Đặc quyền chỉ dành cho những người thông thạo 2 ngôn ngữ

13/10/2015 21:30 PM | Sống

Người thông thạo hai thứ tiếng luôn có nhiều đặc quyền như triển vọng công việc tốt hơn, nhận thức cao hơn và thậm chí là được bảo vệ chống lại bệnh sa sút trí tuệ.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy họ cũng có thể nhìn nhận thế giới theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào ngôn ngữ cụ thể mà họ đang sử dụng.

Trong 15 năm qua, có rất nhiều nghiên cứu về trí não của người nói song ngữ với đa số bằng chứng chỉ ra những ưu điểm rõ rệt khi có thể sử dụng nhiều hơn một ngôn ngữ. Sự chuyển đổi qua lại giữa hai ngôn ngữ được xem như một dạng rèn luyện trí não, thúc đẩy não bộ hoạt động linh hoạt hơn.

Tương tự những bài tập thể dục thông thường mang lại lợi ích về mặt sinh học cho cơ thể, việc kiểm soát một hoặc hai ngôn ngữ bằng trí óc mang lại lợi ích về nhận thức cho não bộ.

Người Đức biết họ đang đi đâu

Trong nghiên cứu chúng tôi vừa công bố gần đây trên tạp chí Psychological Science, chúng tôi đã thực hiện các thí nghiệm trên những người nói song ngữ Đức - Anh và người chỉ nói một ngôn ngữ Đức hoặc Anh để tìm ra cách những mẫu ngôn ngữ khác nhau ảnh hưởng đến phản ứng của họ.

Chúng tôi cho nhóm người nói song ngữ Anh – Đức xem những video clip có những hành động mang tính chất chuyển động, chẳng hạn như cảnh một người phụ nữ đi bộ đến chiếc ô tô hay một người đàn ông đạp xe đến siêu thị và sau đó yêu cầu họ mô tả chúng.

Khi cho nhóm người chỉ nói tiếng Đức xem những cảnh này, họ có khuynh hướng mô tả hành động lẫn mục tiêu của nó.

Vì vậy họ thường nói “Một người phụ nữ đi đến xe của cô ta” hoặc “Một người đàn ông đạp xe đến siêu thị”. Nhóm người chỉ nói tiếng Anh thì chỉ mô tả đơn giản như “Một người phụ nữ đang đi” hoặc “Một người đàn ông đang đạp xe” mà không đề cập đến mục tiêu của hành động.

Cái mà người nói tiếng Đức nhìn nhận là thế giới quan tổng thể - họ có xu hướng quan sát bao quát sự việc. Trong khi đó, người nói tiếng Anh lại có khuynh hướng nhìn cận cảnh sự việc và chỉ chú trọng vào hành động.

Cơ sở ngôn ngữ học của khuynh hướng này bắt nguồn từ sự khác biệt của các hệ thống ngữ pháp trong cùng ngữ cảnh. Tiếng Anh yêu cầu người nói mô tả sự việc đang diễn ra về mặt ngữ pháp bằng cách thêm hình vị -ing vào sau động từ: “Tôi đang chơi đàn piano và tôi không thể nghe điện thoại” (“I am playing the piano and I cannot come to the phone”) hoặc “Tôi dang chơi piano khi điện thoại reo” (“I was playing the piano when the phone rang”). Tiếng Đức thì không như vậy.

Nghiên cứu với nhóm người dùng ngôn ngữ thứ hai cho thấy một mối quan hệ giữa việc thành thạo cấu trúc ngữ pháp và tần số người nói sử dụng những cấu trúc đó khi đề cập đến mục tiêu sự việc.

Trong nghiên cứu, chúng tôi cũng nhận thấy những khác biệt xuyên ngôn ngữ này càng vượt quá mục đích sử dụng của nó để phân loại sự việc một cách phi ngôn ngữ. Chúng tôi yêu cầu những người chỉ nói tiếng Anh hoặc tiếng Đức xem một chuỗi các video có cảnh người ta đi bộ, đạp xe, chạy bộ và lái xe.

Trong mỗi bộ 3 video, chúng tôi hỏi về chủ đề của chúng để xác định một cảnh có mục tiêu mơ hồ (một phụ nữ trên đường hướng tới chiếc xe đậu sẵn) giống với cảnh có mục tiêu rõ ràng (một phụ nữ bước vào một tòa nhà) hay cảnh không có mục tiêu (một phụ nữ đi trên con đường quê) hơn.

Kết quả cho thấy người chỉ nói tiếng Đức thường chọn kết hợp cảnh có mục tiêu mơ hồ với cảnh có mục tiêu rõ ràng hơn người chỉ nói tiếng Anh. Điểm khác biệt này phản ánh một cách sử dụng ngôn ngữ: Người nói tiếng Đức thường chú trọng vào kết quả khả thi trong hành động của con người còn người nói tiếng Anh chỉ chú trọng hành động.

Chuyển đổi ngôn ngữ, thay đổi góc nhìn

Khi nghiên cứu nhóm người nói song ngữ, họ thường chuyển đổi giữa hai quan điểm này dựa trên ngữ cảnh được hỏi. Chúng tôi nhận thấy rằng những người Đức thông thạo tiếng Anh cũng chúng trọng vào mục tiêu giống như bất kì người bản xứ nào khác khi kiểm tra bằng tiếng Đức tại quê nhà của họ. Nhưng một nhóm người nói song ngữ Đức – Anh được kiểm tra bằng tiếng Anh trên chính nước Anh cũng chú trọng vào hành động như người bản xứ.

Ở một nhóm nói song ngữ Đức – Anh khác, chúng tôi buộc trí não họ ưu tiên lựa chọn một ngôn ngữ trong khi thực hiện yêu cầu kết hợp video bằng cách bảo họ lớn tiếng lập lại một chuỗi các con số bằng tiếng Anh hoặc Đức. Khi xao lãng một ngôn ngữ, ngôn ngữ còn lại sẽ tự động nổi bật trong tâm trí.

Nguồn: REUTERS/Matthias Schrader. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu sau khi ký kết tuyên bố chung tại Hội nghị G7 ở Kuren, Đức ngày 7 tháng 6 năm 2015
Nguồn: REUTERS/Matthias Schrader. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu sau khi ký kết tuyên bố chung tại Hội nghị G7 ở Kuren, Đức ngày 7 tháng 6 năm 2015

Khi chúng tôi “khóa” tiếng Anh lại, nhóm người nói song ngữ có phản ứng giống như người Đức thông thường và thấy những video mơ hồ có mục tiêu rõ ràng hơn. Còn khi “khóa” tiếng Đức, họ phản ứng như người nói tiếng Anh và lựa chọn kết hợp cảnh mơ hồ với cảnh có kết thúc mở. Khi chúng tôi bất ngờ đổi sang ngôn ngữ đã bị xao lãng giữa chừng cuộc thí nghiệm, phản ứng chú trọng vào mục tiêu hay quá trình của họ lập tức thay đổi theo.

Những phát hiện này phù hợp với nghiên cứu cho thấy hành vi phân biệt ở người nói song ngữ phụ thuộc vào ngôn ngữ họ đang sử dụng. Ví dụ, người Ả Rập Israel thường kết hợp những cái tên Ả Rập như Ahmed và Samir với các từ ngữ tích cực trong ngữ cảnh dùng tiếng Ả Rập hơn khi dùng tiếng Do Thái.

Những người này tự cho biết họ cảm thấy mình như một người khác khi sử dụng các ngôn ngữ riêng biệt và bày tỏ những cảm xúc nhất định mang theo cộng hưởng xúc cảm khác nhau tùy thuộc vào ngôn ngữ họ đang sử dụng.

Đánh giá về rủi ro, người nói song ngữ cũng thường ra nhiều quyết định kinh tế hợp lý hơn khi dùng ngôn ngữ thứ hai. Ngược lại với ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, ngôn ngữ thứ hai thường thiếu những thành kiến sâu kín và sai lầm gây ảnh hưởng lớn đến cách cảm nhận rủi ro và lợi ích. Vì vậy ngôn ngữ bạn nói thật sự có thể ảnh hưởng đến cách bạn suy nghĩ.

Trúc Diễm

Cùng chuyên mục
XEM