Sớm “nướng” hết 150 tỷ, website thương mại điện tử Lingo.vn buộc phải đóng cửa?

03/08/2016 14:11 PM | Kinh doanh

Lingo đã "tự tin" đặt kế hoạch lỗ 100 tỷ trong 2 năm đầu hoạt động nhưng dường như kết quả thu được quá khiêm tốn.

Trong bối cảnh thời gian qua có nhiều start-up “hồ hởi” công bố huy động được hàng triệu USD từ các quỹ đầu tư thì cũng có không ít dự án “âm thầm” đóng cửa sau khi đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mà không đạt được kết quả khả quan. Cái tên mới nhất gia nhập nhóm này có thể là website thương mại điện tử Lingo.vn thuộc CTCP Thương mại điện tử Lingo.

Như báo điện tử ICTNews đã đưa tin, Lingo.vn sẽ ngưng hoạt động trong thời gian tới và ngày từ ngày 2/8 đã không còn truy cập được vào website này. Lý do được đưa ra là nhà đầu tư không còn rót vốn và hoạt động kinh doanh của dự án này không hiệu quả.

Công ty Lingo chính thức được thành lập vào năm 2014 với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Truyền thông VMG (VMG Media) góp 96 tỷ đồng nắm 96% vốn. VMG Media với lợi thế là thành viên của VNPT từ lâu đã được biết đến là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trong lĩnh vực nội dung số, SMS Brandname, dịch vụ giá trí gia tăng cho các mạng di động…

Đặt kế hoạch lỗ lớn ngay từ khi đi vào hoạt động

Trong năm đầu tiên hoạt động, Lingo đặt mục tiêu đạt 6 tỷ đồng doanh thu và lỗ 30,35 tỷ. Thực tế thì công ty đã đạt được 8,2 tỷ doanh thu lỗ 31,4 tỷ đồng. Bước sang năm 2015, Lingo tiếp tục vượt kế hoạch doanh thu, đạt 56,5 tỷ so với kế hoạch 48,5 tỷ đồng nhưng mức lỗ cũng cao hơn kế hoạch khi lỗ 73,3 tỷ so với 69,5 tỷ.

Như vậy chỉ sau 2 năm, Lingo đã lỗ tổng cộng gần 105 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với kế hoạch.

Trong năm 2015, vốn điều lệ của Lingo được tăng lên 120 tỷ đồng và VMG chuyển nhượng 6,6 triệu cổ phần sang cho quỹ đầu tư Yellow Star Invesment 3 Pte. Ltd. Sau giao dịch này, VMG chỉ còn sở hữu 30 tỷ đồng vốn góp – tương ứng 3 triệu cổ phiếu – và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 25%. Bên cạnh đó, về nhân lực cấp cao, ông Kyle Phạm – người từng giữ vị trí CEO của Nhóm Mua và Phó tổng giám đốc của VinEcom đã được bổ nhiệm vào vị trí CEO của Lingo từ tháng 8/2015,

Sang nửa đầu năm 2016, vốn điều lệ của Lingo tiếp tục được tăng lên 150 tỷ đồng, do VMG không góp thêm nên tỷ lệ sở hữu giảm còn 20%.

Tuy nhiên, đến thời điểm 30/6/2016, toàn bộ 30 tỷ đồng vốn góp của VMG tại Lingo đã được trích lập dự phòng tổn thất 100% giá trị, đồng nghĩa với việc Lingo đã lỗ tối thiểu bằng vốn góp (150 tỷ đồng) và lâm vào cảnh âm vốn.

Với việc Lingo đều đặn “tiêu” hết vài chục tỷ đồng mỗi năm mà kết quả thu được không mấy khả quan, tên tuổi của Lingo vẫn khá mờ nhạt trong ngành thương mại điện tử Việt Nam thì việc nhà đầu tư buộc phải dừng bơm vốn cho công ty cũng là điều dễ hiểu.

Yellow Star Investment 3 – tổ chức đã mua lại cổ phần chi phối của Lingo từ VMG là một đơn vị đầu tư thuộc nhóm Yellow Star Investment. Hiện quỹ Yellow Star Investment 6 đang là một trong ba cổ đông lớn nhất của VMG, nắm giữ 22% cổ phần. Một quỹ khác là Yellow Star Investment 1 cũng từng nắm giữ lượng lớn trái phiếu chuyển đổi của Golden Gate Group.

Theo Kinh Kha

Cùng chuyên mục
XEM