẫn là hiện tượng phổ biến của nhiều gia đình nghèo khó hiện nay.

Đời sống của người dân hiện đã dần được nâng lên nhưng không vì thế mà hoang phí trong những ngày tết. Việc mừng tuổi, chi tiêu trong ngày tết phải đúng mực, tiết kiệm để mỗi khi xuân về, tết đến thực sự là niềm mong mỏi, niềm vui, niềm hạnh phúc của mọi người.

>> Tiền lì xì hiếm: 1 tỷ đô la Mỹ

Theo TS. Bùi Quang Tín

Cùng chuyên mục
XEM