Làm sao để cuốn hút người khác trong giao tiếp?

21/02/2016 13:00 PM | Sống

Giao tiếp hài hước hay thú vị không phải là bẩm sinh mà nó có thể luyện tập để từ từ, chúng ta có thể sở hữu nó và sử dụng nó một cách tự nhiên nhất.

Chắc chắn có nhiều lần bạn tự hỏi bản thân “Sao chị ABC nói chuyện hay quá?” hay “sao anh XYZ có nhiều cô thích đến thế?” và sau đó bạn thấy rằng chỉ đơn giản là họ biết cách giao tiếp.

Cũng chắc rằng có nhiều người trong chúng ta thích nói chuyện với một số người vì họ vừa tinh tế, vừa nhiều kiến thức hay đơn giản là họ vui tính.

Việc tiếp xúc với những người như vậy giúp ta có những giây phút thoải mái dễ chịu. Khi đang gặp phải những vấn đề “trầm trọng”, vậy mà nói chuyện với họ xong, ta bỗng thấy “bi kịch” trở nên dễ giải quyết và thậm chí cảm thấy thật nhẹ nhõm.

Vậy sự hài hước trong giao tiếp có phải là một tư chất bẩm sinh không? Hoặc nếu không ta làm sao để có thể trở nên thú vị hơn trong giao tiếp hay ít nhất trong mắt người đối diện, chúng ta không thành những con người “chán đến chết đi được!”?

Trước hết, giao tiếp hài hước hay thú vị không phải là bẩm sinh mà nó có thể luyện tập để từ từ, chúng ta có thể sở hữu nó và sử dụng nó một cách tự nhiên nhất. Một trong những tiêu chí quan trọng trong giao tiếp vẫn là “đối tượng nói chuyện của bạn là ai?”.

Bất kể chủ đề giống nhau thì chúng ta cũng không thể sử dụng cùng một loại từ vựng nếu đối tượng nói chuyện là sinh viên hay là một em bé 6 tuổi.

Với mỗi loại đối tượng, chúng ta cần học “ngôn ngữ” mà đối tượng đó thấy quen thuộc hay cảm thấy thoải mái nhất. Sự duyên dáng và thú vị sẽ đến trong “ngôn ngữ” bạn sử dụng.

Để có được điều này bạn cần có sự chú ý trong ngôn ngữ. Hãy để ý cách những bạn trẻ nói chuyện thì bạn sẽ học được cách họ sử dụng từ. Bạn có thể cũng cần đọc nhiều sách báo cho những đối tượng đó để làm giàu vốn từ của bạn. Hiểu tâm lý đối tượng mà chúng ta giao tiếp sẽ giúp chúng ta giao tiếp tốt hơn.

Ngoài ra một trong những cách có thể giúp bạn học để trở nên thú vị hơn là hãy xem các chương trình hài, ví dụ như kịch hài hay những những game show hài. Bạn có để ý cách các diễn viên hài gây cười không? Hài có thể đến từ điệu bộ cử chỉ, đôi khi là hơi quá nhưng nó lại gây chú ý một cách dễ dàng.

Trong giao tiếp, không phải lúc nào ngôn từ cũng đóng vai trò quan trọng mà là ở cách thể hiện – chúng ta gọi là ngôn ngữ cơ thể. Một cái nhún vai, một cái nhíu mày hay đơn giản là điệu bộ thể hiện sự không quan tâm có thể gây ấn tượng hơn. Ngoài ra, nếu xem các chương trình hài bạn sẽ có thể học thêm về giọng điệu.

Rõ ràng là khi vui giọng điệu chúng ta hoàn toàn khác so với khi chúng ta buồn hay nếu chúng ta muốn thể hiện sự giễu cợt. Trở lại với việc luyện tập hài hước, thật không dễ dàng nếu bạn không phải là người biết quan sát hay không thích sự thử nghiệm hay cảm thấy mình quá nhút nhát để đưa ra ý kiến hay thể hiện thái độ hoặc hành động của mình.

Tuy vậy, đôi khi việc hài hước thú vị không đơn thuần đến từ ngôn ngữ hay giọng điệu và cử chỉ mà đến từ những thông tin bạn có. Nếu đã quá lâu rồi bạn chưa đọc báo hay xem tin tức hay nếu suốt ngày bạn chỉ xem những thông tin vô bổ thì có lẽ bạn nên xem lại.

Những chủ để tầm thường như hôm nay ngôi sao A ăn ở đâu, đi với cô nào hay ngôi sao B vừa ly thân đã hẹn hò với đại gia C nào đó cũng sẽ trở nên nhàm chán nếu bạn nói về nó quá nhiều vì thực sự những thứ như vậy không thật sự giúp ích gì cho người nghe.

Nâng cao kiến thức hay cho dù có thể bạn chỉ biết chút ít thông tin về cuộc sống, về những phát minh mới thì nó cũng giúp bạn trở nên tự tin hơn là đi ra ngoài giao tiếp với một cái đầu rỗng tuếch. Một khi tự tin hơn, tôi đảm bảo bạn sẽ thấy mình muốn giao tiếp hay chia sẻ quan điểm của mình với họ và rồi bạn cũng sẽ học được từ người mà chúng ta tiếp xúc.

Điều cuối cùng là chúng ta cần có là “cái nhìn mở”. Hãy cởi mở với mọi suy nghĩ hay cách nhìn từ những người khác. Tôi cho rằng một trong những “con đường” dẫn ta đến việc ít người muốn nói chuyện với chúng ta là “cái tôi”.

Chúng ta luôn cố gắng bảo vệ ý kiến hay quan điểm của mình một cách ngoan cố ngay cả khi chúng ta đúng để thể hiện “cái tôi cao ngạo” của mình.

Đừng như vậy nhé vì dù bạn tài năng thế nào hay thông minh ra sao, thì cũng đừng vội cười ý tưởng của người khác hay tự cho mình luôn đúng mà hãy lắng nghe người đối diện (Nếu muốn đối phương nghe theo ý bạn, tôi thích chữ “thuyết phục” hơn).

Cảm giác được tôn trọng khi đối phương thấy bạn lắng nghe cũng sẽ khiến người ta thích giao tiếp với bạn hơn và dám chia sẻ hơn.

Để thành người giao tiếp thú vị thật cũng không quá khó phải không các bạn? Đừng chần chừ nữa nhé và cũng đừng ngồi đó đổ thừa cho “gien” hay môi trường không giúp bạn trở thành người giao tiếp đáng yêu hơn, hành động đi thôi!

Hà Phạm

Cùng chuyên mục
XEM