Sống không là chính mình: Nỗi ân hận lớn nhất cuộc đời trong giây phút người ta hấp hối

08/04/2019 09:11 AM | Sống

Bất cứ khi nào tôi cảm thấy bế tắc trong việc đưa ra quyết định, nguyên nhân thường là do tôi không có một mục tiêu rõ ràng. Tôi nhận ra mình làm những việc mà không biết chúng sẽ dẫn đến kết quả gì. Nói cách khác, tôi không rõ mình quan tâm đến điều gì và làm cách nào để đạt được điều mình muốn.

Bronnie Ware là một nữ ý tá ở Australia. Cô ấy đã có hơn 10 năm làm công việc hỗ trợ tâm lý cho những bệnh nhân sắp phải lìa xa cuộc sống. Ở bên chia sẻ với bệnh nhân vào những ngày tháng cuối của cuộc đời, Bronnie đã ghi lại những điều người ta thường nuối tiếc nhất khi nằm trên giường bệnh.

Sau 12 năm, cô ấy đi đến kết luận nỗi ân hận thường gặp nhất chính là:

“Tôi ước tôi đã đủ can đảm để sống thật với chính mình, không phải một cuộc đời người khác kỳ vọng tôi phải sống theo ý họ.”

Tại sao đây lại là nỗi tiếc nuối thường thấy trước khi ai đó rời xa cõi đời? Và làm cách nào để đảm bảo bạn sẽ không đi đến một kết cục như vậy?

Sống không là chính mình: Nỗi ân hận lớn nhất cuộc đời trong giây phút người ta hấp hối - Ảnh 1.

Làm sao để trở nên can đảm và tránh được nỗi ân hận lớn nhất cuộc đời

Nếu bạn đang đọc bài viết này, điều đó có nghĩa bạn đủ khả năng đưa ra quyết định trong cuộc sống thường nhật. Hiếm có trường hợp chúng ta bị bắt ép phải sống theo cách chúng ta không muốn (thật may mắn). Thế nhưng bằng cách nào đó, nhiều người trong chúng ta cuối cùng vẫn ước ao đáng ra mình nên sống thật với chính mình hơn.

Sau đây là lý do tôi cho là đã khiến điều này xảy ra:

Bất cứ khi nào tôi cảm thấy bế tắc trong việc đưa ra quyết định, nguyên nhân thường là do tôi không có một mục tiêu rõ ràng. Tôi nhận ra mình làm những việc mà không biết chúng sẽ dẫn đến kết quả gì. Nói cách khác, tôi không rõ mình quan tâm đến điều gì và làm cách nào để đạt được điều mình muốn.

Và đây là kết quả:

Nếu bạn không bao giờ đặt ra giới hạn và không xác định được điều quan trọng đối với bản thân, bạn sẽ phải làm những điều người khác kỳ vọng ở bạn. Khi bạn không có một mục đích rõ ràng để định hướng cho các quyết định của mình, bạn mặc định làm theo những gì người ngoài ủng hộ. Bạn không chắc điều mình thực sự muốn nên bạn làm những việc mà bạn nghĩ người ta muốn.

Giai đoạn đen tối của cuộc đời thường đến khi chúng ta không thể quyết định đâu là điều chúng ta tin tưởng. Đây là tình huống mà tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta đều từng ít nhất một lần trải qua. Và theo tôi đó cũng là lý do tại sao nhiều người lại sống theo cách người ngoài kỳ vọng thay vì sống đúng với con người mình.

Tôi thường suy nghĩ làm cách nào để mình sống có mục đích hơn, sống một cuộc đời mình thấy trân trọng thay vì hối hả nhìn ngày qua ngày. Để xác định được tôi cần làm gì và tại sao lại nên làm việc đó, tôi sử dụng một phương pháp mà tôi đặt tên là phương pháp hồng tâm.

Sống không là chính mình: Nỗi ân hận lớn nhất cuộc đời trong giây phút người ta hấp hối - Ảnh 2.

Phương pháp hồng tâm

“Một người cung thủ thiện nghệ đầu tiên cần xác định số điểm anh ta hướng đến, sau đó mới điều chỉnh bàn tay, cung, dây cung, tên bắn và cách thức chuyển động. Những lời chỉ dẫn thường đi lệch hướng vì chúng không hướng đến một hướng đi cụ thể và không có kết quả rõ ràng. Chẳng gió nào có thể đưa thuyền ra khơi nếu thuyền trưởng không có ý định căng buồm về phía trước.” - Michel de Montaigne.

Câu châm ngôn trên đại ý nói: “Nếu bạn không biết mục tiêu ở đâu, bạn không thể phóng tên mà vẫn hy vọng mình sẽ bắn trúng hồng tâm.”

Trùng hợp là chúng ta thường sống theo một cách như vậy. Chúng ta thức dậy, đối mặt với thế giới mỗi ngày (phóng tên), tập trung vào mọi thứ trừ hồng tâm.

Ví dụ, bạn muốn có một thân hình cân đối thì hồng tâm chính là việc bạn không bao giờ bỏ lỡ buổi tập nào. Đó là mục tiêu. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta dành thời gian tìm kiếm một bộ cung chắc chắn hơn (khoá luyện tập) hoặc mũi tên tốt hơn (thực đơn ăn kiêng) hay dây cung căng hơn (đôi giày tập). Những thứ đó có cần thiết nhưng chẳng thứ nào có ý nghĩa nếu bạn không phóng tên đi đúng hướng.

Phương pháp hồng tâm không đặt nặng những thứ chúng ta thường quan trọng hoá như chiến thuật, các nguồn lực hay công cụ. Phương pháp này tập trung vào đặc tính cũng như vị trí của hồng tâm. Nói cách khác, nó đòi hỏi chúng ta rõ ràng trong việc xác định những điều chúng ta thực sự muốn trong cuộc sống.

Hãy quên việc bạn muốn phô diễn cho người khác thấy thế nào hay bạn muốn mình xuất hiện thế nào trong mắt họ. Hồng tâm không phải “tăng 10 pounds cơ bắp” hay “có công việc kinh doanh thuận lợi.” Hồng tâm là sống có mục tiêu; bạn đặt ra mục đích rõ ràng và có hướng đi cụ thể cho những việc sắp thực hiện.

Bạn muốn mình trở thành người như thế nào? Giá trị cốt lõi mà bạn trân trọng là gì? Bạn muốn những hành động nào sẽ trở thành thói quen của bạn?

Cách duy nhất để sống thật với chính mình là đặt ra mục đích sống để sắp xếp cuộc đời hướng đến cái đích đó. Vậy hồng tâm của bạn ở đâu?

Sống không là chính mình: Nỗi ân hận lớn nhất cuộc đời trong giây phút người ta hấp hối - Ảnh 3.

Điều gì bạn vẫn luôn muốn cho riêng mình

Không gì quan trọng hơn việc biết chính xác mục tiêu của mình nằm ở đâu. Khi bạn biết điều mình muốn theo đuổi, bạn sẽ tìm cách đạt được nó. Không có cung và tên? Bạn có thể ném một hòn đá nhắm về đích. Bạn có thể chạy về đích và thụi nó một cái. Có vô vàn con đường dẫn đến một địa điểm, nhưng chỉ có một đích đến duy nhất mà thôi.

Bạn có thấy hình ảnh bản thân mình bắn tên bất chấp không? Hay bạn đã biết, đến từng cái chấm nhỏ trong hồng tâm, biết mình sẽ sống vì giá trị gì, chỉ là bạn bị kìm hãm bởi những nỗi sợ tự mình tưởng tượng?

Chẳng hạn:

- “Giá trị tôi luôn tôn thờ là sự chinh phục. Tôi ước mơ một lần khám phá những vùng đất khắc nghiệt như Alaska hay Châu Phi. Nhưng nhỡ có chuyện gì xảy ra trong chuyến đi thì sao? Tôi sẽ chỉ đi loanh quanh những nước ở gần thôi."

- “Tôi muốn truyền cảm hứng cho nhiều người bằng cách viết một cuốn sách chứa đựng những giá trị mới mẻ nhưng nếu nó không được nhiều người đón nhận thì sao? Có lẽ tôi cần đọc sách nhiều hơn trước khi bắt tay vào viết.”

Kết quả đáng tiếc là bạn không thực hiện những việc mà bạn cho rằng rất quan trọng với mình. Bản thân tôi cũng nhiều lần mắc phải lỗi này. Suốt 2 năm tôi viện ra đủ mọi lý do tại sao mình không nên chia sẻ rộng rãi các bài đã viết. Tôi cũng an ủi bản thân tại sao mình không nên kinh doanh, không đăng ký học lên cao hơn, không nộp hồ sơ xin việc và vân vân.

Nói cách khác, đây là lỗi chúng ta đều có thể mắc phải. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta nên tiếp tục lấn sâu hơn vào sai lầm của mình.

Sống không là chính mình: Nỗi ân hận lớn nhất cuộc đời trong giây phút người ta hấp hối - Ảnh 4.

Đã xác định được mục tiêu sống thì không có lý gì bạn để những sai lầm này cản trở việc sống thật với chính mình. Tôi có một số lời khuyên để bạn vượt qua nỗi sợ:

Không đặt ra những mục tiêu quá an toàn

Thất bại trong vùng an toàn chỉ là hình thức khác của việc giữ mình không tiến về phía trước. Đó không hẳn là thất bại mà là giữ nguyên hiện trạng. Nếu bạn không bao giờ cảm thấy không thoải mái thì bạn cũng không bao giờ có thể trải nghiệm những điều mới mẻ.

Nói cách khác, tự cảm thấy mình ngốc nghếch cũng là một điều tốt.

Không ai cổ vũ để bạn thất bại cả

Có thể bạn thành công. Cũng có thể thất bại. Dù là trường hợp nào thì người khác cũng ít bận tâm đến việc của bạn.

Quá tốt! Thế giới thật rộng lớn và bạn là một phần nhỏ bé, bạn có thể theo đuổi giấc mơ của mình mà không phải lo lắng nhiều về những gì người khác nghĩ.

Sống không là chính mình: Nỗi ân hận lớn nhất cuộc đời trong giây phút người ta hấp hối - Ảnh 5.

Bạn không thích vạch xuất phát của mình không có nghĩa bạn không nên bắt đầu một cuộc đua mới

Tôi ước mình là một cây viết sắc sảo hơn khi tôi bắt đầu viết lách. Tôi ước mình thông minh hơn khi tôi quyết định khởi nghiệp. Tôi ước mình chụp ảnh đẹp hơn mỗi khi cầm trên tay chiếc máy ảnh. Nhưng hơn mọi thứ, tôi vui mừng vì mình đã chọn thử sức với những thử thách mới dù tôi không làm tốt ngay từ đầu.

Cảm giác sợ hãi và không chắc chắn khiến bạn nghĩ mình chưa đủ chuẩn bị để bắt tay vào việc:

- “Mình nên học thêm trước khi thi lấy bằng.”

- “Mình nên luyện tập nhiều hơn trước khi tham gia cuộc thi.”

- “Mình nên thi lấy chứng chỉ này trước khi khởi nghiệp.”

Đây là một câu hỏi khó trả lời để bạn nhìn nhận khía cạnh khác của vấn đề: Bạn định trì hoãn những điều bạn có thể làm thêm bao lâu nữa chỉ để duy trì những việc bạn đang làm?

Dừng việc biến những điều chưa chắc chắn thành chắc chắn

Ai nói bạn sẽ thất bại? Người khác bị từ chối không có nghĩa bạn cũng sẽ bị từ chối. Có thể nhà xuất bản không hứng thú với bản thảo của bạn bạn nhưng biết đâu họ lại yêu thích tác phẩm của bạn. Ngày xưa bạn từng lên kế hoạch giảm cân nhưng không thành không có nghĩa bây giờ bạn cũng thất bại.

Số phận không an bài bạn vuột mất cơ hội nào đó. Có thể bạn được an bài để thành công. Thế nên hãy dừng việc than thở thất bại là điều chắc chắn.

Thất bại thực sự và duy nhất chính là không làm gì cả

Mỗi người đều phải đối mặt với nỗi sợ, sự không chắc chắn và sự tổn thương. Không may là hầu hết chúng ta đều để những cảm xúc đó chi phối hành động của mình. Quyết định đúng đắn chỉ đơn giản là nó đủ khả năng tách bạn khỏi những người khác. Bạn không cần xuất sắc trong việc bạn làm, bạn chỉ cần ra quyết định mình cần phải làm gì là đủ. Khi người khác viện đủ mọi lý do để lẩn tránh, việc bạn sẵn sàng đối mặt với thử thách vì đó mới là cách bạn sống thật với chính mình sẽ khiến thành công trở nên ngọt ngào hơn bao giờ hết.

Phương Thảo

Cùng chuyên mục
XEM