Sóng gió gia tộc nhà 'ông trùm K-pop' và cuộc chiến giành cổ phần lớn nhất lịch sử nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc

09/08/2023 10:47 AM | Kinh doanh

Đỡ đầu cho BoA, SNSD, Super Junior làm khuynh đảo thế giới, từng bị Interpol truy nã vì tham ô, góp phần gây ra cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử K-pop, cuối cùng ra đi với chỉ hơn 3% cổ phần trong tay.

Lee Soo Man - "cha đẻ" nền công nghiệp K-pop

Khi nói về nền công nghiệp K-pop đang phát triển rực rỡ, người ta không thể không nhắc đến vai trò của Lee Soo Man. Lee Soo Man năm nay đã 71 tuổi, được ghi nhận là cái tên tiên phong trong nền công nghiệp K-pop. Ông là nhà sáng lập ra SM Entertainment - một trong những công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc, nơi cho ra mắt những cái tên sáng giá của K-pop như Super Junior, SNSD, vân vân. "SM" là hai chữ cái viết tắt tên của chính ông.

Được tiếp xúc và truyền cảm hứng từ những video ca nhạc của MTV trong thời gian học thạc sĩ ở Mỹ vào những năm 80, ông đã mở đường cho K-pop chinh phục thế giới bằng công thức đặc trưng bao gồm âm nhạc bắt tai, vũ đạo cuốn hút và phong cách trình diễn ấn tượng trong mọi ca khúc.

Chính Lee Soo Man là người đã đào tạo ra BoA, nữ ca sĩ được SM Entertainment tuyển chọn vào năm 1998 chỉ khi mới 12 tuổi. Nhờ sự dẫn dắt của công ty, BoA trở thành nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên đột phá tại thị trường Nhật Bản, bán được hàng triệu đĩa đơn và album. Các nhóm nhạc như TVXQ, SNSD, EXO hay NCT cũng nhờ ông mà bắt kịp được với các ngôi sao quốc tế.

photo-1690904573178

Lee Soo Man, người sáng lập SM Entertainment.

Năm 2000, SM Entertainment trở thành công ty K-pop đầu tiên lên sàn. Vào thời điểm khi Psy và BTS còn chưa trở thành hiện tượng toàn cầu thì Lee Soo Man đã từng mạnh dạn tuyên bố về một tương lai mà K-pop sẽ làm mưa làm gió trên thế giới.

Một người tiên phong nhiều tai tiếng

Tuy nhiên, tầm nhìn và tinh thần của Lee Soo Man không thể bù đắp được các vấn đề quản trị đã và đang diễn ra trong công ty SM Entertainment. Trong những năm gần đây, các cổ đông đã chỉ trích SM vì thua lỗ từ các hoạt động kinh ngoài âm nhạc, trong khi chính Lee Soo Man vẫn thu lợi đều đều từ phí sản xuất âm nhạc.

Một số thành viên của các nhóm nhạc, ví dụ gần đây nhất là nhóm Super Junior đã rời công ty. Nguyên nhân được cho là tranh chấp về hợp đồng làm việc với các điều khoản bóc lột và bất công. Trong suốt năm năm qua, công ty cũng chỉ ra mắt được một nhóm nghệ sĩ mới là Aespa.

photo-1690903361103

Nhóm Aespa của SM Entertainment, ra mắt năm 2020.

Năm 2002, Lee Soo Man còn khiến truyền thông chú ý vì trốn khỏi Hàn Quốc do bị cáo buộc tham ô. Sau một thời gian bị Interpol truy nã, Lee Soo Man cuối cùng cũng bị kết án vì đã bòn rút gần 900.000 USD trong quỹ công ty. Năm 2007, ông được ân xá và trở lại với SM Entertainment. Công ty dưới sự kiểm soát của ông cũng từng nộp phạt vì trốn thuế, lần gần đây nhất là vào năm 2021.

Sóng gió gia tộc và mâu thuẫn nội bộ

Đến năm 2023, "sóng gió gia tộc" nổi lên khi Lee Sung Soo, đồng giám đốc điều hành, đồng thời là cháu trai bên ngoại của Lee Soo Man, đã đưa ra một loạt cáo buộc với chú của mình về các hành vi như: trốn thuế, tự ý thay đổi định hướng âm nhạc của công ty, sử dụng chiến dịch trồng cây ở Ả Rập Saudi và Mông Cổ làm bình phong xây dựng một đế chế bất động sản theo chủ đề K-pop ở nước ngoài với đầy đủ khách sạn và sòng bạc. 

Sóng gió gia tộc nhà 'ông trùm K-pop' và cuộc chiến giành cổ phần lớn nhất lịch sử nhạc Hàn - Ảnh 2.

Lee Sung Soo, đồng giám đốc điều hành của SM, cháu trai nhà sáng lập Lee Soo Man.

Mâu thuẫn giữa "ông trùm K-pop" Lee Soo Man và các lãnh đạo nội bộ của SM Entertainment xuất hiện ngày càng nhiều. Người cháu trai Lee Sung Soo cũng công bố dự án tái cấu trúc công ty, trong đó có việc "hất" Lee Soo Man khỏi vai trò nhà sản xuất.

Cuộc tranh giành cổ phần kịch tính như trong phim

Mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm khi ban lãnh đạo SM, dưới sự dẫn dắt của người cháu trai Lee Sung Soo, đã đồng ý bán 9,05% cổ phần cho công ty công nghệ Kakao vào tháng 2 năm 2023. Đây là một bước đi để làm suy yếu quyền lực của Lee Soo Man trong SM. Việc này khiến Lee Soo Man tức tốc bay về Hàn Quốc vì cho rằng cuộc giao dịch chưa có sự đồng ý của ông - cổ đông lớn nhất của công ty với 18,46% cổ phần - là bất hợp pháp.

Lee Soo Man liền đệ đơn yêu cầu ngăn chặn thỏa thuận và đã được tòa án chấp thuận. Ông cũng quyết định bán luôn 15% cổ phần cho công ty đối thủ Hybe, "mượn tay" đối thủ sừng sỏ này để ngăn không cho Kakao và người cháu mở rộng tầm ảnh hưởng. Một cuộc chiến tiếp quản căng thẳng được châm ngòi. 

Hybe chính là công ty đứng đằng sau những siêu sao Hàn Quốc như BTS, Seventeen hay TXT. SM và Hybe hiện là hai đối thủ cùng thuộc nhóm "tứ đại công ty" trong ngành công nghiệp K-pop. 

photo-1690903716930

Năm công ty K-pop hàng đầu Hàn Quốc cùng các nhóm nhạc, nghệ sĩ "con cưng". Tính theo doanh số năm 2022, nguồn Financial Times.

Sau đó, hai công ty Kakao và Hybe đã tiếp tục cuộc chạy đua đấu thầu khốc liệt để giành cổ phần và quyền kiểm soát đối với SM Entertainment.

Ngoài thỏa thuận với Lee Soo Man, Hybe còn thông báo kế hoạch mua lại cổ phần của SM từ các cổ đông thiểu số, hoàn toàn không che giấu ý định "thôn tính" công ty này. Sở dĩ Hybe làm vậy là vì muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư. Hiện nay, công ty vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nhóm nhạc BTS. Bảy thành viên của nhóm nhạc hầu như đã gần chạm tuổi 30, gần đây còn tạm ngừng hoạt động để đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

photo-1690904134088

BTS, nhóm nhạc chủ lực của Hybe.

Trong khi đó, SM có danh mục đầu tư đa dạng hơn nhiều. Họ có các nghệ sĩ ăn khách ở các thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á. Vào năm 2022, SM đã báo cáo lợi nhuận hoạt động tăng 38,5% khi doanh thu bán hàng tăng 20,9% lên 848 tỷ won.

Nhưng SM cũng rất thèm muốn một sự hợp tác với Kakao để tạo ra đối cực với cái bắt tay giữa đối thủ YG Entertainment - công ty quản lý nhóm BlackPink - và công ty công nghệ Naver đình đám của Hàn Quốc.

Kakao vốn là một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến bậc nhất ở Hàn, đang có hướng mở rộng sang ngành công nghiệp giải trí. Trước đó, nó đã sở hữu một công ty K-pop khác là Starship Entertainment.

Kakao ra giá 150.000 won (115 đô la Mỹ) cho mỗi cổ phiếu của SM, nhiều hơn đáng kể so với con số của Hybe (120.000 won nay 92 đô la Mỹ). Hybe sau đó đã chính thức "đầu hàng", phần thắng thuộc về Kakao với 44% cổ phần được nắm giữ.

photo-1690903892635

Theo các nhà phân tích, cổ phiếu Hàn Quốc thường bị định giá thấp vì một số công ty thường được quản lý vì lợi ích của người sáng lập và gia đình, gây thiệt thòi cho các cổ đông khác. Tuy nhiên, trong cuộc tranh giành quyền lực nói trên, các cổ đông của SM lại là người được lợi cả đôi đường khi giá cổ phiếu tháng 3 năm 2023 đã tăng lên thành 113,84 USD kể từ khi SM tuyên bố sẽ chấm dứt làm việc với Lee Soo Man vào ngày 14 tháng 10 năm 2022. Sau khi bán cổ phần cho Hybe, Lee Soo Man chỉ còn hơn 3% cổ phần SM trong tay.

Tham khảo từ: FT, Billboard

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM