Sinh viên ở nước giàu như Nhật Bản cũng phải vay nợ ngập đầu để có tiền đi học

04/01/2017 14:46 PM | Kinh doanh

Việc nợ nần quá mức cũng gây ra không ít hậu quả, nhiều sinh viên phải bỏ ngang con đường học vấn, đi làm những công việc lương thấp và rồi họ không dám lập gia đình, kết hôn bởi quá nghèo.

Trường đại học Waseda tại Tokyo, nơi đào tạo ra vị tỷ phú nổi tiếng nhất nhì nước Nhật, ông Tadashi Yanai, không những chỉ nổi danh về chất lượng đào tạo mà còn nổi tiếng vì có học phí cao nhất nhì nước Nhật. Với 2 năm học thạc sỹ, sinh viên sẽ phải chi trả ít nhất 4 triệu yên (tức khoảng 800 triệu đồng Việt Nam) chỉ riêng cho tiền học phí và các loại chi phí khác.

Ngay cả với người Nhật, con số trên cũng rất cao trong khi học vấn tốt mang đến sự đảm bảo khá quan trọng cho việc làm tốt sau khi ra trường, vì vậy nên nhiều sinh viên đã chấp nhận đi vay để học.

Mỗi tháng, sinh viên Kengo Yagasa vay khoảng 122 nghìn yên, tức khoảng 1.000 USD ngoài số tiền học bổng và tiền làm thêm mà anh có được, bởi mẹ anh không thể có tiền cho anh đi học tại trường Waseda danh tiếng.

“Số tiền tôi vay dồn tích qua mỗi tháng quá lớn. Tôi cảm thấy phát sợ mỗi khi tôi nghĩ về nó. Tôi cứ băn khoăn nghĩ ngợi về việc liệu mình có phải đi làm cả đời chỉ để trả nợ không. Nhưng tôi cũng chẳng còn lựa chọn nào khác”, Yagasa chia sẻ.

Những trường hợp như Yagasa đang trở nên ngày một phổ biến hơn trong xã hội Nhật. Hiện nay số liệu thống kê cho thấy đến hơn nửa sinh viên đại học đang phải vay tiền để đi học. Trong quá khứ, rất hiếm khi sinh viên phải vay tiền học bởi khi đó cha mẹ của họ được sống trong thời kỳ kinh tế Nhật tăng trưởng ổn định, nguồn thu gia đình dồi dào.

Đến thế hệ ngày nay, bậc cha mẹ của sinh viên các trường đa phần từng rất khó khăn trong thời kỳ kinh tế Nhật tăng trưởng giảm tốc, rồi không tăng trưởng trong suốt nhiều thập kỷ, vậy nên việc chi trả học phí cho con đã trở thành gánh nặng.

Tại Nhật, tình trạng sinh viên phải vay tiền để học dù chưa thấm vào đâu so với Mỹ nhưng cũng đang trở nên ngày một phổ biến. Hiện nay, sinh viên Nhật mới vay tổng số 76 tỷ USD trong khi đó con số tương đương tại Mỹ lên đến 1,3 nghìn tỷ USD. Học phí cao và gánh nặng tài chính đồng thời đã vô hình gạt đi cơ hội học tập của hàng trăm nghìn sinh viên quá khó khăn về tài chính. Ngoài ra, nó gây ra nhiều áp lực buộc chính phủ phải tăng quỹ học bổng để giúp có thêm người được học tập.

“Tại Nhật, người trẻ vốn đã ngày một ít dần nhưng chính nhóm nhỏ đó cũng đang rất chật vật để được học được sống trong khi lẽ ra họ phải được tạo điều kiện để sống tự tin, lạc quan và có ích”, chuyên viên tư vấn cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế tại Washington, ông Matthew Goodman, nhận xét.

Trong bản kế hoạch ngân sách mới nhất, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe công bố sẽ dành thêm 7 tỷ yên để cấp học bổng cho sinh viên trong năm tài khóa sắp tới.

“Điều kiện kinh tế của gia đình không nên là yếu tố quyết định tương lai của người trẻ. Nếu người trẻ được hỗ trợ tài chính và chính bản thân người đó cũng cố gắng để trở thành công dân có ích trong tương lai, thực ra việc cho vay tài chính đó chính là khoản đầu tư cho tương lai”, ông Abe tuyên bố trước Quốc hội Nhật. Dù tuyên bố mạnh mẽ vậy, nhưng con số học bổng được tăng thêm được đánh giá còn quá ít so với nhu cầu thực tế.

Dù hệ thống an sinh xã hội đã được cải thiện nhiều, thế nhưng cho đến hiện nay, gánh nặng chi phí y tế vẫn đè nặng lên người trung niên và già tại Nhật. Và cũng chính họ nắm trong tay lá phiếu có quyền thay đổi chính phủ, vì vậy không ngạc nhiên khi chính phủ dành nhiều sự quan tâm hơn đến người già. Hiện nay, số lượng người Nhật trên 75 tuổi cao hơn hẳn so với số người dưới 14 tuổi, xu thế này ngày một phổ biến hơn.

Đến năm 2035, đến hơn 20% dân số sẽ là người trên 75 tuổi trong khi đó chỉ 10% dưới 35 tuổi, theo số liệu của Viện nghiên cứu quốc gia về dân số và an sinh xã hội.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, ngành giáo dục Nhật đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế, bởi đây là ngành đào tạo ra lực lượng lao động lành nghề hiện đang giữ vị trí trụ cột tại hàng loạt tập đoàn lớn như Sony, Toyota và giúp Nhật vươn nhanh vào nhóm nước có công nghệ và hệ thống sản xuất phát triển bậc nhất. Từ năm 1960 đến năm 1980, tỷ lệ người trẻ trên 18 tuổi đi học đại học tăng nhanh lên mức 37% từ con số 10% tổng số người trong tuổi đi học trước đó.

Ngày nay, tỷ lệ người đi học đã lên đến mức 80% tuy nhiên việc có bằng đại học không còn mang đến một sự đảm bảo chắc chắn về công việc tốt cho đến lúc về hưu như trước đây. Còn trong lúc đó, cuộc sống của những người đang cố gắng theo đuổi con đường học vấn quá khó khăn.

Sinh viên Aina Atsuko hiện đang theo học tại trường ở Tokyo. Đến từ một tỉnh nằm khá xa Tokyo, gia đình cũng không mấy khá giả nên cuộc sống của Atsuko thực sự vất vả. Ngoài giờ đi học, cô làm việc tại một tiệm karaoke để kiếm tiền trang trải chi phí và tiết kiệm sau này đi học thạc sỹ.

Việc có trình độ cao hơn hiện cực kỳ quan trọng trong kinh tế Nhật, bởi chính phủ có kế hoạch sử dụng thêm nhiều robot và tự động hóa nhiều hoạt động sản xuất và dịch vụ để giảm bớt gánh nặng từ tình trạng thiếu hụt lao động và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Những tiến bộ khoa học mới như trí tuệ nhân tạo thậm chí có thể thay thế phần lớn công việc lao động chân tay hiện nay, điều đó đồng nghĩa với việc để tồn tại trên thị trường lao động, người ta cần thêm nhiều kiến thức và kỹ năng mới, theo nhận xét của giáo sư Masayuki Kobayashi thuộc đại học Tokyo.

Khi nguồn tài chính từ gia đình ngày một eo hẹp, nhiều sinh viên tìm đến Tổ chức hỗ trợ sinh viên Nhật (JASSO), tổ chức được sự bảo trợ của chính phủ Nhật chuyên hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Sinh viên được vay với lãi suất chỉ từ 1 đến 3%/năm tùy thuộc vào kết quả học tập.

Trong thập kỷ qua, số lượng sinh viên đại học vay tiền từ JASSO tăng đến 51% lên 976 nghìn tính đến tháng 3/2016. Tuy nhiên không phải ai cũng vay được tiền, việc nợ nần quá mức cũng gây ra không ít hậu quả, nhiều sinh viên phải bỏ ngang con đường học vấn, đi làm những công việc lương thấp và rồi họ không dám lập gia đình, kết hôn bởi quá nghèo. Lực lượng lao động của Nhật vốn đã teo nhỏ lại càng sụt giảm hơn trước.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM