Đợi trăm mái quay về

05/12/2015 20:09 PM | Sống

Tôi thường thấy ông lầm lũi đi về trong bộ đồ nâu xám cũ kỹ, trên một ngọn đồi khuất lấp ở ấp Hồng Lạc, cạnh ngôi chùa sư nữ nhỏ rêu phong trên đường Phạm Hồng Thái. Ông tạm cư ở đó, người ta bố trí, kể từ ngày Nhà trăm mái vang lừng Việt Nam tan biến. Ông không nói chuyện với ai. Ông là con người buồn nhất Đà Lạt. Những khi giữa phố, ông cũng lặng lẽ một mình thả bộ. Phố lạnh, mù sương, dáng hình cô độc.

Ông là kiến trúc sư nổi tiếng, vượt ra khỏi cái ốc đảo mang tên Đà Lạt này. Ông là kẻ lập dị. Một kẻ lạc loài. Ông hòa vào cõi mông lung mà không thể hòa vào đám đông. Ông vụng về nhưng chân thành với mọi thứ.

Trong phòng ngủ của ông treo dán đầy các bản vẽ công trình. Hình như ông hay độc thoại với các bản thiết kế kia. Không biết nếu dọn hết những bản vẽ kia đi ông sẽ hô hấp bằng cái gì. Ông đắm cuồng trong kiến trúc. Có vợ, có con, nhiều, mà ông thường ở một mình. Nhiều lần tôi đến thăm chỉ thấy ông giữa bộn bề và đơn chiếc trong không gian gọi là nhà ấy.

Kiến trúc sư Lữ Trúc Phương trong một mép không gian Đường lên trăng

Những gì kiến trúc sư Lữ Trúc Phương tạo ra đều là những cái du khách tìm đến xem, thành sản phẩm du lịch, thành tour để thiên hạ đưa khách đến, là cơ hội của các hướng dẫn viên du lịch và nền du lịch địa phương. Người ta thường nhanh tay đưa kiến trúc của ông vào những cuốn guidebook, dù xuất bản ra ngoài hay trong nước, ở Sài Gòn, Hà Nội hay ngay Đà Lạt. Ông không biết điều đó. Ngay cả các công trình ông thực hiện dở dang cũng làm du khách thích. Tác phẩm của ông hoang vu ngay khi nó đang thi công.

Chẳng ai như ông, những năm 1980, cả xã hội luôn suy tính tạo ra lương thực nhanh bỏ bụng, thì ông đi thiết kế một con rồng cho công trình thủy lợi để nó không chỉ phun ra nước tưới mấy trăm hécta rau ở vùng Đa Thiện mà còn phun ra nghệ thuật. Ông đi làm con gà chín cựa K’Long ở làng người Cill Darahoa dưới vùng Đức Trọng, cao ba mét, nặng tám tấn. Ông vẽ nhà dòng Don Bosco cho phúc âm bay lên, cho con người biết thương con người...

Công trình Nhà trăm mái hôm nào

Ông sống ở Lâm Đồng, nhưng Lâm Đồng không thương ông. Ông làm “Nhà trăm mái” trong cô độc, thầm lặng. Ông làm “Đường lên trăng” trong tư thế đặt cược, thi công trong chui nhủi. Làm xong, không dám đưa vào sử dụng, công bố, khoe với bạn bè. Ông là con kiến leo cành cụt. Là con chim đã bị trúng tên. Thiên nhiên Đà Lạt từ bi nhưng chưa hẳn mọi lòng người đều độ lượng nhân từ. Đó là lý do ông la cà ở Đồng Nai, về vùng Mã Đà, Định Quán để vẽ “Nhà nổi trên hoang đảo ngầm”.

Về Phú Mỹ Hòa vẽ “Đền thờ tổ tiên Âu Lạc trên con thuyền” cho dự án khu du lịch sinh thái văn hóa ngàn hecta liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc. Ông về tận núi Cấm An Giang để vẽ Phật Di Lạc. Mang ý tưởng “Ngôi nhà Việt Nam” đi khắp miền Nam để mong hiện thực hóa một bài thơ kiến trúc về đoàn kết các sắc dân trên quê hương mình...

Tôi biết ông nghèo, nhưng không thấy ông nhận vẽ nhà dân sinh. Chỉ chú tâm vẽ cho tâm hồn, tinh thần. Làm sao ông không nhớ cái lần ông cố đưa yếu tố nghệ thuật vào những công trình phục vụ dân sinh thì bị quy chụp, cho là mơ hồ. Ông thiết kế theo ý mình chứ không theo ý “chủ”, mà nghề kiến trúc là phải sống nhờ thân chủ. Chắc bởi thế nên tác phẩm nào của ông cũng lênh đênh, trầm luân.

*

Hình như những suy nghĩ và sáng tạo của ông đi quá xa đám đông, càng xa những chính sách, qui định về kiến trúc, xây dựng. “Nhà trăm mái” là công trình thể hiện tinh thần “Trăm trứng nở trăm con”, về tổ ấm Âu Lạc, nguồn gốc của dân Việt qua kiến trúc. Hội Kiến trúc sư Việt Nam từng kêu cứu lên Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) rằng “Công trình Nhà trăm mái không ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thành phố Đà Lạt”, nhưng địa phương vẫn cứ cho nó “ra đi”. Công văn của Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao gửi về địa phương lập luận rằng “Dù công trình của tư nhân nhưng nếu có giá trị nghệ thuật sáng tạo thì được coi như sản phẩm văn hóa cần quan tâm gìn giữ”, cũng vô vọng. Tất thảy không cứu được nó.

Du khách khám phá Đường lên trăng

Công trình “Đường lên trăng” là một sự ngỡ ngàng khác của mọi người. Ở đó, chỉ trong không gian bằng một căn nhà phố, ông đã thiết kế và xây dựng nên một mê cung vô tiền khoáng hậu. Khi bước vào đây, cứ qua mỗi cánh cửa là ngỡ ngàng gặp một hình cảnh kiến trúc lạ. Càng đi, càng ngắm nhìn, càng bị cuốn hút. Ta có thể bước cả ngày trong đó. Và trong miền kiến trúc như thế, từ dưới lòng đất khi đột nhiên bước lên một sườn đồi, gặp ngay cả bầu trời, gặp trăng - nếu đang đêm. Kiến trúc của ông bao giờ cũng là thứ kiến trúc hôn phối với nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, hội họa, giữa hình khối với đường nét sắc màu.

KTS. Lữ Trúc Phương từ những tầng sâu hút bên dưới chui lên vị trí cao nhất của Đường lên trăng

Tại sao ông đổ tiền vào một công trình mà người bình thường không thể nghĩ được nó có thể sử dụng vào việc gì? Nhà ở ư? Không thể ở. Khách sạn ư? Không thể bố trí phòng. Cửa hàng ư? Ai mà chui vào đó mua sắm. Mà ông làm gì có tiền để làm một công trình ngốn tiền ngoại cỡ, biệt hạng như thế. Ông tâm sự với tôi là ông đi mượn của họ hàng bên vợ. Ở Đà Lạt, mọi người thường thấy con người lập dị lặng lẽ của ông góc này, phố kia, nhưng không ai biết ông sống đạm bạc, nghèo mọn đến độ nào trong từng sinh hoạt, bữa ăn, lại càng không biết ông nợ nần hàng tỉ đồng cho những công trình bay bổng. Ông làm “Đường lên trăng” khi người ta vừa đập bỏ xong “Nhà trăm mái”.

Trước khi “lên trăng”, phải qua khung cảnh này nơi đỉnh công trình

Ông già đi nhiều khi “Nhà trăm mái” tan vỡ. Ông đứng dậy bằng tình yêu kiến trúc và năng lượng nỗi buồn. Ai rơi vào cảnh như ông, hẳn đã kiệt lực kiệt lòng, mòn mỏi gục ngã. Ông thì hồn nhiên luôn tin một ngày nào đó thế nhân sẽ cho ông cất lại “Nhà trăm mái” ngay tại Đà Lạt, dù đã hai mươi năm nó thành ma kiến trúc. Hồn nhiên tin người ta sẽ hối hận, giao cho ông nguyên một quả đồi, và đầu tư tiền của cho ông tái sinh nó. Hồn nhiên tin bản thiết kế tổ hợp kiến trúc văn hóa đồ sộ có chủ đề “Nhập cùng nguồn cội” về cái “Mê sơn cung” ngợi ca thiên nhiên hoang dã của mình sẽ có ngày được thi công ở thác Prenn... Và bao nhiêu công trình khác nữa. Vì thế mà tâm hồn ông đẹp thiện lành.

*

Trước sau Lữ Trúc Phương vẫn bền bỉ tha thiết với Đà Lạt. Quê ông ở miền sông nước Cao Lãnh, Đồng Tháp. Nhưng ông đi học kiến trúc ở Campuchia, một nhánh của Trường Mỹ thuật Đông Dương những năm 1950, rồi sau 1960 làm chuyên viên thiết kế công trình cho đại sứ quán Pháp ở đấy. Một lần đến Đà Lạt ông ngỡ ngàng mê thích, bèn từ bỏ ngay Pnom Penh tìm lên đây định cư suốt hơn năm mươi năm qua. Sau 1975, khi người ta chìm trong cơn mê sảng khoai mì, la ghim thì ông đã nghĩ đến sản phẩm cho du lịch Đà Lạt. Dễ dàng tháo sắt thép, lưới B40 nơi hàng rào của gia đình, bán xe máy mua xi măng… để thi công con gà chín cựa K’Long.

“Nhà trăm mái” bị hất đổ, nhiều nhà đầu tư du lịch, văn hóa ở các tỉnh thành tìm lên mời ông mang bản vẽ này cùng bản vẽ “Đường lên trăng”… về xuôi thực hiện, ông vẫn từ chối. Cũng vì Đà Lạt mà từ năm 1997 ông tự đứng ra quy hoạch để vùng núi đồi ở Thung lũng tình yêu được nguyên vẹn giá trị thiên nhiên, trở thành tổ hợp du lịch liên hoàn. Và cũng không ai ngờ từ những năm 1980 ông đã dồn tâm sức nghĩ về một bản quy hoạch tổng thể Đà Lạt mới. Ông là kiến trúc sư tự do, không có chân trong nhà nước, thì làm sao ai cần sản phẩm của ông trong chuyện đó, thế mà ông vẫn cứ làm.

Tác giả trong công trình của mình

Nhiều năm rồi, bao người ở Đà Lạt hay nói với nhau rằng, giá “Nhà trăm mái” còn thì mỗi năm nó sẽ góp vào ngân sách nhà nước vài trăm triệu, từ tiền bán vé khách tham quan. Bởi ở Đà Lạt có một công trình kiến trúc cùng thời từng có số phận gần giống nó, cũng “xây trái phép”, nhưng tồn tại và làm được điều đó cho cộng đồng: biệt thự Hằng Nga của con gái cố Tổng bí thư Trường Chinh.

Lâu lâu ông lại chạy ngang con đường xinh đẹp trước Đồi Cù. Nhưng ông không dám nhìn vào chỗ đất trống có công trình “Nhà trăm mái” ngày nào. Chỗ đó, nay thế nhân vừa biến hóa thành một bộ phận của một đại dự án địa ốc cao sang với chủ chẳng biết đến từ đâu. Có lần tôi hỏi ông giờ thì hết đau chưa, hơn hai mươi năm rồi mà? Vẫn giọng hiền nhỏ nhẹ ấy của ông: “Tôi là người của những tang thương!”.

Ông vẫn sống trong trạng thái không tin “Nhà trăm mái” đã chết.

Bài và ảnh: Theo Nguyễn Hàng Tình

Cùng chuyên mục
XEM