So găng các siêu ứng dụng tại Việt Nam: Ai đang giữ ngôi vương?

09/01/2020 10:00 AM | Kinh doanh

Cuộc chiến siêu ứng dụng tại Việt Nam bắt đầu nóng dần trong 2 năm trở lại đây với nhiều cái tên như Grab, Go-Viet, be, Now, Zalo,… Ai cũng có tham vọng và nước cờ của riêng mình nhưng người dùng mới là yếu tố quyết định cuối cùng.

Người ta vẫn hay nói: "Ăn mày ở Trung Quốc cũng có QR Code" để chứng minh thực tế WeChat có mức ảnh hưởng lớn thế nào đến đời sống người dân đại lục. Tại Việt Nam, rất nhiều ứng dụng như Grab, Zalo, Go-Viet, be, Now... cũng đang nhăm nhe cơ hội trở thành siêu ứng dụng tương tự WeChat.

Điểm chung của các ứng dụng này là đều xuất phát từ một dịch vụ cơ bản (gọi xe, nhắn tin, hoặc mạng xã hội), sau đó tích hợp thêm các dịch vụ mới, nhằm tạo nên trải nghiệm liền mạch, thuận tiện cho người dùng.

2 năm vừa qua, câu chuyện siêu ứng dụng bắt đầu được nhắc đến thường xuyên tại Việt Nam. Tuy nhiên, có cái tên đã nổi bật trên thị trường thì cũng có những cái tên mà người dùng phải tự hỏi rồi họ sẽ đi về đâu. Hãy cùng điểm lại khả năng thành công của các siêu ứng dụng này thông qua những dịch vụ cốt lõi mà họ đang triển khai.

Dịch vụ gọi xe

Grab, Go-Viet và be đều bắt đầu từ dịch vụ cốt lõi là gọi xe. Tuy nhiên, Grab đang thành công hơn cả khi là tay chơi tiên phong trong mảng đặt xe công nghệ, và lại là một tay chơi trường vốn.

Nền tảng đặt xe của Grab đã trở thành lựa chọn số 1 của người dân Việt Nam và liên tục đạt được mức tăng trưởng ổn định qua các năm, với số lượng chuyến xe tăng 29% trong năm 2019.

Ngoài ra, theo một báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường độc lập, ABI Research, 6 tháng đầu năm nay, Grab dẫn đầu thị trường với 73% thị phần, theo sau là be với 16% thị phần và Go-Viet với 10%.

Now từng triển khai dịch vụ gọi xe 2 bánh NowMoto cuối năm 2018 tại TPHCM và Hà Nội nhưng cũng nhanh chóng rút lui khi hoạt động chưa đến nửa năm. Trong khi Zalo cũng hướng đến mảng gọi xe 4 bánh Zalo Taxi nhưng đến nay, các dịch vụ này đều biến mất "không kèn không trống".

Dịch vụ giao nhận thức ăn

Xuất phát từ dịch vụ cốt lõi là giao nhân thức ăn, Now đã từng giữ "ngôi vương" ở mảng này trong suốt một thời gian dài cho đến khi nhiều tên tuổi mới xuất hiện. Sự gia nhập của GrabFood, Go-Food, hay tay chơi Hàn Quốc, Baemin, khiến vị trí của Now suy giảm đáng kể.

Hiện chưa có một thống kê cụ thể về thị phần các tên tuổi giao đồ ăn nhưng theo công bố của Kantar hồi tháng 9 vừa qua, GrabFood là nền tảng giao nhận thức ăn được sử dụng thường xuyên nhất tại Việt Nam. Ngoài ra, đây là đơn vị duy nhất đang triển khai mô hình " căn bếp trung tâm" GrabKitchen tính đến thời điểm hiện tại.

Dịch vụ giao hàng

Trong số các dịch vụ giao hàng tức thời hiện nay, GrabExpress đang chứng tỏ là nền tảng tăng trưởng nhanh nhất, với mức tăng trưởng đến 97%.

Nếu Go-Send chưa chen chân được vào mảng giao hàng của các trang thương mại điện tử, beExpress hợp tác với Lazada (trước đó có Adayroi nhưng nền tảng này gần đây đã đóng cửa) thì GrabExpress không chỉ hợp tác với Shopee, Sendo mà còn với VinMart, chuỗi bán lẻ có độ phủ lớn nhất hiện nay.

Thanh toán điện tử

Trong số các nền tảng tham vọng trở thành siêu ứng dụng, be và Go-Viet vẫn chưa có ví điện tử của riêng mình. Còn Grab đã có Moca, Now có AirPay và Zalo có Zalo Pay.

So với ZaloPay và AirPay, năm vừa qua, nhờ những cú chi mạnh tay vào chương trình hoàn tiền cho khách hàng, Moca đã tăng trưởng ấn tượng hơn cả. Theo đó, tổng lượng giao dịch thanh toán qua ví Moca trên ứng dụng Grab tăng 131%, có đến 43% giao dịch trên nền tảng Grab được thực hiện bằng hình thức không tiền mặt.

So găng các siêu ứng dụng tại Việt Nam: Ai đang giữ ngôi vương? - Ảnh 1.

Moca có sự tăng trưởng ấn tượng so với các đối thủ còn lại.

Tính đến ngày 25/12/2019, số ngân hàng liên kết của ZaloPay là 12, AirPay là 18, Moca giữ ngôi "vô địch" với số ngân hàng liên kết là 23 ngân hàng và 1 ngân hàng số. Chưa kể, một điểm cộng của Moca là được tích hợp vào ứng dụng Grab, người dùng có thể sử dụng ngay để thanh toán cho các dịch vụ Grab, thay vì phải tải riêng thêm một ứng dụng chuyên biệt như AirPay hay ZaloPay.

Các mảng dịch vụ khác

Ngoài những mảng dịch vụ chung kể trên, mỗi nền tảng đều tự phát triển theo những định hướng riêng để giữ chân người dùng. Grab hiện đã kết hợp với Agoda và Booking để triển khai đặt phòng khách sạn; Now cho phép khách hàng đặt bàn trước tại các nhà hàng hay các salon làm đẹp.

Zalo và be đều đã bước vào mảng tài chính và cho vay tiêu dùng. Ngoài ra, Zalo cũng là đơn vị duy nhất đang triển khai dịch vụ công trực tuyến và đặt vé xe liên tỉnh.

Tuy nhiên có thể nhận thấy các dịch vụ này chỉ mang tính chất gia tăng lựa chọn và tiện ích cho người dùng chứ chưa thật sự tạo được dấu ấn riêng.

Kết luận

Tại Việt Nam, thị trường đang ở giai đoạn đầu với ‘trăm hoa đua nở’ và từ những nét cơ bản trên, có thể thấy vị trí số 1 đang tạm thời thuộc về Grab, ông lớn đến từ Malaysia.

Sang đến 2020, Grab chắc chắn sẽ cần tiếp tục củng cố vị trí của mình trên con đường trở thành siêu ứng dụng trong khi với be và Go-Viet, vấn đề họ cần giải trước mắt là ổn định đội ngũ nhân sự cấp cao. Tương tự với Now, bài toán ưu tiên sẽ là giữ vững thị phần ở mảng giao đồ ăn trước sự cạnh tranh gắt gao của GrabFood, Go-Food và Baemin.

Zalo có thể không phải suy nghĩ quá nhiều đến những bài toán riêng như be, Go-Viet hay Now nhưng nền tảng này sẽ cần những bước đi thật sự mạnh mẽ nếu muốn đoạt ngôi vị số 1 trong mảng siêu ứng dụng từ Grab.

Ánh Dương

Cùng chuyên mục
XEM