Không mở nào bằng mở lòng

09/02/2016 14:48 PM | Sống

Nói vậy có đúng không? Không mở nào bằng mở lòng ra, đối xử với mọi người thân thiện, bao dung, ấm áp... Dùng chân tình và sự tử tế đối đãi với nhau trước đã.

Hằng ngày tôi luôn tự dặn, mình là ai và đang đứng ở đâu. Trong cái cảm giác rất dễ muôn đời "thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" - trên trời dưới trời, ta là số một - và cái cảnh giác "ai nói khác mình đều là đáng ghét, thù địch", việc luôn tự kỷ ám thị mình là ai và đang đứng ở đâu là vô cùng quan trọng. Để khiêm nhường hơn. Để đừng huênh hoang, tự sướng vô lối. Để cởi mở, phóng khoáng hơn. Và quan trọng nhất, để tiến bộ hơn.

Trong ba năm 2012, 2014 và 2015, đạo diễn Victor Vũ - một người Việt sinh năm 1975 ở Mỹ - sau khi về nước làm phim, đã liên tục vét sạch những giải thưởng lớn nhất về phim điện ảnh của Việt Nam. Quan trọng là phim của anh thu hút người xem, vừa bán được vé lại vừa có chất lượng nghệ thuật, ngay từ mấy bộ phim đầu đã cho thấy tay nghề cao, đúng là có học hành trường lớp điện ảnh của Mỹ tới nơi tới chốn. Một đạo diễn khác là Hàm Trần, đi Mỹ từ năm mới 8 tuổi. Đáng chú ý, anh từng làm phim chỉ chiếu cho người Việt ở hải ngoại xem, nhưng sau anh vẫn được cho về nước tham gia làm một số bộ phim tên tuổi (Dòng máu anh hùng, Để Mai tính, Long Ruồi, Âm mưu giày gót nhọn, Đoạt hồn...).

Bắt đầu từ Trần Anh Hùng, nếu không có một sự mở trong lĩnh vực điện ảnh, liệu bộ mặt điện ảnh Việt Nam đã có những thay đổi như vừa qua? Tin chắc là không.

Mà thật ra, điện ảnh còn có thể "mở" hơn nữa để các đoàn phim nước ngoài có thể đến quay tại Việt Nam. Một đất nước có quá nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, chi phí sản xuất phim thấp mà không thu hút được các đoàn phim của thế giới thì có phải là tại chúng ta chưa "mở"?

Chưa kể một thực trạng là bộ này thì "mở" hơn bộ kia! Bằng chứng là nhiều phim kinh dị, bạo lực bị Cục Điện ảnh kiểm duyệt bắt cắt cảnh, thậm chí không cho phép phát hành, trong khi cũng những bộ phim đó hoặc những phim khác có nội dung còn nặng nề hơn vẫn được phát sóng thoải mái trên các kênh truyền hình! Việc "đóng - mở" nói chung là còn tùy tiện, tùy quan điểm của mỗi người, mỗi cấp lãnh đạo, mỗi địa phương chứ không có quy chuẩn nào cụ thể.

Bên âm nhạc còn "đóng" hơn!

Vài ca sĩ tên tuổi ở miền Nam trước 1975 đến nay không hiểu tại sao vẫn chưa được cho diễn ở một địa phương lớn, trong khi đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép trên cả nước. Muốn xem họ biểu diễn, người ta phải chạy đi Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đà Lạt, Bình Dương, Biên Hòa... Các nghệ sĩ, các chương trình biểu diễn nghệ thuật nước ngoài cũng cùng chung tình cảnh địa phương này cấp phép, địa phương khác lại không cho.

Là công dân Việt Nam mà tôi còn không hiểu nổi lý do, huống hồ gì người nước ngoài. Họ sẽ nghĩ sao về cách quản lý của chúng ta? Không chỉ quá đóng, quá câu nệ và nặng lòng ghim gút, điều này còn cho thấy một sự thiếu nhất quán trong quản lý, một kiểu "phép vua thua lệ làng", thật khó giải thích với cả người dân trong nước lẫn thế giới.

"Không ai đánh người chạy lại". Ông bà ta nói vậy, nhưng có vẻ câu nói đó chưa có giá trị hành động trong thời điểm hiện nay, dù những lời nói thì bao giờ cũng có cánh. Miệng nói mở nhưng tấm lòng chưa mở.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng thuở sinh tiền hay nói với tôi, sách, báo, phim, kịch, văn hóa phẩm... của hai miền vẫn còn nhiều dị biệt và chưa được hưởng ứng chan hòa. Cái đó do văn hóa, phong tục, thị hiếu... sau nhiều thập niên chia cắt, nhưng cũng còn một lý do nữa là lòng người vẫn chưa mở. Phải vậy không?

Có ai hiểu được tại sao nhiều bài hát sáng tác trước năm 1975, không hề vi phạm các quy định về văn hóa của nhiều nhạc sĩ trong nước vẫn chưa được cấp phép? Trong đó có cả Phúc âm buồn, Ru em... của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và rất nhiều bài tình ca của nhiều nhạc sĩ khác đã đi vào tiềm thức, đã ăn sâu vào ký ức của rất nhiều người dân cả hai miền Nam - Bắc! Cơ quan quản lý có thể "đóng" được không khi lòng dân vẫn "mở"?

Một đề nghị đã được nhiều người, kể cả những người trong cơ quan quản lý văn hóa, nêu ra nhiều lần trước đây, là thay vì cấp phép nhỏ giọt từng đợt cho một số bài hát cũ ở miền Nam trước năm 1975, tại sao không làm luôn một lần danh sách những bài hát bị cấm không cho phổ biến? Như vậy có phải là dễ và tiện hơn nhiều không?

Về kinh tế, đất nước ta có rất nhiều tiềm năng, nhưng cũng còn thiếu thốn, yếu kém nhiều mặt. Mấy năm qua, nhờ mở nhiều, tham gia WTO rồi gia nhập hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do, trước mắt như AEC, TPP, nền kinh tế đã có nhiều chuyển biến khởi sắc, do đã thật sự mở vì những luật chơi phải vậy. Phải mở để trao đổi, để học tập, để tiến bộ.

Về văn hóa, vẫn còn rất nhiều cơ hội, dư địa, tiềm năng... để chúng ta hòa nhập với văn hóa thế giới, thoát khỏi tình trạng văn hóa ao làng, tự ngợi ca, tự sướng. Thế nhưng không kể thời gian đầu, giờ rất ít người hoạt động văn nghệ nổi tiếng nước ngoài nghĩ đến việc biểu diễn ở Việt Nam, sau một số sự việc không hay về đối xử, về quản lý... mà một số người đã bị.

Văn hóa Việt Nam ra nước ngoài còn quá lẻ tẻ, manh mún, được chăng hay chớ. Cái gì cũng thấy cần phải được quản lý chặt chẽ, một cô gái đi thi sắc đẹp cũng phải được duyệt cho phép, tệ "xin - cho" dường như còn quá nặng.

Chúng ta hiện đang đứng ở đâu trên bản đồ văn hóa thế giới?

Chắc vẫn còn tít mù đâu đó.

Chỉ thật sự mở và là mở lòng chứ đừng chỉ mở miệng thì mới mong văn hóa chúng ta tiến ra hội nhập được cùng bạn bè năm châu bốn biển. Trong khi thế giới nay đã phẳng, đã rộng mở. Internet, Facebook, YouTube... đã giúp mọi hoạt động văn hóa khắp nơi trên địa cầu phổ biến rất nhanh chóng, chúng ta làm sao đóng mãi được?

Phải mở để học hỏi, trao đổi, hội nhập, tiến bộ. Chứ cứ đóng cửa ngồi đó mà tự hào tếu về một nền văn hóa tiên tiến thì chắc mãi mãi vẫn cứ như... "ếch ngồi đáy giếng".

Theo NGUYỄN ĐÔNG THỨC

Cùng chuyên mục
XEM