Sở GTVT cấm dịch vụ đi chung, Grab vẫn triển khai Grabshare tại khu vực Hà Nội

26/07/2017 08:00 AM | Kinh doanh

Ưu điểm của loại hình này là chi phí rẻ hơn trong khi thời gian chờ cũng tương tự các dịch vụ khác của Grab

Ngày 18/7/2017, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cấm dịch vụ đi chung xe trên địa bàn thủ đô, với lý do dịch vụ này không có trong kế hoạch triển khai thí điểm lại không có các biện pháp bảo đảm an toàn cho hành khách. Tại thời điểm đó, UberPool vẫn chưa hoạt động và hiện nay cũng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ đi vào hoạt động, trong khi Grabshare vẫn hoạt động bình thường, thậm chí có thêm các chương trình khuyến mãi để lôi kéo khách hàng.

Đặc điểm của Grabshare là chỉ nhận tối đa 2 chuyến trên cùng một hành trình, nên khách hàng không cần quá lo lắng về việc phải di chuyển lòng vòng, tốn nhiều thời gian. Trong khi đó, chi phí cho dịch vụ GrabShare lại thấp hơn tương đối nếu so với dịch vụ GrabCar hay GrabTaxi.

Ví dụ cho quãng đường từ phố Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân, Hà Nội) đến chợ Nhà Xanh (Cầu Giấy, Hà Nội) khách hàng chỉ cần trả 59.000 đồng nếu dùng dịch vụ GrabShare. Tuy nhiên khi chọn GrabCar mức giá này là 78.000 đồng và GrabTaxi vào khoảng 100.000 đồng.

Chị Thanh (Hoàng Mai) cho biết, từ ngày mang thai, chị chuyển sang đi taxi đến chỗ làm cho an toàn. Trước đây chị thường chọn GrabCar nhưng từ khi có GrabShare, chị ưu tiên dịch vụ này hơn do giá rẻ mà thời gian chờ cũng tương đương.

“Trừ khi GrabCar có mã khuyến mại thì mình đi, còn không mình chọn GrabShare. Gọi là đi chung chứ 10 chuyến mới có 1-2 chuyến là ghép, thành ra cũng không khác gì một mình một xe”, chị Thanh giải thích.

Theo một tài xế từ chối tiết lộ tên, GrabShare thường chỉ ghép thành công vào giờ tan tầm, khoảng 4h chiều trở đi, còn bình thường cũng chỉ chở một khách giống GrabCar. Tại thời điểm sở GTVT Hà Nội ra lệnh cấm, anh vẫn chưa nhận được thông báo nào từ phía công ty về việc dừng hoạt động dịch vụ.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã có văn bản yêu cầu Uber và Grab không thực hiện dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng tại Việt Nam. Bộ cho rằng hành khách đã ký giao kết trọn gói cả chuyến xe, không phải là thuê chỗ ngồi với mỗi chuyến xe hợp đồng. Do đó, việc đơn vị vận tải có thêm hợp đồng với nhiều người khác sẽ gây bất tiện cho hành khách.

Tuy nhiên, đại diện Grab Việt Nam khẳng định GrabShare là một tính năng mới và hoàn toàn nằm trong phạm vi của Đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar. Grab vẫn đang làm việc với Bộ GTVT để hoàn thiện phương thức thể hiện của hợp đồng vận tải cho phù hợp hơn với các quy định hiện hành.

Bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam chia sẻ: “Grab hiểu rằng sự có mặt và phát triển của công nghệ đã tạo ra những sự thay đổi lớn trong ngành vận tải và đôi khi gây ra sự bối rối trong việc áp dụng pháp luật. Tuy nhiên không phải vì vậy mà chúng ta hoàn toàn loại bỏ hay kết luận điều đó là trái pháp luật”.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM