5 quan niệm an toàn thực phẩm tưởng đúng nhưng gây hại cho sức khỏe

01/01/2016 15:10 PM | Sống

Vẫn có một vài quan niệm sai lầm mà từ trước đến nay ta vẫn nhầm tưởng là đúng.

Vào thời điểm này trong năm, gần như tủ lạnh nhà ai cũng chất đầy đồ ăn đồ uống. Tuy nhiên, đừng khiến mọi người phát ốm khi gặp phải những sai lầm trong việc bảo quản thực phẩm.

Khi trời ấm lên, môi trường cho các vi sinh vật trong thực phẩm cũng trở nên dễ chịu hơn, có thể cho phép chúng sinh sôi nhanh hơn. Vì thế nếu có thể hãy để đồ uống vào thùng đá và dành riêng tủ lạnh cho thực phẩm.

Nhưng vẫn có một vài quan niệm sai lầm mà từ trước đến nay ta vẫn nhầm tưởng là đúng.

1. Nếu đã rã đông thịt rồi thì không thể đông đá được nữa

Nhìn từ quan điểm an toàn, việc đông đá thịt hay bất cứ một loại thực phẩm đã được rã đông nào cũng không có vấn đề gì miễn là chúng được rã đông trong một tủ lạnh chạy với mức nhiệt 5°C hoặc thấp hơn. Có thể chất lượng sẽ bị mất đi chút ít khi rã đông rồi lại đông đá vì các tế bào bị phân tách và thực phẩm sẽ trở nên hơi sũng nước.

Một lựa chọn khác là nấu thực phẩm đã rã đông sau đó chia thành các phần nhỏ và đông đá lại khi nó đã nguội. Hơi bốc lên trong một vật chứa kín sẽ dẫn đến ngưng tụ, tạo ra nhiều quầng nước. Điều này, cộng với dưỡng chất trong đồ ăn, sẽ tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn. Vì thế tốt nhất là nên chờ ít nhất 30 phút trước khi đông đá thực phẩm.

2. Rửa thịt trước khi chế biến hoặc nấu

Rửa thịt khi chuẩn bị nấu nướng không phải là một ý hay. Nước rửa thịt có thể chứa các vi khuẩn nguy hiểm và khi bị bắn tung tóe quanh bếp có thể gây nguy hiểm hơn nữa nếu các loại vi khuẩn này đáp lên được các loại thực phẩm sẵn sàng để ăn hay bề mặt các nguyên liệu chuẩn bị nấu.

Tuy nhiên, sẽ là rất tốt nếu rửa rau quả trước khi chế biến và bày lên bàn ăn, đặc biệt là nếu chúng được trồng gần hoặc trong đất, vì thế chúng có thể chứa đất bẩn và các loại vi sinh vật khác.

Hoa quả, xa lát, rau và các loại thực phẩm sẵn sàng để ăn cần phải được để riêng rẽ, cách xa thịt, hải sản tươi sống và các loại thực phẩm cần chế biến.

3. Đồ ăn nóng cần được để nguội hoàn toàn trước khi cho vào tủ lạnh

Sẽ là không ổn nếu để các loại đồ ăn chóng hỏng bên ngoài quá lâu hoặc qua đêm trước khi cho vào tủ lạnh.

Các loại vi khuẩn có thể sinh trưởng cực nhanh trong thực phẩm ở nhiệt độ từ 5 đến 60°C. Kiểm soát nhiệt độ là cách đơn giản và hiệu quả nhất để kiểm soát sự sinh trưởng của vi khuẩn. Cần hạn chế để các thực phẩm nhanh ôi thiu trong khoảng nhiệt độ 5-60°C. Nếu để thực phẩm trong khoảng nhiệt nguy hiểm này, chúng sẽ không còn an toàn cho bạn nếu ăn.

Những đồ ăn thừa còn nóng nên được cho vào tủ lạnh ngay khi chúng không còn bốc hơi nữa để giảm khả năng ngưng tụ, trong vòng khoảng 30 phút.

Đồ ăn nóng sẽ nguội nhanh hơn nếu được chia thành các phần nhỏ hơn trong các vật chứa nông. Các loại đồ ăn nóng như món hầm hoặc súp nếu cho vào trong một vật chứa lớn, chẳng hạn như một tô lớn có dung tích hai lít (chứ không phải khay đựng lòng nông), có thể mất đến gần 24 giờ để làm nguội xuống khoảng nhiệt độ an toàn dưới 5°C.

4. Nếu ngửi thấy ổn nghĩa là ăn được

Điều này hoàn toàn không đúng. Vi khuẩn, men và nấm mốc là thủ phạm khiến thực phẩm ôi thiu hoặc tiết ra nhớt và mặc dù chúng không khiến bạn mắc bệnh nhưng ăn các loại thực phẩm đã hỏng sẽ không tốt chút nào.

Các loại vi khuẩn gây bệnh có thể sinh trưởng mà không tạo ra bất kỳ thay đổi nào rõ rệt ở loại thực phẩm đó, vì thế lựa chọn tốt nhất là ngăn chặn sự sinh sôi của mềm bệnh bằng cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh.

5. Dầu có thể bảo quản thực phẩm nên để đồ ăn ở nhiệt độ trong phòng sẽ không sao

Cho thêm dầu vào đồ ăn không phải lúc nào cũng giết được các loại vi khuẩn trong đó. Điều ngược lại có thể đúng cho nhiều sản phẩm nếu các loại vi khuẩn kỵ khí có mặt trong thực phẩm. Môi trường thiếu ô xy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng sinh trưởng.

Sự bùng phát căn bệnh ngộ độc thịt (botulism) do tiêu thụ các loại rau nhúng trong dầu – gồm có tỏi, ô liu, nấm, đậu và ớt – có nguyên nhân chủ yếu là do các sản phẩm này không được chế biến cẩn thận.

Rau quả nhúng trong dầu có thể được chế biến một cách an toàn. Vào năm 1991, các quy định ở Australia cho rằng loại sản phẩm này có thể được chế biến an toàn nếu có độ pH (một thước đo tính axit) thấp hơn 4,6. Thực phẩm có độ pH dưới 4,6 nhìn chung không thuận lợi cho sự sinh trưởng của các loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM