Sôi động cổ phiếu ngành du lịch

08/11/2017 17:30 PM | Kinh doanh

Bên cạnh kinh tế, lĩnh vực du lịch luôn nằm trong ưu tiên hợp tác của APEC kể từ khi diễn đàn này được thành lập năm 1989. Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” để mở rộng kết nối, khẳng định thương hiệu, quảng bá hình ảnh đất nước và con người với cộng đồng quốc tế.

Năm 2016, ngành du lịch đã đóng góp 1.300 tỷ USD cho GDP khu vực APEC, tạo 67 triệu việc làm trực tiếp và đóng góp 6,1% vào xuất khẩu của khu vực (theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới). Việc phát triển du lịch cũng đóng góp đáng kể vào mục tiêu tăng trưởng toàn diện, tạo công ăn việc làm, gia tăng nguồn thu địa phương và cải thiện phúc lợi xã hội.

Mặc dù còn đối diện với nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển bền vững, ngành du lịch Việt Nam những năm gần đây liên tục ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc với các chỉ số ấn tượng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 8,5 triệu lượt người, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, chỉ riêng trong tháng 8/2017, khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục, ở mức 1,2 triệu lượt người, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay. Ngành du lịch Việt Nam hiện đang hướng tới mục tiêu đón 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đóng góp hơn 10% GDP vào năm 2020.

Nhu cầu nghỉ dưỡng trong nước tăng cao và lượng khách quốc tế đến Việt Năm tăng đột biến nhờ cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng và dịch vụ ngày càng hoàn thiện đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp du lịch và kinh doanh các hoạt động liên quan.

Sự sôi động của thị trường du lịch trong nước cũng mở đường cho những chuyển biến đáng chú ý đến từ loạt cổ phiếu du lịch vốn khá “im hơi lặng tiếng”. Theo đó, ngành du lịch hiện có khoảng hơn 10 cổ phiếu đang niêm yết trên ba sàn chứng khoán, trong đó có 3 cổ phiếu đạt mức giao dịch tương đối khá, trên 200 nghìn CP/phiên là OCH, DAH, VNG. Các cổ phiếu còn lại có khối lượng giao dịch thấp hơn.

Công ty Cổ phần Khách sạn và Du lịch Đại Dương (OCH) tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng - Thương mại Bảo Long được thành lập năm 2006. Doanh nghiệp này hiện đang sở hữu chuỗi khách sạn cao cấp mang thương hiệu Sunrise đạt tiêu chuẩn 5 sao và Star City Hotel đạt tiêu chuẩn 4 sao tại các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Nha Trang, Hội An, Hà Nội, Hạ Long. Ngoài ra, Công ty còn sở hữu 2 thương hiệu thực phẩm uy tín là bánh Givral và kem Tràng Tiền. Năm 2017, OCH đặt ra mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.150 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 28,7 tỷ đồng. Cuối tháng 7 vừa qua, OCH gây bất ngờ nhất sàn HNX khi tăng trần trong cả 5 phiên giao dịch từ ngày 24 đến 28/7/2017 của tuần, điều này đã giúp OCH trở thành cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HNX với hơn 56%.

DAH (Công ty Cổ phần Tập đoàn Khách sạn Đông Á) cũng là một cái tên đáng chú ý khi sở hữu hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và TP. Nha Trang, Khánh Hòa. Công ty còn mở rộng và tham gia vào lĩnh vực tư vấn, thi công xây dựng và kinh doanh thương mại vật liệu xây dựng, bất động sản, siêu thị. Trong suốt 13 năm hoạt động, Công ty đã trải qua 7 lần tăng vốn phục vụ đầu tư và đến nay đạt 342 tỷ đồng vốn điều lệ. 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận của DAH đạt gần 20 tỷ. Do lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn của DAH khá thấp, chỉ 34.2 triệu cổ phiếu, vì vậy EPS đạt 1.100 và PE ở mức 3.7. Thanh khoản của DAH khá đều với mức trung bình hơn 200 nghìn cổ phiếu/phiên.

So với các doanh nghiệp cùng ngành khách sạn đang niêm yết trên sàn chứng khoán thì cổ phiếu VNG (Công ty Cổ phần Du lịch Thành Thành Công) hiện có thanh khoản và tăng trưởng về thị giá tốt nhất. Theo đó, VNG có hoạt động giao dịch tăng mạnh kể từ tháng 5/2017 sau khi VNG chính thức giao dịch thêm hơn 62 triệu cổ phiếu (tăng 5.8 lần so với 13 triệu cổ phiếu) từ tháng 6 và duy trì khá ổn định với mức trung bình 200 nghìn CP/ngày.

Sau khi tăng vốn gần gấp 6 lần từ 130 tỷ đồng lên 752 tỷ, hoạt động của VNG ghi nhận những chuyển biến tích cực về doanh số, lợi nhuận 6 tháng đầu năm đã đạt 76% kế hoạch cả năm. Và theo công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2017, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9 tháng đạt hơn 37,5 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch năm, lợi nhuận riêng Công ty mẹ đạt 10,5 tỷ đồng cũng đã vượt kế hoạch năm. Theo đó, giá cổ phiếu VNG tăng mạnh từ 10.000 đồng lên quanh ngưỡng 15.000 đồng (tăng 50% chỉ trong hơn 2 tháng). Mức giá này phản ánh kết quả kinh doanh tích cực của Công ty và thị trường đang chờ khả năng bứt phá của VNG trong quý 4 năm nay. Hiện nay, VNG có thể xem là cổ phiếu dẫn đầu phân khúc này trên sàn niêm yết. VNG hiện đang sở hữu và mở rộng đầu tư chuỗi khách sạn, nghỉ dưỡng, khu vui chơi tại các trọng điểm du lịch như Phan Thiết, TP.HCM, Đà Lạt, Cần Thơ, Bình Thuận, Ninh Thuận… Và kế hoạch phát triển các Khu vui chơi được xem là lợi thế của VNG, khi đơn vị thành viên là TTC Lâm Đồng đang bắt tay khởi công khu trò chơi Indoor, tập trung các trò chơi giải trí hiện đại, nhiều gian hàng ăn uống, mua sắm... với tổng mức đầu tư dự kiến trên 50 triệu USD.

A.D

Từ khóa:  du lịch
Cùng chuyên mục
XEM