Solo và teamwork - Cái nào tốt hơn và dùng vào việc gì?

06/02/2017 12:01 PM | Kinh doanh

Solo hay teamwork bản chất nó không có cá tính nào nhỉnh hơn, chỉ có hữu dụng trong các tình huống khác nhau.

Bài viết dưới đây của ông Đỗ Xuân Tùng, Chuyên gia tư vấn và đào tạo Kỹ năng Bán hàng/ Quản lý Bán hàng, về phong cách làm việc nhóm và làm việc cá nhân, vai trò và cách áp dụng đối với các lãnh đạo doanh nghiệp. Mời độc giả đón đọc.


Từ teamwork (làm việc nhóm) hiện giờ trong hoạt động của các công ty được đề cập và nhắc tới nhiều tới mức mà người ta hầu như quên mất có một từ hay được dùng cùng với nó, đó là hoạt động kiểu solo (làm việc cá nhân). Cá biệt hơn, nhiều trường hợp, từ SOLO do ít được đề cập tới hơn nên được ngầm hiểu là một cá tính tiêu cực, mang tính có hại cho tổ chức nhiều hơn.

Một cách khách quan, có thể nói không ngoa rằng, tính cách của đa số mọi người chia thành hai nhóm, solo và teamwork – Cá nhân chủ nghĩa và người có thể làm việc chung, tập thể.

Muốn biết mình thuộc loại nào, chỉ cần nhìn vào cách làm việc hàng ngày hoặc đơn giản hơn, là môn thể thao mà từng cá nhân hay chơi là chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.

Những người chơi các môn đồng đội đòi hỏi sự phối hợp như bóng chuyền, bóng đá thường là tuýp làm việc kiểu teamwork. Điểm mạnh của họ là có sự khiêm tốn nhất định để phối hợp với người khác mà không gây ra mâu thuẫn về mặt tư duy hay tự ái.

Ngược lại, những người thích và chơi các môn mang tính cá nhân thường là thi đấu võ thuật, tennis đơn,..là những người có cá tính solo nhiều hơn. Họ thường thích chiến đấu đơn lẻ một mình, không cần sự hỗ trợ của người khác và do vậy nếu thuộc về tuýp làm được việc, họ thường là người có cái tôi khá cao. Bù lại, ưu điểm của họ là chịu áp lực tốt hơn, quyết liệt hơn và có nhiều sáng tạo.

Tất nhiên, giống như bất kỳ cách phân loại tính cách nào, hiếm khi nào chúng ta tìm ra một người nào 100% là solo hay 100% teamwork. Thường thì họ ở dạng pha, 80% là solo, 20% là teamwork hoặc ngược lại. Câu hỏi còn lại là: Vậy thì nếu không có cái nào tốt hơn cái nào, thì dùng từng tuýp người vào lúc nào?

Câu trả lời thì có nhiều, nhưng một ví dụ mà tôi thấy rất thành công với chính bản thân cá tính của tôi, tôi vốn là người thích solo nhiều hơn là teamwork, chính là trong công việc mà tôi đã trải qua.

Công ty X mới mở địa bàn, trước đó công ty đã từng rất thành công trên thị trường. Nhưng do một số lý do cả khách quan và chủ quan, công ty này lâm vào tình trạng mất dần địa bàn và do vậy mà phải thay đổi hết toàn bộ đội ngũ quản lý tại các địa bàn vốn có.

Có thể hiểu việc thay đổi này cũng do một phần là giờ yêu cầu với người quản lý trên từng địa bàn thay đổi.

Trước đây, khi cả hệ thống hoạt động tốt thì họ cần những người làm quản lý, giám đốc phối hợp tốt với nhau tức là kiểu làm việc teamwork.

Nhưng nay, do địa bàn hổng, đối thủ tấn công liên tục, nếu trông chờ vào phản ứng mang tính hệ thống sẽ không kịp ứng biến với các tác động liên tục thay đổi trên thị trường. Vậy là công ty chuyển sang tuyển dụng những người có cá tính khác. Họ chú trọng tới các cá nhân có tính solo nhiều hơn.

Đó là những “sói hoang” một mình sách ba lô xuống địa bàn, tìm ra vấn đề, xác định nguyên nhân, đặt ra giải pháp và quyết liệt thực hiện giải pháp mà không cần dùng nhiều tới hỗ trợ từ phía tổng công ty.

Đó là thời điểm mà chúng tôi được tương đối thoải mái kết hợp với nhà phân phối từng địa bàn đưa ra các chương trình khuyến mại và thúc đẩy mang tính khá đặc thù cho riêng từng địa bàn đó.

Đôi khi việc này khiến chúng tôi đi xa khỏi chương trình quy định ban đầu, tận dụng cả những nguồn lực mà nếu chiểu theo đúng luật, chúng tôi làm sai hoàn toàn. Nhưng phải vậy, vì lúc đó nước sôi lửa bỏng, không làm nhanh thì chúng tôi sẽ không thể tồn tại, đợi tới lúc ở trên rót xuống các hỗ trợ mà đáng lẽ ra, chúng tôi đang được hưởng.

Sau một thời gian, thị trường của công ty bắt đầu hồi trở lại, hệ thống khách hàng bắt đầu ổn định chứ không phải thường xuyên thay đổi như trước. Lúc này, cách làm của chúng tôi bắt đầu phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn từ trên xuống.

Nếu lúc trước việc làm khác ở một địa bàn không gây ảnh hưởng thì giờ chỉ cần một cách xử lý khác biệt ở một địa bàn riêng rẽ không giống với cả đội ngũ còn lại sẽ dễ dàng lan truyền tin xấu khắp nơi và khiến công ty chịu thiệt hại cả trước mắt lẫn lâu dài. Cá tính “sói hoang” lúc này có lẽ đã không còn thích hợp và vì thế cần phải được thay đổi bởi một đội quân có kỷ luật cao, tuân lệnh răm rắp và sẵn sàng làm mọi điều theo đúng hệ thống, quy trình chuẩn.

Như vậy, có thể thấy, solo hay teamwork bản chất nó không có cá tính nào nhỉnh hơn, chỉ có hữu dụng trong các tình huống khác nhau.

Với trường hợp tôi kể ở trên thì nếu chia thành các giai đoạn phát triển trên thị trường thì ở từng giai đoạn, công ty cần tìm người quản lý và giám đốc có cá tính phù hợp như sau:

1. Công ty mới gia nhập cần người khai phá thị trường hoặc lấy lại thị trường sau một loạt bất ổn: cần người có cá tính solo chịu áp lực tốt, có nhiều sáng kiến hơn. Họ là đội SOLO

2. Công ty bắt đầu đi vào ổn định hoặc có hệ thống tốt rồi thì cần người biết “tuân lệnh” và “làm đúng cách” theo đúng quy trình nhiều hơn, đó là lúc cần người TEAMWORK

3. Hoàn hảo hơn cả: một công ty sử dụng được cả hai nửa SOLO và TEAMWORK ở bất kỳ một cá nhân nào cho việc phát triển tổ chức nói chung. Sẽ hạn chế được cả yếu điểm và phát huy được hết ưu điểm của cả hai cá tính nói trên.

Chúc quý vị sớm đạt tới mức 3 ở trên trong năm Đinh Dậu này.

Đỗ Xuân Tùng - Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Cùng chuyên mục
XEM