Sinh viên mới tốt nghiệp hãy cẩn thận, trí tuệ nhân tạo sẽ cướp việc của các bạn

11/05/2016 20:30 PM | Xã hội

Tốc độ phát triển chóng mặt của trí thông minh nhân tạo đang đẩy nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp trước viễn cảnh "ngồi chơi xơi nước".

Nhu cầu tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp đại học trong các ngành kiểm toán và kế toán được dự báo có thể giảm tới 50% vào năm 2020 do sức cạnh tranh từ trí thông minh nhân tạo. Thông tin này do chính quan chức cấp cao của công ty Ernst & Young (EY) tại Anh, một trong bốn ông lớn ngành kiểm toán thế giới, đưa ra.

Steve Varley, chủ tịch EY, kiêm giám đốc khu vực Liên hiệp Anh và Bắc Ireland trả lời tờ Financial Times rằng: “Theo thời gian, nhu cầu nguồn nhân lực vừa tốt nghiệp của chúng tôi đang giảm xuống đáng kể”. Đây là thách thức không nhỏ cho các bạn mới ra trường nói riêng và thị trường việc làm thế giới nói chung.

Vấn đề lớn không của riêng ai

Bốn công ty kế toàn hàng đầu thế giới gồm EY, PwC, KPWG và Deloitte (Big Four) đều là những doanh nghiệp sử dụng nguồn lao đông vừa tốt nghiệp lớn nhất nước Anh. Nhìn rộng hơn, ngành công nghiệp kế toán, kiểm toán trên thế giới là những nhà tuyển dụng lớn. Vì thế, nếu nhu cầu nguồn nhân lực giảm, hàng ngàn sinh viên vừa tốt nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ thiếu việc làm, phải đối mặt với thách thức không nhỏ sau khi ra trường, thậm chí có thể rơi vào khủng hoảng trầm trọng.

Tờ thời báo tài chính uy tín thế giới Financial Times cho biết, sự gia tăng quá trình tự động hóa và mức độ phát triển chóng mặt của trí thông minh nhân tạo chính là nguyên nhân hàng đầu đẩy các sinh viên đứng trước viễn cảnh thất nghiệp. Công nghệ dần thay thế con người trong các thủ túc giấy tờ đơn thuần, vốn là nơi để những người còn non kinh nghiệm có cơ hội làm quen với công việc, học hỏi thêm và trau dồi kiến thức. Giờ đây, chúng lại bị máy móc cướp đi.

AI cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho thế giới loài người.
AI cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho thế giới loài người.

Đây là câu chuyện đáng lo ngại của không riêng ngành kế toán, kiểm toán mà còn ảnh hưởng tới nhiều thị trường việc làm khác, trong đó bao gồm cả khu vực dịch vụ. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ước tính đến năm 2020, toàn thế giới sẽ mất đi 5 triệu việc làm vào tay robot, dây chuyền tự động hóa và cả AI.

Ngân hàng Citi thì dự báo, 35% việc làm ở Anh có nguy cơ bị thay thế bởi tiến trình tự động hóa, con số này tại Mỹ là 47% và trung bình trên toàn cầu là 57%. Ở Trung Quốc, nguy cơ máy móc thay thế việc làm của con người cao nhất, lên đến 77%.

Đó được coi như một phần của cái gọi là “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Cũng giống như máy móc thay thế nhiều công việc chân tay trong cuộc cách mạng công nghiệp, những tiến bộ về kỹ thuật máy tính cũng sẽ lấy đi không ít việc làm từ những ngành mà trước đây chúng ta nghĩ chỉ với khả năng như con người mới có thể làm được.

WEF ước tính, thế giới mất khoảng 5 triệu việc làm chủ yếu tại các lĩnh vực chuyên biệt như máy tính, toán học, kiến trúc và kỹ thuật (7,1 triệu việc làm bị thay thế nhưng cũng có 2,1 triệu việc làm mới được tạo ra). Những báo cáo mới đây của tờ Financial Times nêu ra một xu thế khác, các nhà tuyển dụng như EY sẽ không còn cậy nhờ vào nguồn nhân lực công nghệ cao từ các công ty như Apple và Google, mà thay vào đó tự tạo lập AI riêng phục vụ nhu cầu của họ.

AI cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho thế giới loài người.
AI cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho thế giới loài người.

Jim Peterson, một chuyên gia kế toán tại Mỹ chia sẻ: “Các công ty sẽ không mặn mà với đội ngũ nhân viên làm các công việc đơn giản, thay vào đó họ cần các chuyên gia máy tính có khả năng tạo ra những thuật toán thông minh thay thế cho những công việc đó”.

Một câu hỏi mang tính toàn cầu là liệu chuyện gì sẽ xảy ra với những người bị mất việc vào tay của AI? Moshe Vardi, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Rice, Texas đã đề cập tới vấn đề này trong một cuộc thảo luận hồi tháng Hai: “Xã hội cần phải đối mặt với thách thức này trước khi nó diễn ra trên diện rộng. Nếu máy móc có khả năng làm hầu hết mọi việc thì con người sẽ làm gì?”

Ngân hàng Citi cũng đặt câu hỏi về bài toán giải quyết tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm gây ra bởi quá trình tự động hóa. Họ cảnh báo, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chưa hẳn đã mang lại tiến bộ cho xã hội như những gì người ta kỳ vọng. Thậm chí, nó còn làm sâu sắc hơn sự bất bình đẳng, thậm chí tạo nên cuộc khủng hoảng thực sự chưa từng thấy.

Theo MinK

Cùng chuyên mục
XEM