Khi người Việt chịu chơi và chịu chi

10/07/2013 09:25 AM | Sống

Trong tình hình kinh tế đầy biến động, các doanh nghiệp đồng thanh kêu khó, nợ xấu gia tăng, bất động sản đông cứng… thì thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam vẫn đang là “miền đất hứa” của các nhãn hàng hiệu siêu sang.

Sự đổ bộ của những thương hiệu siêu sang

Vượt qua các tên tuổi lớn trong hàng thời trang thế giới như Louis Vuitton, Versace, Chanel, Hermes trở thành hãng thời trang xa xỉ nhất do Hiệp hội hàng xa xỉ thế giới bầu chọn. Những sản phẩm từ túi xách cho đến quần áo thời trang của Hermes đều là lựa chọn yêu thích của những người nổi tiếng. Năm 2008 cửa hàng Hermes đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện ở Hà Nội. Đến nay, cửa hàng này luôn tăng trưởng doanh thu hằng năm từ 20-30%, với các sản phẩm có giá dao động từ 10.000-150.000 USD/sản phẩm…

Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường khiến Hermes luôn muốn đẩy mạnh phát triển tại Việt Nam. Đầu năm 2013, Hermes đã mở cửa hàng thứ hai tại Việt Nam nhằm cung cấp những chiếc túi với thông điệp: "Tôi là người giàu có và đầy quyền lực".

Bên cạnh Hermes, có một điều đặc biệt là dù thị trường xe hơi hiện nay gần như đóng băng nhưng các dòng xe cao cấp vẫn được ưa chuộng và duy trì được doanh số. Các hãng xe sang như BMW, Mercedes, Audi… đều đạt mức tăng trưởng cao tại Việt Nam, cho thấy xu thế tiêu dùng hàng xa xỉ, đắt tiền của người Việt Nam đang lũy tiến.

Cuối tháng 6 vừa qua, tại Hà Nội, Rolls-Royce đã chính thức công bố đại lý chính thức của hãng tại Việt Nam. Rolls Royce là một thước đo vị thế xã hội, thể hiện sự tột đỉnh trong văn hóa tiêu dùng ngay tại những đất nước phát triển nhất. Tại khu vực châu Á, Hà Nội là thành phố thứ 22 mà Rolls-Royce có mặt. Lựa chọn Hà Nội là nơi đầu tiên đặt tổng hành dinh, Rolls-Royce đã thể hiện định hướng trước mắt tập trung vào thị trường phía Bắc.

Ở một đất nước đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người mới chỉ ở mức 1.400 USD/năm, việc hãng xe hơi siêu xa xỉ có giá từ 1,2-1,7 triệu USD/chiếc đặt đại lý đã chứng tỏ tiềm năng thực sự của thị trường xe hơi hạng sang Việt Nam.

Độ chịu chơi và chịu chi của người Việt đã khiến cho các thương hiệu danh tiếng thế giới phải để mắt đến thị trường mới nổi này.

Ông Đoàn Hiếu Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Regal Motor Cars, đơn vị phân phối Rolls-Royce tại Việt Nam, cho biết ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới, phân khúc khách hàng của Rolls-Royce đều rất hẹp. Họ là những người thành đạt trong các lĩnh vực và ngành nghề mà họ đại diện, đạt được nhiều thành công và muốn tưởng thưởng riêng cho bản thân một chiếc xe đặc biệt mang dấu ấn cá nhân.

Tuy nhiên, lạc quan về thị trường trong nước, ông Minh tin rằng trong năm 2013 và 2014, mức độ tăng trưởng về sản lượng bán Rolls-Royce tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới ít nhất sẽ là hai con số.

Các “tín đồ” hàng hiệu không chỉ dừng ở các cửa hàng trong nước mà họ sẵn sàng đầu tư một chuyến xuất ngoại để mua sắm thỏa thích. Bên cạnh việc các “sao” trong giới showbiz lên báo khoe sang nước này, nước khác để sắm sanh đồ hiệu thì một thực tế trong giới “nhà giàu” Việt Nam là họ luôn đi máy bay như “đi chợ” để lùng mua những thứ đồ mà mình thích ở các thiên đường mua sắm như Hong Kong, Singapore hay các nước thuộc Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất.

Anh Q.C, một doanh nhân trung tuổi, vừa có chuyến mua sắm kéo dài 1 tiếng rưỡi ở khu phố hàng hiệu Orchard Road của Singapore. Máy bay hạ cánh lúc 1 rưỡi chiều, đủ để anh kịp sắm 1 đồng hồ Rolex nạm kim cương, 1 đôi giày Louis Vuitton kiểu dáng mùa hè, 1 thắt lưng nam hiệu Gucci… Danh sách hàng hóa xa xỉ anh mua được trong 90 phút còn dài nhưng cũng vừa vặn thời gian để anh lên máy bay về Hà Nội vào lúc 15 giờ đúng.

Thuê đồ hiệu để… sướng (!)

Với giới thượng lưu, nhà giàu, việc họ bỏ tiền ra để sở hữu những thương hiệu xa xỉ là việc làm trong tầm tay. Còn với những người bình thường, cơ hội sử dụng các mặt hàng xa xỉ là điều không tưởng. Vậy tại sao không thuê một lần khi bạn cần tới nó? Và thế là dịch vụ cho thuê đồ hiệu đã và đang phục vụ không hết khách.

Muốn thuê một món đồ của các thương hiệu đắt giá như Louis Vuitton, Gucci, Burberry, Dior, Chanel... các khách hàng phải đặt cọc tiền, chứng minh thư và trả tiền thuê hằng ngày bằng 3% giá bán lẻ của sản phẩm đó.

Nhu cầu thuê đồ hiệu để thỏa mãn sự “sang chảnh” của giới trẻ đang rất cao. Các cửa hàng cho thuê này mặc dù có giá trị hàng hóa rất lớn nhưng thường nằm trong ngõ nhỏ ở các khu Chùa Bộc, Nghĩa Tân... Quần, áo, váy và các loại phụ kiện như đồng hồ, giày, túi... của các thương hiệu lớn có giá từ 1.000 USD đến vài nghìn USD/chiếc luôn là lựa chọn hàng đầu của khách hàng.

Bạn Phương Nga, khách quen của một hàng cho rằng, được sử dụng hàng hiệu để thấy mình đẹp và sang trọng hẳn lên mà chỉ mất có 200.000-400.000 đồng/ngày thì cũng đáng.

Hiện nay, nhiều cửa hàng điện thoại ở khu Cầu Giấy, Hà Nội đang có dịch vụ cho thuê iPhone5 với giá 600.000-800.000 đồng/ngày để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận giới trẻ sính hình thức, thích xài hàng hiệu nhưng không đủ tiền để sắm. Người thuê phải đặt cọc đi kèm nhiều điều khoản ràng buộc như nếu lỡ máy bị một vết xước nhỏ hoặc bị rơi bể viền thì phải bồi thường tới tiền triệu.

Bạn Huy Khoa, sinh viên một trường ĐH tại Hà Nội, nói: "Xài đồ xịn để thể hiện đẳng cấp và được bạn bè coi trọng, bỏ gần triệu bạc mà được sở hữu kiệt tác iPhone 5 lấy le vào dịp gì quan trọng nào đó thì cũng đáng tiền".

Bên cạnh iPhone5, tiền thuê các loại điện thoại khác như các dòng cảm ứng của Nokia, Samsung có giá rẻ hơn, dao động từ 100.000-300.000 đồng/ngày.

Những chiếc xe tay ga đắt tiền và ô tô cũng thu hút được nhiều người đến thuê. Tùy thuộc vào từng loại xe mà chủ hàng hét giá. Với những xe tay ga như SH, LX... thì giá cho thuê thường là 500.000 đồng/ngày. Đối với các loại ô tô bình dân như Morning, Vios, Innova... có mức giá cho thuê dao động từ 500.000-1 triệu đồng/ngày. Các loại xe sang trọng hơn như Altis, Camry... có giá từ 2 triệu đồng/ngày.

Những câu chuyện từ sự khát khao được sử dụng hàng hiệu bằng cách đi thuê đã thể hiện rõ căn bệnh sính hình thức, thích chơi trội của giới trẻ. Có phải rằng các bạn không đủ điều kiện để khẳng định thương hiệu, giá trị của bản thân, nên phải thể hiện bằng những món đồ hiệu đi thuê?

Một người hàng hiệu từ đầu tới chân nhưng thiếu sức sống thì chẳng hơn gì một ma-nơ-canh trong cửa hàng thời trang. Giới trẻ cần phải xác định lại rằng ta đầu tư gì cho giá trị bản thân trước khi đầu tư cho bề ngoài? Sự đắt tiền của vẻ bề ngoài không bao giờ thay thế nổi sự kém cỏi của bên trong!

Theo Nhật Nam

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM