Sống trong khu nhà "nguy hiểm nhất nhì Hà Nội"

12/05/2017 20:01 PM | Kinh doanh

Hai đơn nguyên khu tập thể G6A Thành Công tách rời nhau hơn 1m. Cấp có thẩm quyền đã phải dán thông báo nhà nguy hiểm cấp độ D.

Khu tập thể G6A Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) khiến người qua đường không khỏi rùng mình khi thấy khe hở giữa hai dãy nhà. Khoảng cảnh hở rộng nhất đã hơn 1m được "giằng" lại với nhau bằng một lớp tôn phía trên tầng thượng. G6A được coi là khu nhà "nguy hiểm nhất nhì Hà Nội".

Khu tập thể này được đưa vào sử dụng từ năm 1987. Năm 2016, căn cứ kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành Quyết định 2000/UBND-XDGT về việc tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sử dụng, sở hữu tại đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A. Tuy nhiên, mọi hoạt động sinh sống ở đây vẫn diến ra bình thường.

Cấp có thẩm quyền đã vào cuộc kiểm định đánh giá chất lượng hiện trạng nhà; xác định khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực đã không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể.

UBND phường Thành Công đã dán thông báo tình trạng nguy hiểm của công trình và đề nghị các hộ dân tại đây chủ động tháo dỡ các phần cơi nới trái phép làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình.

Mặc dù UBND phường Thành Công yêu cầu tháo dỡ các phần cơi nới. Tuy nhiên, "chuồng cọp" vẫn bao vây khu nhà.

Đa số cư dân G6A đều cho rằng vết hở giữa hai đơn nguyên đó không phải do nứt mà là do lún nền. Hiện tượng này, đã xuất hiện hàng chục năm trước và người dân vẫn sống bình thường.

Khe hở hình chữ V giữa hai đơn nguyên.

Theo ông Nguyễn Văn Chi nhà ở 407 G6A thì từ năm 1987 khi người dân chuyển về đây, nhà đã... nghiêng như vậy rồi. Để tiết kiệm chi phí đào móng chủ đầu tư đã xây chung cư dựa trên 2 nền móng không bằng phẳng do đó tạo ra khe hở.

Nhiều người đi đường tỏ vẻ ái ngại khi vết hở lộ ra một phần tòa nhà khổng lồ phía sau.

Qua tìm hiểu cho thấy cư dân G6A vẫn muốn bám trụ lại khu nhà để tiếp tục sinh sống bất chấp nguy hiểm là bởi vướng mắc về chính sách tạm cư, tái định cư. Những thông tin về việc tái định cư ở đâu, nếu thành phố xây dựng lại khu nhà thì các hộ quay về theo những điều kiện nào… Tất cả đều chưa rõ ràng.

Anh Hùng nhà 102 G6A mở cửa cho PV vào nhà "mục sở thị". Anh cho biết, nhà anh vẫn kiên cố, lại ở vị trí đẹp chẳng việc gì phải chấp nhận chuyển đi đâu. "Mọi người cứ "soi" mỗi khe hở ấy. Nó hở hàng chục năm nay. Điều quan trọng là những nhà còn lại đều rất kiên cố", anh Hùng nói.

Anh Hùng khẳng định, việc các cấp có thẩm quyền đến giám định nhà, gắn biển cảnh báo là đơn phương, thậm chí chưa có một cuộc gặp đối thoại trực tiếp bàn về tình trạng nhà và các giải pháp giải quyết đối với cư dân.

Theo H.Phương

Cùng chuyên mục
XEM