"Sống thì chẳng ai quan tâm, chết rồi sao lắm người khóc thế?"

21/07/2017 18:03 PM | Sống

Đôi khi cái chết lại là cơ hội hiếm hoi để những thứ tốt đẹp xuất hiện, hãy nhìn Van Gogh đi khi mà chỉ khi qua đời danh tiếng của ông mới bắt đầu xuất hiện.

"Sống thì chẳng ai quan tâm, chết rồi sao lắm người khóc thế?"

Cái chết là gì? Có lẽ chẳng ai giải thích nổi điều gì sẽ diễn ra sau khi một linh hồn rời cõi đời này. Nó chính là sự chia ly kinh khủng nhất mà một người có thể gặp phải, điều tồi tệ nhất chính là mất đi một người thân, người đã từng bên ta trong khoảng thời gian dài. Bạn đã buồn bao nhiêu lần rồi?

Mặc dù vậy, nhiều khi cái chết cũng là cơ hội duy nhất để những thứ tốt xuất hiện. Đơn giản như khi một ca sĩ nổi tiếng qua đời, bỗng dưng nhiều người biết tới anh ta hơn, rồi cả những "fan dởm" chẳng hề quan tâm bao giờ bỗng dưng hoá fan ruột, khóc hết nước mắt rồi miêu tả như cả đời này chẳng thể sống thiếu người ca sĩ kia.

Thế nhưng, liệu mọi thứ có thật như thế?

Khi cặp đôi còn ở bên nhau, chẳng mấy ai quan tâm, nhưng khi chia tay rồi, đến từng ngóc ngách cũng được lôi ra để xoi mói.
Khi cặp đôi còn ở bên nhau, chẳng mấy ai quan tâm, nhưng khi chia tay rồi, đến từng ngóc ngách cũng được lôi ra để xoi mói.

Bạn có biết Brad Pitt và Angelina Jolie chứ? Chẳng mấy người quan tâm tới chuyện hôn nhân của họ ra sao, thế nhưng khi đường ai nấy đi, chuyện tình cảm của họ bỗng dưng trở thành tâm điểm và rồi cả đống chuyên gia bỗng nhiên xuất hiện như thể theo dõi cặp đôi từng ngày, hài hước thật đấy.

Rồi mới đây là ca sĩ Chester Bennington, frontman của nhóm nhạc Linkin Park. Ừ thì danh tiếng của nhóm nhạc này có lẽ đã gắn liền với tuổi thơ của hàng triệu người trong thời 8x, 9x, thậm chí tới tận thời gian gần đây nó vẫn là ảnh hưởng, nguồn cảm hứng đối với rất nhiều người.

Chester qua đời, dân mạng khóc hết nước mắt, người từng là hình mẫu lý tưởng, thay đổi cuộc sống của chúng ta bỗng dưng không còn trên đời nữa, còn gì buồn hơn?

Và rồi bè lũ giả tạo bắt đầu xuất hiện, chẳng biết đến ca sĩ này là ai hay nhóm nhạc mà anh tham gia như thế nào cũng bắt đầu màn "khóc thuê" điển hình trên mạng xã hội. Từ đâu mà fan rởm lại xuất hiện nhiều như lúc này?

Trào lưu, đám đông và "khóc thuê"

Suy cho cùng, con người vẫn là một loài động vật, điểm khác là chúng ta cao cấp hơn những loài khác. Thế nhưng, yếu tố "con" vẫn còn hiện diện ở trong bất kì ai, và vì là "con" nên chúng ta có tính bầy đàn, chúng ta làm việc theo đám đông và chúng ta không muốn bị rớt lại đằng sau.

"Uầy, đã nghe tin về vụ này chưa?"... Chỉ cần câu đó thôi, kể cả không biết chút nào cũng phải lên mạng tìm bằng được cho bằng bạn bằng bè. Vì sao ư? Vì bầy đàn đấy, chúng ta không muốn tụt hậu và làm mọi thứ theo những gì đám đông đang làm.

Cũng không khó hiểu khi mà các trào lưu nhảm nhí lại dễ dàng phổ biến tới mức ấy, vài điệu nhảy ngớ ngẩn cũng có thể "Viral" trên mạng chỉ vì tất cả mọi người cùng làm theo. Mang tiếng cao cấp, độc đáo và có suy nghĩ độc lập, con người giờ đây thế này sao?

...

Người ta vẫn nói rằng mình chỉ biết tiếc nuối khi đã mất đi thứ gì đó, một người khi không còn những thứ họ từng có ở bên, chắc hẳn sẽ rất buồn. Đến cả đứa nhóc tì rụng mất cái răng còn buồn đến cả tuần, nói chi là người lớn. Mất đi vật phẩm là một đằng, mất đi một người thân hay một nửa cuộc đời còn kinh khủng hơn thế.

Lại nhớ đến Van Gogh cùng câu chuyện của ông. Ở thời của mình ông có cả trăm, cả ngàn tác phẩm. Chẳng ai quan tâm. Thế nhưng, nhiều năm sau khi Van Gogh mất đi, những gì ông để lại là một gia tài lịch sử, chỉ một nét bút của Van Gogh thôi cũng được đánh giá bằng rất nhiều tiền.

Mọi thứ còn có nghĩa lý gì sau khi chết?

Một người thân từng nói với tôi rằng: "Còn sống thì hãy quan tâm đến nhau, chết là hết, sống còn chẳng quan tâm đến nhau sao lúc chết lắm người khóc thế?".

Nghe vừa hài hước vừa đau, thử nhìn lại những gì mình đã mất xem, tại sao khi nó còn ở bên không biết quý trọng, để rồi khi nó không còn trên cõi đời này nữa mới khóc thương, nuối tiếc vì đã không dành thời gian quan tâm tới nó?

Bội thực thứ "tình cảm" giả tạo

Nhớ những người nổi tiếng từng qua đời chứ? Cái sự "khóc thuê" kéo dài được bao lâu? Hay nó lại là thứ xoáy vào nỗi đau của những người thân thiết?

Cộng đồng mạng à, nếu không biết, không quan tâm thì đừng nên lên tiếng.

PV

Cùng chuyên mục
XEM