20 dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp khủng hoảng tuổi đôi mươi

25/01/2016 21:35 PM | Sống

Bạn nhìn quanh căn hộ của mình, bạn đã học xong đại học, kiếm được việc làm, và chuyển đến sống cùng bạn trai. Bạn đã có đủ mọi thứ cần thiết để thực sự bước vào đời, thế nhưng thay vì cảm giác tự tin, bạn lại thấy mình lạc lối. Và không phải chỉ mình bạn thấy vậy.

Ở lứa tuổi ngoài 20 tuổi, có người đã chia tay người yêu, đang tìm công việc mới, hay đi đến tận châu Á để tìm kiếm chính bản thân mình.

Thậm chí, những đôi yêu nhau từ thời trung học, vừa mới mua nhà và có con rất dễ thương cũng đang tự hỏi liệu họ có đang đi đúng hướng không.

“Khủng hoảng một phần tư cuộc đời” là cách họ gọi cảm giác này – từng đợt sóng hoài nghi, thay đổi và bất an cứ liên tiếp kéo đến.

Nhưng bạn biết gì không? Chúng ta có thể học cách cưỡi sóng. Chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi để tìm ra điều chúng ta thực sự muốn trong đời. Chúng ta có thể biến nỗi bất an thành sự tự tin. Chúng ta có thể tìm một công việc không chỉ để trả tiền thuê nhà.

Nhưng trước hết, chúng ta phải nhận ra những dấu hiệu cho thấy bản thân đang gặp khủng hoảng và vượt qua nó.

1. ​Chỉ có bản thân mình phải vật lộn với cuộc sống

Những trang mạng xã hội như Facebook và Instagram cho bạn ấn tượng rằng mọi người đều đang đi du lịch, được thăng chức, có bầu hay đã đính hôn. Mọi người lên mạng xã hội để khoe ra những điều tốt đẹp nhất của họ, nhưng không có nghĩa đó là toàn bộ cuộc đời của họ.

Thay vì chăm chăm tin vào những gì bạn thấy, hãy dành thời gian lắng nghe. Đừng chỉ hỏi bạn bè rằng họ đang làm gì, hãy hỏi về các mối quan hệ và công việc của họ, cũng như họ có thích nơi họ đang sống không.

Hãy cho họ thấy bạn quan tâm đến họ, và bạn sẽ ngạc nhiên khi họ trải lòng với bạn về những sự vật lộn mà bạn cũng đang phải trải qua.

2. Ghét công việc nhưng không thể thoát ra

Bạn nhấn nút “ngủ thêm một chút” tới 10 lần mỗi sáng, bởi bạn không muốn thức dậy và đi làm. Công việc của bạn có thể giúp bạn trả các hóa đơn, nhưng lại chẳng hề giống những gì bạn yêu thích.

Cũng có thể đó chính là công việc bạn từng muốn làm, nhưng rồi bạn lại thấy thất vọng với nó. Hoặc bạn chẳng biết mình muốn làm công việc gì, và công việc hiện tại ít nhất cũng giúp bạn trả tiền thuê nhà. Phải làm gì đây?

Hãy kiên nhẫn. Rất ít người được làm việc mình mơ ước ngay từ công việc đầu tiên, và kể cả những người may mắn ấy cũng có thể đổi ý và muốn một thứ gì đó khác.

Hãy tự hỏi điểm gì khiến bạn ghét nhất ở công việc này để bạn không ứng tuyển một công việc tương tự trong tương lai, nhưng đồng thời cũng hãy cân nhắc những kỹ năng bạn đã đạt được từ công việc ấy có thể đưa bạn đến một nơi tốt đẹp hơn hay không.

Hãy luôn tìm kiếm, không chỉ ở những mục tuyển dụng, mà ở xung quanh bạn nữa. Bạn sẽ không phải người đầu tiên gặp một ai đó và nghĩ ‘Ồ, tôi thích việc anh ấy đang làm.”

3. Đặt câu hỏi cho các mối quan hệ

Khi bạn ở thiết lập một mối quan hệ với ai đó, bạn sẽ đặt câu hỏi: Đây có phải người bạn muốn sống trọn đời cùng không? Bạn sẽ lấy anh ta? Bạn có muốn sống đến đầu bạc răng long với cô ấy không? Đây không còn là tình yêu học trò nữa, đây là một mối quan hệ thực tế và hai bạn sẽ phải chia sẻ mọi thứ.

Chừng nào mà bạn yêu một ai đó, những câu hỏi này sẽ luôn nảy ra. Nhưng điều thực sự quan trọng vẫn là, bạn có hạnh phúc bên người đó không, và quan hệ của hai bạn có tiến triển không.

4. Chắc chắn mình sẽ độc thân cả đời

Bạn bè rủ nhau làm đám cưới và có con hết cả rồi, nghĩa là những đối tượng tốt đều đã có đôi. Bạn nghĩ mình sẽ không thể tìm được một ai đó để yêu.

Từ từ đã. Cuộc đời bạn chỉ vừa bắt đầu thành hình, và bạn đang xây đắp từng chút một cho việc gặp gỡ những người mới, những cơ hội mới và trải nghiệm mới.

Đừng nóng vội và hãy cởi mở hơn. Đừng lờ đi phần còn lại của thế giới chỉ vì bạn cảm thấy thoải mái khi ở bên những người bạn biết. Ai đó đang đến đấy.

5. Cảm thấy sợ khi theo đuổi giấc mơ

Đừng như vậy. Bây giờ là lúc để thử nghiệm và thất bại. Bạn còn trẻ, bạn kiên cường, mạnh mẽ và đầy động lực. Đừng sợ phải thử, có thể sau này bạn sẽ phải hối hận thì sao?

Nếu bạn thất bại cũng không sao cả, bạn vẫn có thể đứng dậy, thử một lần nữa hoặc đi tiếp.

6. Bám lấy những người bạn cũ dù không còn nhiều sự tương tác

Chúng ta đều thích những câu chuyện về những nhóm bạn chơi thân với nhau mãi mãi. Thật dễ chịu khi luôn có thể gọi điện rủ ai đó đi chơi bất cứ lúc nào bạn muốn từ giờ đến cuối đời.

Nhưng thực tế là con người luôn thay đổi. Mọi người đi theo con đường của riêng mình, và đôi khi họ đi những hướng hoàn toàn ngược lại với bạn, rời xa bạn đến nỗi một khi nhìn lại, bạn đã biến mất khỏi cuộc đời họ.

Không sao cả. Có những tình bạn kéo dài mãi mãi, nhưng cũng có những tình bạn chỉ tồn tại trong một thời gian. Chúng thuộc về một giai đoạn nào đó trong cuộc đời bạn – thời học sinh, đại học, quen trong kỳ nghỉ - và rồi sẽ nhạt nhòa.

7. Cảm thấy mình béo hơn bao giờ hết (thực tế có thể đúng là như vậy)

Dấu hiệu khủng hoảng này ảnh hưởng đến một số người nhiều hơn những người khác, nhưng thực tế là việc dính lấy bàn làm việc cả ngày và ăn đồ ăn sẵn không phải là một lối sống lành mạnh.

Hãy tìm cho mình một sở thích chủ động, đi tới phòng tập gym, học cách nấu ăn tốt cho sức khỏe và đừng có suy nghĩ kiểu ăn pizza cũng được bởi nó có sốt cà chua (!) Cơ thể sẽ cảm ơn bạn vì điều đó.

8. Thấy như ai đó đang sống cuộc đời của mình

Khi không còn phải làm bài tập về nhà nữa, vẫn có những điều khác chen vào. Thăm nhà mỗi cuối tuần, tổ chức tiệc ở cơ quan, chở cháu gái đến lớp học nhảy, không được đi du lịch một mình vì người yêu không muốn thế.

Bạn có nói đồng ý làm tất cả những điều đó không? Bởi vì rốt cuộc, chúng vẫn là quyết định của bạn. Nếu bạn thấy không thoải mái, hãy từ chối. Đừng để người khác quyết định thay cho bạn. Hãy học cách nói “không.”

9. Quá kiêu hãnh và không cần sự giúp đỡ

Bạn có thể tự mình làm mọi việc phải không? Đúng, tự mình làm, nhưng không phải làm một mình. Không ai có thể làm bất cứ thứ gì một mình, và bạn sẽ đạt kết quả tốt hơn nếu dẹp sự kiêu hãnh sang một bên và nhờ ai đó giúp đỡ.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc nhờ họ làm hộ luôn cho bạn – bạn chỉ cần lời khuyên và một chút hỗ trợ mà thôi.

10. Cảm thấy tội lỗi vì không ”biến ước mơ thành sự thật"

Bạn biết Facebook và Instagram chứ? Thêm vài trang blog nữa là bạn có công thức để tô vẽ nên giấc mơ.

Bất cứ chỗ nào trên mạng, bạn cũng sẽ tìm thấy những bài viết kiểu bạn nên đi du lịch khi bạn còn trẻ, những trải nghiệm tuyệt vời hơn mọi thứ, sống ở Thái Lan ít tốn kém thế nào hay việc dạy tiếng Anh tại Trung Quốc thú vị thế nào.

Bạn thấy như mình được truyền cảm hứng, nhưng ngay sau đó bạn sẽ có cảm giác tội lỗi.

Đương nhiên theo đuổi giấc mơ là điều bạn muốn, nhưng như vậy đâu có nghĩa là bạn phải đi đến tận nửa kia địa cầu? Như thế đâu có nghĩa là bạn không thích phiêu lưu hay không thông minh?

Giấc mơ của người khác không phải, và không nên là giấc mơ của bạn. Một giấc mơ của người này không hơn bao nhiêu nếu chúng nghe táo bạo, lạ lùng hay ấn tượng hơn giấc mơ của người khác. Và đừng quên những người khác hoàn toàn không thể làm những gì bạn muốn làm.

11. Chờ đợi những điều tốt đẹp vì mình xứng đáng, nhưng rồi chẳng có gì xảy ra

Bạn ăn xong cơm thì được ăn tráng miệng. Bạn học chăm chỉ thì được điểm cao. Bạn làm việc nhà, bạn có tiền tiêu vặt. Nhưng dần dần bạn sẽ nhận ra, không phải lúc nào cũng như vậy.

Có quá nhiều người trên thế giới này cũng mong muốn một thứ. Đó là lý do vì sao người đồng nghiệp khéo mồm của bạn chứ không phải bạn được mời đi ăn tối cùng sếp. Vì thế, bạn phải biết nói lên suy nghĩ của mình.

Làm một người tử tế, thân thiện, thông minh, chăm chỉ chưa chắc đã giúp bạn có điều bạn muốn. Nếu muốn đạt được thứ gì đó, bạn phải đứng lên và đòi hỏi, không chỉ một lần.

12. Thấy có lỗi vì là chính mình, vì đã làm những điều mình muốn

Nhiều người nghĩ sự bất an này sẽ biến mất khi bạn qua tuổi thiếu niên, nhưng rõ ràng là không. Bạn thấy do dự khi người khác hỏi bạn làm gì, bạn có người yêu chưa, hay tại sao giờ này bạn chưa mua được ôtô.

Tại sao phải như vậy? Cuộc đời là của bạn, và càng tự tin vào lựa chọn của mình bao nhiêu, bạn sẽ đi được càng xa bấy nhiêu.

13. Lo sợ rằng phần đời còn lại của mình sẽ diễn ra như thế này

Không đâu. Đúng là bạn đã phải quyết định một số việc quan trọng, nhưng tất cả đâu phải cố định như vậy? Bạn có thể nhảy việc, yêu một người khác, chuyển nhà, thay đổi sở thích…

Đôi khi ai đó hoặc điều gì đó sẽ quyết định đây là lúc cuộc đời bạn thay đổi. Cuộc sống của bạn sẽ tiếp tục tiến triển, bất kể ngay lúc này nó có đang như thế nào đi nữa.

14. Làm quá nhiều và hưởng thụ quá ít

Làm nhiều điều, gặp nhiều người và luôn phải ra ngoài nghe rất tuyệt, nhưng chỉ là khi bạn không quá căng thẳng và thích thú với những việc đó. Đừng ôm đồm quá nhiều thứ một lúc chỉ vì bạn cảm thấy bạn cần phải làm vậy. Hãy dành chút thời gian suy nghĩ xem điều gì mới là quan trọng, và điều gì sẽ khiến bạn mỉm cười.

15. Lúc nào cũng thấy mệt mỏi

Bạn không còn là học sinh 16 tuổi nữa. Cơ thể bạn cần ngủ đủ vào ban đêm và không đủ sức quậy tưng bừng tại các bữa tiệc như hồi xưa nữa.

Caffeine có vẻ là một giải pháp hoàn hảo để làm cho xong việc, nhưng nó không giúp bạn cảm thấy tươi mới như vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ hay vừa có một cuốc tản bộ ngoài trời.

Hãy biết cách nghỉ ngơi và thỉnh thoảng nhấn nút “tạm dừng” công việc. Cơ thể bạn cần điều đó.

16. Để người khác kìm chân

Ai cũng có những “người khác” này, là người thân hay bạn bè chẳng hạn, luôn suy nghĩ tiêu cực hay bị mắc kẹt theo một cách nào đó.

Họ cười vào giấc mơ của bạn dù chẳng hề nỗ lực đạt được điều gì cho riêng mình. Họ bảo bạn hãy thực tế một chút, và khuyên bạn cứ giữ nguyên mọi thứ như vốn có đi.

Đừng nghe họ. Bạn yêu quý họ thật lòng, bạn có thể giúp đỡ họ, nhưng đừng để họ tác động đến bản thân bạn.

17. So sánh bản thân với những người khác

‘Cậu ấy có việc làm tốt hơn tôi,” “Cô ấy có người yêu tốt hơn tôi,” “Bọn họ đi du lịch nhiều hơn tôi.” Vậy là đủ lắm rồi. Thay vì ngồi đó so đo những gì người khác có mà bạn không có, hãy tự hỏi bản thân họ có được những thứ ấy bằng cách nào, và học hỏi từ họ.

Đừng nghĩ thành công của người khác là thất bại của bạn, hãy coi đó là động lực để cố gắng.

18. Thấy mình thật tầm thường

Bạn mới sống được một phần tư quãng đời, và bạn cảm thấy mình thảm hại vì không đạt được thành tựu gì lớn lao?

Bạn có thể không phải người học giỏi nhất lớp, cũng chẳng phải nhân viên giỏi nhất chỗ làm. Nhưng bạn vẫn còn thời gian – chính xác là ba phần tư cuộc đời nữa, để biết bạn thực sự giỏi làm gì nhất. Đừng lo, sớm muộn gì bạn cũng tìm ra điều đó thôi.

19. Nghĩ rằng chẳng có ai quan tâm

Cuộc đời điên rồ lắm. Ai cũng bận rộn, và câu “Bạn khỏe không” được coi như câu chào chứ không phải câu hỏi rồi.

Nhưng thế không có nghĩa là sẽ không có ai đứng lại khi bạn thực sự cần sự giúp đỡ. Chắc chắn có một vài người mà bạn có thể nhận được từ họ sự hỗ trợ về tình cảm, tài chính hay gì đó khác. Và nếu bạn có những người như thế, bạn may mắn hơn rất nhiều người rồi đấy.

20. Thấy sợ hãi

Bạn chẳng biết năm tới hoặc 5 năm sau mình muốn làm gì, và bạn cũng chẳng thể tưởng tượng được cuộc đời mình 10 năm nữa ra sao. Bạn ngồi suy nghĩ về tất cả mọi điều có thể xảy ra và vẽ ra những viễn cảnh khả thi. Rồi bạn sợ chết khiếp.

Như thế hoàn toàn chẳng sao cả. Ai mà chẳng cảm thấy sợ. Chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Bạn không thể kiểm soát mọi thứ, và bạn phải chấp nhận điều đó.

Tất cả những gì bạn có thể làm là tin tưởng vào việc bạn đã đi được xa thế này rồi, và trên hành trình đã qua bạn đã có được kỹ năng cũng như sự tự tin để đối mặt với bất cứ điều gì sẽ xảy đến. Bạn sẽ ổn thôi. Chắc chắn đấy!

Theo Mai Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM