Nếu không muốn đến nước nào cũng bị kỳ thị, hãy học cách đi thang máy văn minh

14/03/2016 09:32 AM | Sống

Nhiều người nước ngoài không khỏi nhìn người Việt như “người rừng” bởi cách đi thang máy không giống ai.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, người Việt đi ra nước ngoài nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn với các nền văn hóa khác nhau, vậy nên vốn hiểu biết về những cách ứng xử lịch sự hàng ngày là hết sức cần thiết để giúp hội nhập nhanh hơn với văn hóa toàn cầu.

Có rất nhiều nguyên tắc ứng xử tại nơi công cộng mà người Việt vì nhiều lý do chưa được học hỏi một cách chu đáo, cẩn thận. Chính vì vậy không ít người khi ra nước ngoài, thậm chí ở nước ngoài nhiều năm, mà vẫn bị người bản xứ nhìn như “người trên trời” vì cách ứng xử thiếu lịch sự.

Thang máy hay thang cuốn là phương tiện di chuyển phổ biến ở gần như tất cả các địa điểm công cộng ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Và khi đi đến đâu, ta hãy chịu khó dành thời gian tìm hiểu các quy tắc ứng xử nơi công cộng của địa điểm khi mình đến để hòa nhập tốt hơn với văn hóa bản địa.

Dưới đây là liệt kê của một số nguyên tắc đi thang máy, thang cuốn tối thiểu ở nhiều nước phát triển trên thế giới:

Hãy biết xếp hàng khi chờ thang máy và tôn trọng thứ tự xếp hàng, tuyệt đối không vượt mặt những người đã chờ đợi rất lâu trước bạn.

Khi thang máy đến nơi, những người đứng ngoài thang máy nên xếp hàng dạt ra 2 bên để người bên trong đi ra hết rồi mới đi vào. Nguyên tắc này áp dụng với cả phương tiện công cộng như tàu điện, xe bus.

Khi vào thang máy, đặc biệt trong môi trường công sở, hãy vào thang máy theo thứ tự như sau: Người có chức vụ cao hơn vào trước, nhân viên vào sau; khách vào trước chủ nhà vào sau. Ngoài ra, người già vào trước người trẻ vào sau. Đặc biệt nếu ở Nhật, khi đưa khách về và khách không cần tiễn xuống, chủ sẽ phải cúi đầu chào cho đến khi cửa thang máy đóng lại.

Khi bước vào thang máy, nếu bạn sẽ ra trước người khác, hãy đứng ở vị trí gần sát phía ngoài cùng của thang máy để không ảnh hưởng đến người ra sau. Nếu trong tình huống bạn là người ra sau và có người đứng phía sau bạn cần ra trước, hãy đứng chặn giữ cửa để cho người đó ra rồi mới quay vào.

Nếu bạn là người trẻ tuổi nhất hoặc cấp bậc thấp nhất trong những người đứng trong thang máy, hãy đứng ở vị trí bảng điều khiến, hỏi người khác muốn đi tầng nào và giữ cửa bấm thang máy cho họ.

Nguyên tắc không phân biệt giới tính, tuổi tác đặc biệt được áp dụng khi đi thang máy. Nếu khi thang máy vẫn còn chỗ và chuẩn bị đóng, bạn nhìn thấy người khác khệ nệ hành lý hoặc đang chạy vội vào, hãy lập tức bấm thang máy mở giúp họ.

Khi đã vào trong, không nên cởi mũ, cởi áo hay găng tay bởi khi làm vậy bạn đang làm ảnh hưởng đến không gian công cộng của người khác. Ngoài ra, đừng làm phiền người khác với balo hay thảm tập yoga của bạn.

Trong thang máy không nên nói nhiều hơn ngoài những nội dung chào hỏi và nên nói với độ lớn vừa phải. Không nên đi xa hơn các đề tài này bởi bạn không thể biết chắc chắn ai đang lắng nghe mình và ngoài ra bạn cũng đang làm phiền người khác với câu chuyện riêng của mình.

Một nguyên tắc bất di bất dịch khi đi thang máy đó là nên quan sát thật kỹ bạn đang đi đâu để đảm bảo bạn không thể bị ngã hoặc tai nạn.

Khi đi thang cuốn, tùy vào từng nước, bạn cần quan sát xem người dân nước đó đứng bên phải hay bên trái. Ví dụ như ở nhiều nước châu Âu khác, người ta sẽ đứng sang bên phải, nhường lại bên trái thang cuốn cho người có nhu cầu cần đi vội. Tuy nhiên ở Nhật, ngoại trừ Osaka, thì người Nhật luôn đứng sang bên trái, chừa lối bên phải cho người muốn đi nhanh. Nếu bạn có hành lý, hãy xếp nó ngay ngắn lên phía trước và sau mình, tuyệt đối không để sang bên cạnh sẽ cản trở lối đi của người khác.

Khi đi trên thang cuốn, không nói chuyện với người ở bậc thang trên hay dưới bạn bởi điều đó được coi như xâm phạm không gian công cộng của người khác và chắc chắn nếu những nội dung câu chuyện của bạn quá riêng tư, người khác biết được sẽ có thể làm hại bạn.

Và, khi vị trí xã hội của bạn càng cao thì bạn cần phải chú ý nhiều hơn đến cách ứng xử của mình, tránh để người khác nhìn bạn theo một cách kém tôn trọng.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM