img

Smartphone: “Kẻ sát nhân” lộng hành trên đường phố Mỹ - Ảnh 1.

Smartphone: “Kẻ sát nhân” lộng hành trên đường phố Mỹ - Ảnh 2.

Jennifer Smith không thích thuật ngữ "tai nạn". Nó dường như ẩn chứa quá nhiều rủi ro khách quan và quá ít nguyên nhân chủ quan. Một vụ đâm xe đã khiến mẹ cô thiệt mạng năm 2008 khi bà đi mua thức ăn cho mèo trên một con đường thoãng đáng. Tài xế gây tai nạn, một sinh viên cao đẳng 20 tuổi, đã vượt đèn đỏ trước khi đâm trực diện vào xe bà. Cậu ta đang mải mê nhìn chiếc điện thoại thông minh.

Smartphone: “Kẻ sát nhân” lộng hành trên đường phố Mỹ - Ảnh 3.

Tuy nhiên, trong hồ sơ liên bang, không có gì liên quan tới sự phân tâm hay điện thoại di động trong vụ việc dẫn tới cái chết của người phụ nữ xấu số. Nó giống như 37.262 vụ tai nạn làm chết người khác được lưu trữ trong hồ sơ của Cục Quản lý An toàn giao thông đường bộ quốc gia (NHTSA) trong năm đó.

Ba tháng sau tai nạn, Smith bỏ công việc môi giới bất động sản cô đang làm và thành lập Stopdistractions.org, một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận. Mục đích của Smith là làm cho người ta phải ghi nhận cái chết đau buồn của mẹ cô là một sự việc bất thường. Tuy nhiên, cô đã thất bại. Phải tới 9 năm sau, người Mỹ mới nhận ra những trường hợp tử vong vì sự phân tâm đang trở nên vô cùng nghiêm trọng.

Sau nhiều thập niên giảm số người tử vong vì tai nạn giao thông, hai năm qua, nước Mỹ chứng kiến số vụ tai nạn chết người tăng 14,4%. Chỉ riêng năm 2016, có hơn 100 người Mỹ chết mỗi ngày vì tai nạn giao thông. Con số này nhiều hơn số người Mỹ đói nghèo trong một thập kỷ.

Trong khi đó, các nhà quản lý vẫn loay hoay không biết vì sao số người tử vong vì tai nạn giao thông lại tăng lên đột ngột. Người Mỹ lái xe xa hơn nhưng không quá thường xuyên. Tổng số đoạn đường một người Mỹ đã đi chỉ nhiều hơn 4 km so với năm trước đó. Người ta có đi nhanh và uống nhiều hơn một chút khi lái xe nhưng không đáng kể. Các chuyên gia cũng thừa nhận những con số này không phản ánh vì sao nhiều người chết vì tai nạn.

Smartphone: “Kẻ sát nhân” lộng hành trên đường phố Mỹ - Ảnh 4.

Tuy nhiên, có 3 đầu mối lớn có thể giúp giải đáp câu hỏi. Đầu tiên, tai nạn có thể bắt nguồn từ việc sử dụng điện thoại thông minh khi lái xe. Một trong những điều bạn dễ dàng nhận thấy là số người sử dụng điện thoại thông minh ở Mỹ tăng từ 75% năm 2014 lên 81% trong năm 2016.

Thứ hai là người Mỹ đang ngày càng thay đổi cách dùng điện thoại khi lái xe. Hàng loạt ứng dụng trên điện thoại thông minh, chẳng hạn như Twitter, Facebook và Instagram… khiến thời lượng sử dụng điện thoại tăng lên. Người ta cần chú ý nhiều hơn vào màn hình thay vì đưa nó lên tai và nói chuyện nhưng trong quá khứ.

Cuối cùng, có thể nhận thấy số người tử vong vì tai nạn giao thông chủ yếu là những người đi bộ, đi xe đạp hoặc lái xe máy. Rõ ràng, họ ít gây sự chú ý với lái xe hơn rất nhiều so với một chiếc bán tải nặng hàng tấn. Đặc biệt, khi lái xe mải lướt điện thoại, khả năng quan sát thấy những người đang tham gia giao thông này là rất nhỏ. Năm ngoái, 5.987 người đi bộ chết vì tai nạn giao thông ở Mỹ, tăng gần 1.100 trường hợp so với năm 2014 hay tương đương 22% chỉ trong 2 năm.

Smartphone: “Kẻ sát nhân” lộng hành trên đường phố Mỹ - Ảnh 5.

Các nhà quản lý và lực lượng thực thi pháp luật chắc chắn hiểu được nguy cơ từ điện thoại di động với con người khi họ đang vận hành một cỗ máy. Dù vậy, họ không có bằng chứng để cho thấy nó nguy hiểm ra sao bởi dữ liệu rất khó thu thập. Việc các mạng xã hội mã hóa thông tin càng khiến các nhà quản lý khó kiểm soát hơn bao giờ hết.

Trong bộ số liệu năm 2015 của NHTSA, chỉ có 448 ca tử vong có liên quan tới điện thoại di động, tương đương 1,4% số người chết vì tai nạn giao thông. Theo những số liệu này, số người chết vì lái xe sử dụng rượu bia cao gấp 23 lần số trường hợp tử vong liên quan đến điện thoại mặc dù các nghiên cứu cho thấy nguy cơ tai nạn từ việc sử dụng rượu bia hay dùng điện thoại là tương đương.

Trong khi đó, NHTSA cho biết một nửa trong số các vụ tử vong vì tai nạn năm 2015 khi tài xế đi thẳng trên đường, không băng qua chỗ có đèn giao thông, không đi trong điều kiện mưa bão hay thời tiết bất lợi. Trong khi đó, phần lớn phương tiện bị nạn có kích thước nhỏ hơn một chiếc Honda Accord, trong đó có người đi bộ, đi xe đạp và xe máy. Thậm chí, nhiều người còn đang đi trên vỉa hè. Số nạn nhân tử vong khi đi xe đạp, xe máy và đi bộ cũng tăng mạnh.

Smartphone: “Kẻ sát nhân” lộng hành trên đường phố Mỹ - Ảnh 6.

Trong một nghiên cứu gần đây, Hội đồng An toàn Quốc gia (NSC) phi lợi nhuận nhận thấy chỉ một nửa số vụ tai nạn chết người liên quan đến sử dụng điện thoại di động được ghi nhận trong hồ sơ dữ liệu của NHTSA. Nói cách khác, số liệu của NHTSA về những tai nạn chết người liên quan tới sự phân tâm là quá thấp.

Bên cạnh đó, số liệu của Zendrive Inc., một công ty khởi nghiệp ở San Francisco chuyên phân tích dữ liệu smartphone để phục vụ các hãng bảo hiểm cũng cho thấy một thực tế khác. Theo kết quả khảo sát với 3 triệu người, Zendrive Inc. phát hiện lái xe sử dụng điện thoại di động trong 88% các chuyến đi. Con số thực tế có thể cao hơn bởi Zendrive không thể xác định được các thao tác khi điện thoại được gắn vào giá đỡ cố định trên xe.

Smartphone: “Kẻ sát nhân” lộng hành trên đường phố Mỹ - Ảnh 8.

Hiện nay, một số ứng dụng được tạo ra để ngăn ngừa tình trạng sử dụng điện thoại trong lúc lái xe. Một trong những hệ điều hành iOS mà Apple cho ra mắt gần đây có chức năng chống làm phiền khi người dùng đang lái xe. Tuy nhiên, nó có thể bị qua mặt khi một người liên tục thực hiện các cuộc gọi. Ngoài ra, nếu tài xế không muốn sử dụng nó, phương pháp này chẳng thể phát huy tác dụng.

Smartphone: “Kẻ sát nhân” lộng hành trên đường phố Mỹ - Ảnh 9.

Trước hàng loạt thông tin, NHTSA giải thích số liệu về các trường hợp tử vong liên quan đến điện thoại di động họ thu thập dựa vào số liệu thống kê của từng tiểu bang. Ở mỗi tiểu bang, người ta lại có những phương pháp riêng để xác định nguyên nhân tai nạn. Ngoài ra, mỗi bang lại dựa vào báo cáo của từng thành phố để thống kê tai nạn và không mấy khi cách đánh giá ở những thành phố này giống nhau.

Việc lập hồ sơ được cảnh sát từng khu vực thực hiện và họ thường có những cách làm khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn cảnh sát không được nhắc việc xem xét nguyên nhân phân tâm vì điện thoại khi lái xe. Chỉ có 11 bang sử dụng mẫu báo cáo trong đó nhắc tới nguy cơ tiềm ẩn này. 27 bang khác để một khoảng trống cho cảnh sát ghi chú nguyên nhân khác, có thể là do phân tâm vì điện thoại di động.

Chính mẫu báo cáo này có thể tạo ra sự khác biệt không nhỏ. Tennessee được coi là bang có mẫu báo cáo toàn diện nhất ở Mỹ, trong đó nhắc cả tới việc tài xế mất tập trung vì điện thoại hoặc mải nói chuyện với người khác. Trong 448 vụ tai nạn liên quan đến điện thoại năm 2015 của NHTSA, có tới 84 vụ được ghi nhận ở Tennessee. Điều có có nghĩa một bang với 2% dân số nước Mỹ nhưng có tới 19% số tai nạn chết người liên quan đến lái xe mất tập trung. Đó là sự bất thường.

Christopher Sanchez, cảnh sát trưởng bang Massachusetts – chuyên gia về lái xe bị phân tâm, cho biết, nhiều cảnh sát vẫn tập trung vào việc uống rượu hay sử dụng ma túy khi điều tra nguyên nhân tai nạn. Trong khi đó, việc tìm bằng chứng cho thấy lái xe sử dụng điện thoại lúc tai nạn xảy ra cũng không hề đơn giản.

Hiện tại, việc sử dụng điện thoại khi lái xe bị cấm ở 15 tiểu bang trong khi việc nhắn tin khi lái xe bị cấm ở 47 tiểu bang. Tuy nhiên, việc truy cập hồ sơ dữ liệu sử dụng điện thoại di động đòi hỏi lệnh của tòa án. Thậm chí, ngay cả khi có lệnh, các điều tra viên cũng chẳng có gì nhiều cho thấy tài xế đang gọi điện hay nhắn tin lúc sự cố xảy ra. Luật sư cũng sẽ tranh cãi mạnh mẽ trong trường hợp này thay vì chấp nhận như khi thân chủ của họ sử dụng ma túy hay rượu.

Smartphone: “Kẻ sát nhân” lộng hành trên đường phố Mỹ - Ảnh 11.

Emily Stein cũng mất cha mẹ trong một vụ tai nạn năm 2011 vì người lái xe mất tập trung. Đôi khi, Stein thấy cô tự mình giống một nhà điều tra khi ngồi trước cửa, nhìn xe cộ qua lại trên đường và đếm xem có bao nhiêu người liếc nhìn điện thoại khi lái xe. "Tôi nói với cảnh sát địa phương rằng nếu họ đến nhà tôi ngồi, họ chắc chắn sẽ xử phạt được rất nhiều người", Stein kể lại.

Tuy nhiên, đề xuất của Stein không phải lời giải triệt để cho vấn đề nan giải này, nhất là khi phần lớn các lái xe coi việc dùng điện thoại là bình thường và họ muốn làm việc đó.

Linh Anh
Hương Xuân - 7PM
Theo Trí Thức Trẻ

Trí thức trẻ