Bằng tiến sĩ Nhật về Việt Nam dạy lương 3,5 triệu đồng/tháng (P.1)

07/12/2015 09:30 AM | Sống

Điểm khác biệt giữa môi trường làm việc ở Nhật và Việt Nam đó là: Ở Nhật chỉ cần làm đủ và đúng nguyên tắc là được, ở Việt Nam không có nguyên tắc.

CafeBiz xin gửi đến quý độc giả bài viết "Học ở Nhật về nước, chúng tôi đã thất vọng như thế nào?của tác giả Ngọc Thúy. Tác giả Ngọc Thúy từng theo học Thạc sĩ Ngành Quan hệ công tại Nhật Bản.


Tôi học thạc sỹ ngành quản lý công theo học bổng của chính phủ Nhật (học bổng của tôi không có điều kiện ràng buộc phải quay lại nơi cũ làm việc và tôi cũng không xin học bổng qua cơ quan cũ mà tôi từng làm) từ năm 2012 đến năm 2014.

Trước khi rời Nhật về nước vào tháng 7/2014, tôi từng nghe rất nhiều câu chuyện của các bạn bè làm giảng viên nhiều trường đại học hay công ty, ngân hàng có tiếng trong nước đã bị bắt nạt bị gạt sang bên ngoài các hoạt động chuyên môn và cuối cùng lại bỏ xứ mà đi, nhưng tôi không tin lắm, lý do là bởi trong tôi vẫn còn niềm tin dào dạt vào sự công bằng.

Khi đang viết những dòng tâm sự đến với quý độc giả, thì tôi đã tự cắt nghĩa được phần nào lý do tại sao nhiều người sau khi đi học ở nước ngoài về nước lại cảm thấy khó hòa nhập. Trong trường hợp của chúng tôi là từ nước Nhật.

Ở Nhật, người Nhật luôn đưa ra rất nhiều các nguyên tắc, và nhiệm vụ của bất kỳ một người nhân viên hay thành viên của tổ chức/công ty đó là phải thuộc và làm đúng tất cả các nguyên tắc đó. Nó có thể gây ra nhiều khó khăn mệt mỏi lúc ban đầu nhưng khi bạn đã vượt qua giai đoạn đó thì bạn sẽ cảm thấy rất hạnh phúc bởi chỉ cần làm đúng nguyên tắc thì bạn sẽ được hưởng đầy đủ.

Tính cam kết trong công việc của người Nhật rất cao. Từ việc làm chân tay cho đến các công việc có hàm lượng chất xám cao, hãy làm đủ các bộ nguyên tắc đó, thì họ hứa trả cho bạn một đồng bạn sẽ được một đồng, nếu tiến độ tốt hơn có thể được thưởng thêm, nếu bạn chậm tiến độ thì bạn sẽ bị phạt tiến độ và mức phạt bao nhiêu cũng đã được ghi rõ ngay từ ban đầu.

Chính vì chúng tôi đã quen với cách làm việc theo nguyên tắc như vậy cho nên phần đông chúng tôi về nước cảm thấy sốc vì rất nhiều môi trường làm việc ở Việt Nam không có nguyên tắc làm việc, cách làm việc và trả lương tùy theo cảm hứng. Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ khi làm việc nhưng khi không có nguyên tắc hoặc có nguyên tắc mà không được phía quản lý tôn trọng thì quả thật rất khó làm.

Chúng tôi cũng gặp phải vấn đề với sự minh bạch, có nghĩa là khi ở Nhật nếu công việc/sản phẩm của mình có vấn đề gì thì nó sẽ được đưa ra cùng bàn thảo và các đồng nghiệp đóng góp ý kiến. Dù rằng cùng có chuyện này chuyện kia trong trong thời gian làm ở Nhật chúng tôi không gặp phải quá nhiều vấn đề ảnh hưởng đến chuyên môn.

Đó là chưa kể đến ở nước ngoài, hạ tầng phục vụ cho nghiên cứu là vô biên. Chúng tôi được có tài khoản để đọc tài liệu của gần như tất cả các cơ sở dữ liệu lớn của thế giới và tất cả những thứ đó được miễn phí để phục vụ cho công tác nghiên cứu. Về nước mọi tài khoản như vậy chúng tôi phải tự bỏ tiền ra để mua mà nhiều khi cũng không mua được.

Tuy nhiên điều kiện của đất nước còn nhiều hạn chế nên về vấn đề đó chúng tôi không phàn nàn. Vấn đề chúng tôi gặp phải bắt nguồn từ phía con người.

Trong loạt bài của tôi dưới đây, tôi sẽ bắt đầu từ những câu chuyện mà tôi được biết qua bạn bè và sau đó đến chuyện của cá nhân tôi. Vì một số lý do tôi không thể nêu trực tiếp tên cơ quan hay công ty trong các bài viết, mong các quý độc giả thông cảm.

Tiến sỹ đi dạy với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng

Tôi muốn kể lại đây một vài câu chuyện tiêu biểu mà các bạn bè về nước kể cho tôi như sau. Hai vợ chồng bạn của tôi đang học hệ tiến sỹ tại trường đại học Sophia ở Tokyo. Đây cũng là một trường khá có tiếng và hệ tiến sỹ của họ vì vậy tuyển sinh đầu vào cũng không hề đơn giản chút nào.

Anh chồng học trên cô vợ 2 năm và vì thế anh về nước trước, đi dạy ở một trường đại học trong thành phố Hồ Chí Minh. Họ luôn quan niệm sau khi học xong sẽ cùng về nước làm giảng viên và sống cuộc đời ổn định.

Về nước hơn 8 tháng, anh cho biết, từ khi quay về cuộc sống của anh quá chán và mệt mỏi. Anh kể chuyện khi anh đi khỏi trường, anh đang là giảng viên môn kinh tế vĩ mô, khi anh xin quyết định của cơ quan để đi học thì đã có nội dung trong cam kết rằng về sẽ được giảng dạy trở lại, ngoài ra đó là tham gia thêm nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học khác. Đó là cam kết chủ động từ phía anh chứ học bổng của anh không phải do chính phủ Việt Nam cấp và cũng không có điều kiện ràng buộc phải quay về. Anh cũng đã thông báo ngày về của mình từ 3 tháng trước khi bay về nước.

Về nước chỉ 1 tuần anh đã nhanh chóng trở lại trường để báo cáo với trường với khoa về việc mình sẵn sàng trở lại công tác. Thế nhưng khi anh trở lại trường, dù sau nhiều lần đi lại nhưng anh vẫn không được trở lại giảng dạy dù năm học mới đã bắt đầu. Anh xin phép lên gặp trưởng và phó khoa, tất cả các thầy đều chào đón anh nhưng cuối cùng thì anh vẫn không được giảng dậy trở lại, và lý do anh cũng không được thông báo dù đã hỏi lại nhiều lần.

4 tháng sau khi về nước, anh cũng bắt đầu được quay lại giảng dạy nhưng với số tiết hết sức hạn chế. Có một số hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa, tuy nhiên anh cũng chỉ được tham gia rất với điều kiện phải chịu kiểm soát chặt chẽ về thời gian đi về của khoa, ngày đi ngày về đều phải báo cáo chặt chẽ với khoa. Tất nhiên anh cũng đã cố gắng tìm hiểu lý do tại sao nhưng không ai trả lời cho anh cả.

Khi mà đồng lương của giảng viên phụ thuộc chính vào công việc giảng dạy của trường thì với số lượng tiết được giảng dạy ít cũng như không được tham gia nhiều vào các hoạt động nghiên cứu của khoa và trường, suốt khoảng thời gian 8 tháng anh về trường đi dậy lại, thu nhập mỗi tháng được chỉ hơn 3,5 triệu đồng.

Khi cảm thấy quá mệt mỏi với tình trạng không được làm việc, anh đã gửi email lại cho một giáo sư Nhật trước đây từng hướng dẫn luận văn cho anh trình bày về những khó khăn mà anh gặp phải khi về nước. Sau nhiều lần trao đổi qua lại, ông đã giới thiệu cho anh một công việc nghiên cứu ở Nhật với mức lương cao và anh vì thế có thể quay lại được Nhật. Anh kể lại ngày anh đến xin giấy nghỉ công tác, lãnh đạo khoa và trường cũng không hề nói câu nào đến việc giữ anh lại.

Cũng rất may là vợ anh vẫn còn hạn visa vì học sau anh 2 năm nên đến thời điểm quý độc giả đọc được bài viết này thì họ đã chuẩn bị đoàn tụ ở Nhật (Cả hai đều nhận học bổng từ chính phủ Nhật chính vì vậy họ không chịu ràng buộc về số năm cống hiến, không bị kiện).

Sự thất vọng với môi trường làm việc thiếu chuyên nghiệp và không có cam kết

Một người bạn khác của tôi tốt nghiệp thạc sỹ ngành MBA ở Nhật, cũng từ trường đại học Kyoto University danh tiếng không chỉ trong nước Nhật mà còn ở tầm thế giới. Trước khi đi Nhật học anh đã có 8 năm làm việc ở một công ty chứng khoán lớn trong nước. Tất nhiên với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm như thế thì về nước kiếm việc không phải khó. Về nước anh đã vào làm ở một ngân hàng rất có tiếng của Việt Nam, bộ phận hợp tác quốc tế.

Mức lương cho anh khá ổn, anh cũng không có điều gì để kêu ca. Tuy nhiên môi trường làm việc thiếu chuyên nghiệp là cái mà anh không thích. Buổi sáng, theo quy định giờ làm việc là 8h sáng nhưng 8h rưỡi sáng anh cũng chưa thấy ai đến và có người đến nhưng cũng không làm việc, đi ra đi vào buôn chuyện rào rào. Anh cảm thấy không hài lòng với việc đó nhưng cũng không muốn nói gì nhiều bởi dẫu sao anh cũng là người mới.

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, dù gần 9h sáng mới bắt đầu được coi là thực sự làm việc nhưng chỉ đến 11h rưỡi trưa anh đã thấy mọi người rục rịch đi ăn và 4h rưỡi chiều đã gần như không còn ai ở văn phòng dù 5h mới hết giờ làm việc. Bỗng nhiên anh tự đặt ra câu hỏi: tại sao mọi người có thể làm việc không có giờ giấc như vậy và điều này cứ kéo dài hết năm này qua năm khác nhưng không có ai nói gì sao?

Câu trả lời của anh cũng đã được giải đáp bởi khi tìm hiểu ra thì chủ yếu nhân viên trong ngân hàng nơi anh làm đều là con sếp này, cháu sếp kia, hoặc là con chú này ở Bộ này, chú kia làm cục khác, có những sếp có đến 3 người thân làm cùng trong ngân hàng đó. Chính vì vậy họ muốn làm gì thì cũng không ai có thể nói được.

Một điều khiến anh cảm thấy không hài lòng nữa là khi anh vẫn đang cố gắng thực hiện mọi công việc theo đúng yêu cầu của sếp thì lương của anh giảm dần đều và không có một lời giải thích. Đến khi anh cố gắng tìm hiểu lý do bằng cách viết email hay gặp trực tiếp sếp thì câu trả lời thường rất vòng vo, chung chung.

Cuối cùng anh xin nghỉ việc và không lâu sau đó anh đầu quân cho một ngân hàng Nhật và làm ở đó suốt 2 năm rồi, anh cho biết không còn ý định làm việc cho người Việt Nam thêm một ngày nào nữa.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM