Ai cũng biết đèn xanh là đi, đèn đỏ là dừng nhưng thực ra, ban đầu ý nghĩa của chúng không phải như vậy

15/03/2016 13:49 PM | Sống

Câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản nhưng sự thật lại không hề vậy.

Khi tiến đến các giao lộ, chúng ta thường không cần các chỉ dẫn phức tạp để có thể tham gia giao thông, chúng ta chỉ cần biết tín hiệu của 3 màu: xanh, vàng và đỏ. Nhưng có ai biết được rằng trong quá khứ không phải xanh là đi, đỏ là dừng và vàng là đi chậm. Hãy tìm hiểu lịch sử của đèn giao thông qua bài sau.

Lịch sử đèn giao thông nguyên thủy

Đèn giao thông chạy bằng điện đã tồn tại được hơn 100 năm, và đèn tín hiệu chạy bằng khí gas đã xuất hiện trước thời điểm đó khoảng 50 năm, khi thị trưởng thành phố London (Anh Quốc) muốn có một giải pháp để người đi bộ sang đường an toàn hơn.


Tín hiệu semaphore.

Tín hiệu semaphore.

Lúc đó cột đèn tín hiệu sử dụng hệ thống truyền tin bằng thị giác (semaphore), ban ngày tín hiệu dừng được hiển thị bằng những "cánh tay" đặt nằm ngang và vào lúc tối, tín hiệu dừng sẽ được hiển thị bằng chiếc đèn đặt trên đầu cánh tay được đốt sáng bằng khí gas. Cảnh sát giao thông sẽ thay đổi thấu kính của đèn qua màu xanh hoặc đỏ một cách thủ công để biểu thị tín hiệu. Lúc đó xanh có nghĩa là đi còn đỏ có nghĩa là dừng.

Cách làm trên khá hiệu quả trong việc điều khiển luồng giao thông cho đến một ngày, những chiếc đèn đó phát nổ.

Vấn đề về an toàn

Vì hoạt động bằng khí gas nên chuyện rò rỉ gas và phát nổ rất dễ xảy ra, các viên cảnh sát trưởng bị thương nặng và sau đó thành phố London phải hủy dự án này. Tương tự, nước Mỹ đã có hệ thống đèn giao thông hoạt động bằng khí gas vào cùng thời điểm đó nhưng họ đã thay bằng hệ thống đèn điện vào năm 1916 với 3 màu xanh, vàng và đỏ như hiện nay. hệ thống màu này được một viên cảnh sát ở thành phố Detroit đề nghị dựa trên hệ thống báo tín hiệu bằng đèn của tàu hỏa.

Đèn giao thông 3 màu xanh, vàng và đỏ ra đời

Vào lúc khởi đầu, đèn hệ thống tàu hỏa gồm 3 màu xanh, trắng và đỏ. Thay vì như hệ thống đèn hiện nay, đèn báo hiệu trên đường ray có ý nghĩa rất khác: xanh có nghĩa là hãy chú ý, trắng có nghĩa đi và đỏ có nghĩa dừng lại.

Tuy nhiên sau một thời gian dài vận hành thì hệ thống đèn này đã xảy ra sự cố, thấu kính của đèn đỏ rất dễ bị vỡ dẫn để lộ ánh sáng đèn màu trắng bên trong và các lái tàu thường nhầm lẫn dẫn đến tai nạn. Hơn nữa đèn tín hiệu màu trắng khiến rất nhiều người lái tàu nhẫm lẫn nó với vật thể khác như trăng hoặc lồng đèn.

Từ đó, các nhà nghiên cứu cho ra một giải pháp mới để giảm thiểu sự nhầm lẫn. Hệ thống đèn xanh, vàng và đỏ ra đời nhằm giúp các lái tàu dễ phân biệt tín hiệu hơn, xanh có nghĩa là đi, đỏ là dừng lại và vàng là chú ý; đồng thời khi các lái tàu thấy ánh đèn màu trắng, họ sẽ biết được đèn có vấn đề (hỏng hóc, thấu kinh vỡ) để xử lí tình huống cẩn thận hơn.

Từ đó, đèn tín hiệu xanh, vàng và đỏ trở thành chuẩn chung cho cả thế giới vì tính đơn giản của nó.

Theo Tân Phan

Cùng chuyên mục
XEM