img
Song hỷ của bóng đá Việt và giấc mơ Vàng 60 năm đã trở thành sự thật: Không có Lọ Lem hay Thánh Gióng, chỉ có những con người khổ luyện thành tài, đam mê và tận hiến - Ảnh 1.
Song hỷ của bóng đá Việt và giấc mơ Vàng 60 năm đã trở thành sự thật: Không có Lọ Lem hay Thánh Gióng, chỉ có những con người khổ luyện thành tài, đam mê và tận hiến - Ảnh 2.

Sân vận động Rizal Memorial như rung lên giữa rừng cờ đỏ của hàng ngàn cổ động viên đến từ Việt Nam. Tiến Linh ôm mặt khóc nức nở. Các chiến binh sân cỏ giơ cao lá cờ Hàn Quốc. Còn vị phù thủy họ Park đặt tay vào trái tim, nơi cờ đỏ sao vàng in trên ngực áo ông. 

Cuối cùng thì giờ khắc đó cũng đã tới, giờ khắc mà người Việt phải chờ đợi tới 60 năm mới được chạm tay vào: Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games. Bằng một chiến thắng không thể thuyết phục hơn trước đội tuyển U22 Indonesia. 

Song hỷ của bóng đá Việt và giấc mơ Vàng 60 năm đã trở thành sự thật: Không có Lọ Lem hay Thánh Gióng, chỉ có những con người khổ luyện thành tài, đam mê và tận hiến - Ảnh 3.

Chỉ trong vòng 3 ngày, bản quốc ca Việt Nam hùng tráng được vang lên hai lần với lá cờ đỏ được kéo lên ở vị trí cao nhất. Cũng trên sân Rizal Memorial. Đài tưởng niệm Rizal trùng hợp sao cũng là đài vinh quang của bóng đá Việt Nam, khi những cô gái và chàng trai vàng son đã làm nên chiến tích đáng tự hào.

Nhưng nếu như vinh quang của các cô gái là chuỗi thắng lợi nối dài, thì màn về đích của các chàng trai thực sự đẹp như một giấc mơ. Giấc mơ nuôi bằng 60 năm khao khát.

Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Đoàn Văn Hậu, Tiến Linh, Hà Đức Chinh, Đức Chiến, Thành Chung, Tấn Sinh, Hồ Tấn Tài, Hoàng Đức, Trương Văn Thái Quý, Trọng Hùng, Văn Toản, Quang Hải, Thanh Thịnh, Triệu Việt Hưng, Lê Ngọc Bảo, Thanh Sơn, Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng: Đó là những cái tên đã làm nên lịch sử cho bóng đá Việt Nam tại kỳ SEA Games thứ 30. Người đá chính, người dự bị, người ghi bàn người không, nhưng họ là một tập thể chiến thắng. Bởi bất kỳ ai trong số họ ra sân đều chiến đấu hết khả năng của mình thay vì chỉ kiếm tìm khoảnh khắc tỏa sáng cho vinh quang riêng của bản thân.

Và bởi thế, họ đặc biệt theo mỗi cách riêng. 

Đặc biệt như cách Hoàng Đức tạo ra siêu phẩm sút xa gần 30m trong trận gặp Indonesia ở vòng bảng. Đặc biệt như cách Văn Hậu lạnh lùng ghi hai bàn thắng trong trận chung kết cốt tử sau liên tiếp 5 trận đấu nhạt nhòa. Đặc biệt như những màn kiến tạo cho đồng đội đánh đầu của Đức Chiến. Đặc biệt như đôi chân gắn mắt thần của Hùng Dũng. Đặc biệt như những cú chạy cánh nghẹt thở của Trọng Hoàng. Đặc biệt như những màn song kiếm hợp bích của Tiến Linh và Hà Đức Chinh. Đặc biệt như hai cái đầu lạnh lùng của Thành Chung và Tấn Sinh. Đặc biệt như sự khôn ngoan thiên bẩm của thủ lĩnh Quang Hải… 

Thật khó để kể cho hết những cái tên và những ấn tượng đầy rung cảm mà các cầu thủ U22 Việt Nam để lại trên sân cỏ SEA Games 30. Chỉ có thể nói rằng, họ đã mở ra một trang mới cho bóng đá Việt tại đấu trường Đông Nam Á, bằng tài năng và sự tận hiến vì sắc áo màu cờ.

Không ít người thắc mắc, rằng bóng đá Việt đang hướng đến World Cup thì tại sao phải quan trọng giải đấu "ao làng" này đến thế. Đó là vì họ không hiểu rằng, bóng đá Việt trước khi tiến ra thế giới thì cần gỡ bỏ "lá bùa trấn yểm" trong tiềm thức. Chức vô địch SEA Games có thể không giúp Việt Nam có thêm nhiều điểm trên bậc thang xếp loại quốc tế, nhưng là nút thắt tâm lý, giúp nền bóng đá nước nhà giải thoát khỏi sự yếm thế, tự ti bấy lâu, nhất là trước bóng đá Thái Lan. Chiếc huy chương vàng lần này vì thế đã gỡ bỏ đá tảng đè nặng tinh thần người hâm mộ lẫn các vận động viên túc cầu, để tất cả chúng ta được ngẩng đầu kiêu hãnh, hân hoan hướng về những đỉnh cao mới. 

Song hỷ của bóng đá Việt và giấc mơ Vàng 60 năm đã trở thành sự thật: Không có Lọ Lem hay Thánh Gióng, chỉ có những con người khổ luyện thành tài, đam mê và tận hiến - Ảnh 6.
Song hỷ của bóng đá Việt và giấc mơ Vàng 60 năm đã trở thành sự thật: Không có Lọ Lem hay Thánh Gióng, chỉ có những con người khổ luyện thành tài, đam mê và tận hiến - Ảnh 7.

Trong niềm kiêu hãnh ấy, có tên vị thuyền trưởng Park Hang-seo. Bóng đá Việt Nam đã có 10 năm chuẩn bị, tổ chức cơ cấu lại theo hướng chuyên nghiệp hơn, nhưng phải gặp được HLV Hàn Quốc 60 tuổi, chúng ta mới thực sự đạt "thiên thời - địa lợi - nhân hòa".

Suốt hai năm đồng hành và dẫn dắt tuyển bóng đá nam Việt Nam, kể từ trận tuyết chiến Thường Châu tới quyết đấu Manila, ông Park đã đưa bóng đá Việt bước sang thời đại mới: Thời đại mà mỗi trận bóng trên sân nhà đều chật kín khán giả và mỗi ngôi sao sân cỏ có sức hấp dẫn lớn hơn cả ngôi sao showbiz. 

Ông Park như một người kể chuyện tài tình, dẫn dụ người hâm mộ đi qua nghìn lẻ một đêm với bao thiên truyện hấp dẫn nối dài sự tò mò và niềm hân hoan từ ngày này qua ngày khác. Từ ngôi vị Á quân U23 Châu Á 2018, bán kết Olympic châu Á 2018, vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á 2018 tới vòng tứ kết Cúp bóng đá châu Á 2019, vòng chung kết U23 châu Á 2020, vị trí đứng đầu bảng G vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á.

Và giờ đây là biến giấc mơ vàng 60 năm qua của hàng triệu người Việt Nam thành hiện thực.

Cho dù có người chê ông Park "hết bài", chê ông dùng một thứ bóng đá không đẹp, nhưng không ai có thể phủ nhận được rằng, dưới thời Park Hang-seo, các đội tuyển Việt Nam là một khối đoàn kết chặt chẽ với bản lĩnh chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt. Các cầu thủ xem nhau như người một nhà, chơi một thứ bóng đá gắn kết và vì tập thể, chiến đấu bằng thứ tinh thần không chịu lùi bước, thắng không kiêu, bại không nản và ứng xử với người hâm mộ bằng một thái độ khiêm nhường, biết ơn. Tất nhiên, cũng chỉ có những cầu thủ mang đầy đủ những phẩm chất ấy, bên cạnh phong độ thi đấu, mới được ông Park lựa chọn vào đội hình sao vàng.

Song hỷ của bóng đá Việt và giấc mơ Vàng 60 năm đã trở thành sự thật: Không có Lọ Lem hay Thánh Gióng, chỉ có những con người khổ luyện thành tài, đam mê và tận hiến - Ảnh 9.

Chúng ta thắng bởi các cầu thủ đều xem nhau như người một nhà, chơi một thứ bóng đá gắn kết và vì tập thể, chiến đấu bằng thứ tinh thần không chịu lùi bước, thắng không kiêu, bại không nản và ứng xử với người hâm mộ bằng một thái độ khiêm nhường, biết ơn.

Ông Park không hẳn là xuất sắc nhất về chiến thuật so với các HLV đồng nghiệp, nhưng là người có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ, điều mà chưa có ai làm được với bóng đá Việt Nam. Được khen ngợi về đấu pháp, về sự tận tụy, về sự công bằng, nhưng cái khiến ông Park trở nên khác biệt chính là tình yêu thương đặt trong sự nghiêm khắc, kỷ luật mà ông dành cho các cầu thủ. 

Song hỷ của bóng đá Việt và giấc mơ Vàng 60 năm đã trở thành sự thật: Không có Lọ Lem hay Thánh Gióng, chỉ có những con người khổ luyện thành tài, đam mê và tận hiến - Ảnh 10.

Ông gần gũi với cầu thủ như người cha, lại như một người bạn. Nếu cầu thủ mắc lỗi, chỉ có chính họ mới nghe được lời phê phán, chỉ trích từ ông. Ngoài ra không ai có thể nghe được. Ông bênh vực, bảo vệ cầu thủ của mình như một con sư tử chúa, trong mọi trường hợp luôn che chắn cho họ trước mọi mũi dùi của dư luận và truyền thông. 

Như cách ông nhận lỗi về mình khi thủ môn Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm ở trận gặp Indonesia; như cách ông tiếp tục cho Văn Toản ra sân sau sai lầm nghiêm trọng ở trận gặp Thái Lan; như cách ông ôm chầm Quang Hải để ăn mừng khi Hùng Dũng ghi bàn nâng tỉ số lên 2 - 0 trước Indonesia, bởi ông hiểu việc phải ngồi ghế dự bị trong trận đấu ý nghĩa thế này thiệt thòi với chàng trai số 19 ấy thế nào...

Được huấn luyện bởi một vị thuyền trưởng như thế, lần đầu tiên, bóng đá Việt Nam có một thế hệ tài năng đông đảo đến vậy. Bởi đã qua rồi cái thời chỉ một hai ngôi sao được o bế trong đội tuyển. Với thầy Park, ai cũng là con cưng, ai cũng là báu vật, ai cũng được coi trọng và được trao cơ hội để tỏa sáng. Và cuối cùng, các cầu thủ đã nắm lấy cơ hội để tỏa sáng thực sự. Họ tỏa sáng nhờ không ngừng được yêu thương và tin tưởng từ người thầy mang tên Park Hang-seo.

Song hỷ của bóng đá Việt và giấc mơ Vàng 60 năm đã trở thành sự thật: Không có Lọ Lem hay Thánh Gióng, chỉ có những con người khổ luyện thành tài, đam mê và tận hiến - Ảnh 11.
Song hỷ của bóng đá Việt và giấc mơ Vàng 60 năm đã trở thành sự thật: Không có Lọ Lem hay Thánh Gióng, chỉ có những con người khổ luyện thành tài, đam mê và tận hiến - Ảnh 12.

Những tấm poster lớn in hình HLV Park Hang-seo một lần nữa được truyền tay nhau trên khán đài. "Bố già" của bóng đá Việt, thầy phù thủy của bóng đá Việt và rất nhiều mỹ từ khác nữa được người hâm mộ dành tặng ông, để vinh danh và tri ân vị HLV tài ba người Hàn Quốc. Nhưng sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc tới rất nhiều con người khác, đã và đang gián tiếp và trực tiếp tạo nên chiến tích của hôm nay.

Trong quá khứ, bóng đá nam Việt Nam đã 6 lần vào tới trận chung kết của Đại hội thể thao Đông Nam Á và 6 lần hụt chân trước huy chương. Tới nỗi, người hâm mộ tự giễu với nhau rằng: "Việt Nam vô địch" chỉ là khẩu hiệu mà thôi. Nhưng lần này Việt Nam vô địch đã thực sự trở thành bản tin trên mặt báo quốc tế. Và người ta gọi đó là "kỳ tích".

Nhưng không, vinh quang không hôm nay không phải kỳ tích. Phải gọi nó là chiến tích. Bởi không có sự thần kỳ nào, không có phép màu nào trên sân Rizal Memorial tối 10/12. Ngài Park Hang-seo không phải ông Bụt và những chàng trai của đội tuyển U22 Việt Nam không phải là Thánh Gióng, từ đứa trẻ lên ba non nớt ngu ngơ không biết nói cười vươn vai một cái thành gã khổng lồ.

Song hỷ của bóng đá Việt và giấc mơ Vàng 60 năm đã trở thành sự thật: Không có Lọ Lem hay Thánh Gióng, chỉ có những con người khổ luyện thành tài, đam mê và tận hiến - Ảnh 13.

Đã từ lâu, người mộ điệu và bóng đá Việt Nam không còn mơ mộng trông cậy vào cái gọi là cổ tích nhiệm màu, không còn ngong ngóng một cái đũa thần hiện ra trên sân cỏ, không còn tin vào việc chỉ tha thiết ôm mặt khóc hu hu thì ông Bụt sẽ hiện lên giúp đỡ. Họ đã biết phải làm gì và phải bắt đầu từ đâu để hiện thực hóa giấc mơ vô địch. Họ từ chối việc đi tắt đón đầu, từ chối việc nhổ cây lớn trong rừng về trồng nơi đô thị để có bóng râm chỉ sau một mùa xuân. 

Con đường mà những người làm bóng đá Việt Nam đã đi và đang đi là một con đường dài với rất nhiều gian nan, thách thức. Nhưng họ đã kiên nhẫn bộ hành, kiên nhẫn vượt chướng ngại vật, không nôn nóng hấp tấp, không rẽ ngang tạt dọc, không cả thèm chóng chán, không nản chí thở than. Để ngày hôm nay, họ thu về mùa quả ngọt.

Nhìn lại chặng đường 10 năm âm thầm, nỗ lực và khuếch trương trong đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, chúng ta nhận ra rằng, trái ngọt chỉ đơm khi mồ hôi và tâm trí đổ xuống đất cày. Thế hệ các cầu thủ hôm nay mang một diện mạo hoàn toàn khác biệt với đàn anh, đàn chú. Họ là kết quả của quá trình đào tạo bàn bản, khoa học, chuyên nghiệp mà yếu tố chăm chỉ và kỷ luật là kim chỉ nam cho chặng đường khổ luyện. Chỉ có khổ luyện, chứ không phải bất kỳ phương thức nào, là duy nhất đúng để biến những năng khiếu trời cho thành tài năng thực sự trên sân cỏ.

Song hỷ của bóng đá Việt và giấc mơ Vàng 60 năm đã trở thành sự thật: Không có Lọ Lem hay Thánh Gióng, chỉ có những con người khổ luyện thành tài, đam mê và tận hiến - Ảnh 14.

Đừng nhìn vào những gương mặt trẻ trai sáng bừng với phục trang sành điệu, tóc tai đỏm dáng và những màn tán gẫu trời bể trên mạng xã hội để vội nghĩ các cầu thủ của chúng ta phởn phơ sung sướng, "chỉ ăn và đá bóng". 

Ngay từ khi còn là những cậu bé ở độ tuổi được cha mẹ cưng như trứng mỏng, họ đã không có một tuổi thơ như mọi đứa trẻ bình thường. Không được đàn đúm tụ tập, không tha hồ xem tivi sáng chiều, không được nằm ườn trên giường chờ cha mẹ đánh thức mỗi sáng, nhắc nhở chuyện đánh răng đến sách vở, áo quần. Càng không có những buổi tối được bố mẹ ôm ấp trong lòng, không được tự do ăn cái mình thích, chơi cái mình muốn. Thậm chí không có cả nghỉ hè.

Tuổi thơ của họ là giường tầng, là chăn chiếu cá nhân, là sinh hoạt kiểu quân đội. Ở tuổi 11, 12, những đứa trẻ của bầu Đức - như Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường - phải đi ngủ lúc 9 rưỡi tối và thức dậy vào 6g kém 15 sáng mỗi ngày, bất kể cuối tuần. Chúng phải tự ăn sáng, tự chuẩn bị sách vở để lên xe bus vào thành phố học văn hóa lúc 6g30. Buổi trưa trở về Học viện, chúng có 1 tiếng nghỉ trưa ngắn ngủi trước khi ra sân tập đến cuối giờ chiều. Đến tối, chúng lại tự chuẩn bị bài vở cho giờ học ngoại ngữ và chỉ được rời khỏi lớp học sau khi đã dọn dẹp, kê bàn ghế ngay ngắn như nguyên trạng. 

Các học viên nhí được rèn kỷ luật sắt để thực sự "ăn bóng đá, ngủ bóng đá", trau dồi sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Chúng thậm chí còn thành thạo việc phân tích dinh dưỡng với mọi thứ thực phẩm được đưa vào người, biết mình được ăn gì, không được ăn gì và nên ăn gì thì tốt cho sự nghiệp. 

Song hỷ của bóng đá Việt và giấc mơ Vàng 60 năm đã trở thành sự thật: Không có Lọ Lem hay Thánh Gióng, chỉ có những con người khổ luyện thành tài, đam mê và tận hiến - Ảnh 15.

Khổ luyện trong môi trường ấy để 10 năm sau, bóng đá Việt Nam rực sáng với một thế hệ chiến binh mới, không chỉ giỏi mà còn mạnh, không chỉ mình đồng da sắt mà còn ý chí vững vàng. Họ thực sự chiến đấu vì màu cờ sắc áo. Họ thắng lợi mà vẫn khiêm nhường. Họ biết nói lời cảm ơn sau mỗi chiến công. Họ biết giữ hình ảnh bản thân vì tập thể. Họ biết gạt bỏ những vấn đề cá nhân để yêu thương, chia sẻ và đoàn kết toàn đội vì mục tiêu chung. Họ biết kính thầy, nể bạn. Và họ không thể bị mua chuộc bởi bạc tiền.

10 năm là một hành trình không dài, nhưng đủ để những người làm bóng đá bằng trái tim thêm vững tin vào con đường đang đi. Những Trọng Hoàng, Hùng Dũng, Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Linh, Hà Đức Chinh, Tấn Sinh, Thành Chung, Đức Chiến, Triệu Việt Hưng, Văn Toản…, những gương mặt bùng nổ trên sân Rizal Memorial hôm nay là niềm tự hào của người hâm mộ túc cầu Việt Nam. Nhưng trên hết, họ là thành quả, là trái ngọt, là vinh quang, là động lực, là niềm tin tương lai của những ông bầu dành phân nửa cuộc đời cho trái bóng tròn. 

Tri ân HLV "phù thủy" Park Hang-seo, người hâm mộ không thể không tri ân tới những cống hiến miệt mài và lặng thầm bên trong các lò đào tạo bóng đá trẻ ấy.

Song hỷ của bóng đá Việt và giấc mơ Vàng 60 năm đã trở thành sự thật: Không có Lọ Lem hay Thánh Gióng, chỉ có những con người khổ luyện thành tài, đam mê và tận hiến - Ảnh 17.

Ngày 11/12, đúng như khao khát của HLV Park Hang-seo đội tuyển U22 Việt Nam sẽ trở về quê nhà cùng với đội tuyển bóng đá nữ đem theo hai chiếc huy chương vàng lịch sử. Cái cách thầy Park hùng hổ leo lên khán đài ở khu vực tuyển nữ đang ngồi theo dõi trận đấu sau khi bị trọng tài truất quyền chỉ đạo khiến khán giả không khỏi bật cười. Hóa ra, thầy không nói xã giao. Mong muốn của thầy Park là thực, tình yêu và sự ngưỡng mộ mà thầy Park dành cho các cô gái bóng đá là thực.

Dù chưa được đầu tư xứng đáng, không được đào tạo bài bản, nhưng tài năng, tinh thần và ý chí của những nữ chiến binh sân cỏ Việt Nam khiến người hâm mộ phải nể phục bội phần. 6 lần vô địch SEA Games, 2 năm liên tiếp giành huy chương vàng, đó là thành tích mà bóng đá nam lẫn các môn thể thao khác của Việt Nam đều chưa làm được. Sức mạnh của những cô gái bóng đá Việt đã tiếp lửa cho các chàng trai trên sân Rizal Memorial. Trí tuệ và tình yêu bất vụ lợi của HLV Mai Đức Chung dành cho bóng đá nữ đã hòa điệu với HLV Park Hang-seo để đem đến "song hỷ" cho bóng đá Việt.

Song hỷ của bóng đá Việt và giấc mơ Vàng 60 năm đã trở thành sự thật: Không có Lọ Lem hay Thánh Gióng, chỉ có những con người khổ luyện thành tài, đam mê và tận hiến - Ảnh 18.

Cả hai vị thuyền trưởng ấy đều là những biểu tượng đầy cảm hứng của thể thao vua, là những người hùng điều binh khiển tướng theo lối nhân trị, dùng chữ tình để khơi lửa chiến đấu và chiến thắng.

Niềm vui nhân đôi, thăng hoa tuyệt đỉnh. Chỉ mong rằng, sau khi những cảm xúc bùng nổ dịu xuống, người hâm mộ lẫn giới chuyên môn không quên những điều cần phải làm ngay với bóng đá Việt nói chung và bóng đá nữ nói riêng. Để các cô gái không phải quay trở về chế độ tập luyện vất vả với 1,3 triệu đồng lương tháng. Để các cô gái không phải đá trên sân vắng bóng người. Để các cô gái không bị băng bó sơ sài những cặp đùi non tươm máu hay ngất lịm đi sau mỗi cuộc chiến chinh trên sân cỏ. Để đoàn quân của HLV Mai Đức Chung có cơ hội đi xa hơn, vươn cao hơn, gặt hái những chiến tích lớn lao hơn.

Và để niềm vui được kéo dài bền bỉ.

HH
Tuấn Mark, Sport5
Hà Mĩ


Trí thức trẻ