Kowloon Walled City: Thành phố đông đúc nhất thế giới

12/02/2015 16:30 PM | Sống

Ở miền Bắc đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đã từng tồn tại nơi được coi là một trong những nơi đông dân nhất trên thế giới.

Từ những năm 1950 đến 1994, hơn 33.000 người đã sống và làm việc ở tổ hợp gồm 300 tòa nhà có tên gọi Kowloon Walled City. Vì nằm giữa Trung Quốc và Hồng Kông, thành phố này gần như không có luật lệ và được biến đến nhiều nhất bởi thuốc phiện và tội phạm có tổ chức.

Nhiếp ảnh gia Greg Girard đã bỏ nhiều năm để điều tra và ghi lại những hình ảnh về khu vực này trước khi nó bị phá hủy. Girard hợp tác với một thợ ảnh khác có tên Ian Lambot để cho ra mắt cuốn sách có tiêu đề "City of Darkness Revisited" (tạm dịch: Thăm lại thành phố của bóng tối”).

Tờ Business Insider đăng tải một số hình ảnh ấn tượng xuất hiện trong cuốn sách.

Nằm ở phía Bắc Hồng Kông, Kowloon Walled City là khu dân cư đông đúc và không thuộc sự quản lý của chính quyền nào. Ban đầu là một căn cứ quân sự, khu vực này phát triển thành một khu nhà ở với 300 tòa nhà cao tầng kết nối với nhau.

Đầu thế kỷ 20, đây là một ngôi làng mà những người chiếm đất công dựng lên. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hồng Kông đón nhận một lượng lớn người nhập cư từ Trung Quốc, dẫn đến tình trạng thiếu nhà ở. Một số doanh nhân và chủ đất ở Kowloon xây nên những tòa nhà cao tầng để kinh doanh đáp ứng nhu cầu chỗ ở.

Ở giai đoạn cao điểm, có hơn 33.000 người người sống trong thành phố rộng 2,6 hecta. Do đó Kowloon được coi là một trong những nơi đông dân nhất trên trái đất.

Thành phố này được biết đến là nơi để các lao động Hồng Kông tới tìm bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ nha khoa. Giá ở đây rẻ hơn vì các bác sĩ không thể khám chữa ở bất cứ nơi đâu ngoài thành phố này.

Wong Cheung Mi là một trong nhiều bác sĩ nha khoa ở Walled City.

Vì hệ thống luật pháp lỏng lẻo, có rất nhiều lò giết mổ gia súc ở Kowloon.

Thực phẩm là nét đặc trưng trong văn hóa của Walled City. Ở đây có rất nhiều cửa hàng thịt chó và đây vẫn là món ăn được ưa chuộng ở Hồng Kông cho tới khi Anh cấm người dân Hồng Kông ăn thịt chó.

Hui Tuy Choy mở nhà máy mì năm 1965. Ông chọn Walled City vì giá thuê mặt bằng khá thấp và không cần phải có giấy phép kinh doanh. Ở Hồng Kông, để kinh doanh phải có giấy phép từ bộ lao động, y tế và phòng cháy chữa cháy.

Ho Chi Kam cùng với vợ có một tiệm cắt tóc ở  Kowloon cho tới năm 1991. Sau khi Ho buộc phải rời Walled City, ông trở thành người đi làm thuê vì không thể trang trải tiền thuê mặt bằng.

Kowloon là nơi đặt cơ sở sản xuất của nhiều công ty ở Hồng Kông. Một trong những sản phẩm được sản xuất nhiều nhất ở đây là chả cá được bán cho các nhà hàng ở quanh thành phố.

Nhà máy sản xuất cao su này được vận hành chỉ bởi 2 người đàn ông.

Cửa hàng tạp hóa này có thể biến thành phòng khách hoặc nơi học bài của trẻ em sau khi cửa hàng đóng cửa.

Theo Girard, Walled City có văn hóa làng xã vì  không gian sinh sống và làm việc quá chật hẹp. Law Yu Yi – một cụ già 90 tuổi – sống cùng với con dâu trong một căn hộ nhỏ ở tầng 3.

Các con phố ở đây rất hẹp. Hầu hết chỉ rộng khoảng 6 feet (gần 2m) và thậm chí có chỗ chỉ đủ để một người đi qua.

Walled City nằm dưới quyền kiểm soát của xã hội đen Trung Quốc từ những năm 1950 đến 1970. Thành phố này được biết đến như một “thiên đường” cho gái mại dâm, cờ bạc và thuốc phiện. Tuy nhiên, khi Girard khám phá thành phố vào năm 1987, thành phố đã an toàn hơn dù các bậc cha mẹ vẫn dặn con cái của họ đừng bao giờ đến đây.

Quy định duy nhất ở Kowloon là chiều cao của các tòa nhà. Vì sân bay ở quá gần Kowloon, các tòa nhà chỉ có tối đa 13 – 14 tầng.

>> Hong Kong hút khách du lịch mùa... biểu tình

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM