Singapore sẽ làm gì để vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại?

14/07/2017 16:13 PM | Xã hội

Chi phí cao khiến đầu tư vào Singapore không còn hấp dẫn như trước. Số liệu của Unctad cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Singapore đã giảm 13% trong năm 2016 xuống còn 62 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Singapore nổi tiếng là quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á cũng như có mức GDP bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc nhà khai sinh ra đất nước, Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời vào năm 2015 đã để lại một lỗ hổng to lớn cho quốc đảo sư tử này.

Chỉ 2 năm sau ngày ông mất, người con trai cả của ông là Thủ tướng Lý Hiển Long đã bị 2 em là Lý Hiển Dương và Lý Vĩ Linh buộc tội không tôn trọng những ước nguyện của người cha quá cố cũng như có động thái dọn đường chính trị cho người con trai kế nhiệm.

Vụ việc này đã thu hút được sự chú ý của dư luận khi liên quan đến người sáng lập đất nước, Thủ tướng đương nhiệm và vợ của ông- bà Hà Tinh, người đứng đầu một quỹ đầu tư. Sở dĩ câu chuyện thu hút được sự chú ý của các chuyên gia trên thế giới không chỉ do tính thời sự hay danh tiếng của ông Lý Quang Diệu mà còn thời điểm nhạy cảm khi Singapore đang mất dần vị thế vốn có của mình.

Singapore sẽ làm gì để vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại? - Ảnh 1.

Tăng trưởng mức lương và năng suất tại Singapore (%)

Niềm tự hào Singapore đang mờ dần?

Kể từ khi dành độc lập vào năm 1965, nền kinh tế Singapore đã có những tiến triển vượt bậc khi biết tận dụng vị trí địa lý thuận lợi của mình là nơi trung chuyển cho tuyến đường biển qua Đông Nam Á. Ngành cảng biển ở đây phát triển đã kéo theo nhiều lợi ích cho nền kinh tế.

 Tiếp theo đó, sự nhạy bén trong mảng tài chính cũng như tư duy chiến lược dài hạn của các nhà lãnh đạo nhằm đi lên quốc gia khởi nghiệp, quốc gia thông minh, kết nối Châu Á với toàn thế giới đã giúp Singapore trở thành cường quốc kinh tế trong khu vực.

Dẫu vậy, mọi chuyện giờ đây đang chuyển biến xấu đi và sự tự tin của người dân Singapore có lẽ đã không còn được như trước.

Trong thời kỳ mà quan điểm bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như xu thế quay đầu của tự do thương mại, toàn cầu hóa đang có dấu hiệu bành trướng, Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng, thì Singapore buộc phải lo lắng xem liệu họ có giữ vững vị thế của mình không và hướng đi nào là thích hợp nhất cho đất nước có diện tích chỉ vào khoảng 719,1 km2 này (Hà Nội có diện tích 3.329 km2).

Cựu ngoại trưởng Kishore Mahbubani thừa nhận rằng sự ra đi của ông Lý Quang Diệu khiến Singapore lâm vào thế khó hơn nhiều so với dự đoán. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có một nhà lãnh đạo nào, kể cả Thủ tướng hiện nay đủ sức thay thế được vai trò của người sáng lập đất nước cả. Danh tiếng, tầm nhìn cũng như thái độ của dân chúng dành cho ông Lý Quang Diệu là hoàn toàn độc nhất.

Singapore sẽ làm gì để vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại? - Ảnh 2.

Bởi vậy, những chính sách mà chính phủ đưa ra cũng như đường hướng phát triển chính trị, kinh tế của Singapore hiện nay sẽ gặp khá nhiều khó khăn so với trước đây.

Mặc dù những chỉ số kinh tế mà ngân hàng trung ương nước này đưa ra không quá tệ với tăng trưởng 3% trong năm nay, tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,2% trong quý I nhưng những dấu hiệu khó khăn đã dần xuất hiện.

Hãng hàng không Singapore Airlines, biểu tượng của sự đổi mới, sang trọng mới công bố thua lỗ trong quý I/2017 do chịu quá nhiều cạnh tranh từ các hãng hàng không giá rẻ. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay mới chỉ có 2 hãng niêm yết lần đầu trên sàn chứng khoán Singapore. Dù cảng biển của Singapore vẫn là nơi đông đúc thứ 2 thế giới nhưng tăng trưởng giao thương qua đây đã đi ngang so với cùng kỳ năm trước.

Tất cả những yếu tố trên phần nào do chịu áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc. Việc lượng lớn khách du lịch Trung Quốc chọn các hãng hàng không nội địa hoặc giá rẻ để bay thẳng đến nơi cần đến thay vì chuyển tiếp qua Singapore khiến ngành hàng không quốc đảo sư tử chịu thiệt hại nặng.

Singapore sẽ làm gì để vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại? - Ảnh 3.

Dân số Singapore (triệu người)

Trong khi đó, những sàn chứng khoán như Hong Kong, Thượng Hải dần thay thế Singapore trở thành nơi niêm yết lý tưởng cho các tập đoàn Châu Á. Nguyên nhân vô cùng dễ hiểu khi người Trung Quốc đang thừa tiền đầu tư.

Về mặt vận tải hàng hải, sự bùng nổ của các cảng biển mới ở Thượng Hải đang đe dọa ngày một lớn đến vị thế trung chuyển của cảng biển Singapore, qua đó khiến tăng trưởng giao thương qua cảng này bị đi ngang.

Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia những dấu hiệu trên cho thấy rủi ro lớn hơn đối với Singapore. Quốc gia này không thể trách Trung Quốc vì họ phát triển hơn. Có chăng, Singapore nên xem xét lại định hướng của mình trong việc cạnh tranh với các thị trường khác.

Khả năng thích nghi đi xuống?

Theo Centennial Group, thách thức lớn nhất hiện nay của Singapore là xem xét lại giá trị của mình, đó là sự kết hợp giữa khả năng cạnh tranh, bao gồm chi phí hoạt động sản xuất cũng như hướng xác định vị thế của mình.

Những đối thủ như Bangkok hay Hong Kong đang được hưởng lợi rất lớn từ việc hội nhập kinh tế, qua đó bắt kịp dần với hướng đi của Singapore. Họ có được lợi thế rất lớn khi biết rút kinh nghiệm từ những sai lầm của người đi trước và áp dụng những lợi thế có sẵn mà Singapore không có, ví dụ như nhân lực.

Singapore sẽ làm gì để vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại? - Ảnh 4.

Giao dịch container qua các cảng biển của Singapore và thượng Hải (triệu container)

Số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy tỷ lệ sinh tại đây thuộc hàng thấp nhất thế giới với 1,2 trẻ/mỗi phụ nữ trong khi chính phủ lại siết chặt quản lý lao động nhập cư, khiến chi phí kinh doanh tại đây đi lên.

Ngân hàng Maybank cho biết những yếu tố này khiến mức tăng trưởng lương chưa điều chỉnh lạm phát vốn hơn 3% năm 2010 giảm xuống chỉ còn khoảng bình quân 0,4% trong 5 năm qua, qua đó tác động đến tăng trưởng năng suất.

Chi phí cao khiến đầu tư vào Singapore không còn hấp dẫn như trước. Số liệu của Unctad cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Singapore đã giảm 13% trong năm 2016 xuống còn 62 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Trong khi đó, chính phủ Singapore lại đang lo lắng chủ nghĩa bảo hộ đang lan tràn trên thế giới hiện nay sẽ ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế bởi 2/3 GDP của nước này đến từ thị trường nước ngoài. Một bản báo cáo vào tháng 2 vừa qua cho thấy việc chống toàn cầu hóa sẽ ảnh hưởng đặc biệt nặng đến những thị trường mở cửa nhưng nhỏ bé như Singapore khi điều kiện tài nguyên, nhân lực kém hơn so với các thị trường khác.

Singapore sẽ làm gì để vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại? - Ảnh 5.

Chi tiêu ngân sách tài khóa năm 2016 (tỷ USD Singapore)

Trong quá khứ, Singapore đã thích nghi được với những thay đổi, biến động của thị trường. Báo cáo của ủy ban phát triển kinh tế Singapore (EDB) cho thấy nước này đã nhanh chóng chuyển từ tập trung sản xuất sáng hóa học và điện tử, phát triển nền công nghệ sinh học hiện chiếm 6% GDP. Việc nhiều người sang Singapore chữa bệnh hiện đã không còn lạ.

Tuy nhiên, sự thay đổi của thế giới luôn quá nhanh và hiện có vẻ Singapore chưa bắt kịp được với xu thế mới.

Hầu hết các cuộc khảo sát đều cho thấy doanh nghiệp và nhà phân tích đang lo lắng lực lượng lao động trong nước không đủ linh hoạt để thích nghi với sự thay đổi trong các ngành như luật, tài chính trước mối đe dọa của trí thông minh nhân tạo.

Công ty tuyển dụng Kerry Consulting nhận định lực lượng lao động ở Singapore rất tuyệt nhưng điểm mạnh của họ là tuân thủ quy tắc, làm việc nhóm tốt cũng như đạo đức nghề nghiệp cao. Trong khi những ngành có nhiều công đoạn có thể tự động hóa được thì sự sáng tạo mới là nhân tố quyết định đảm bảo việc làm.

Singapore sẽ làm gì để vượt qua cơn khủng hoảng hiện tại? - Ảnh 6.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của trường đại học quốc gia Singapore (NUS) cho thấy các công cuộc đổi mới của chính phủ đem lại hiệu quả thấp hơn so với trước đây trong khi những startup được chính phủ đầu tư lại quá dàn trải, không tập trung cũng như tiêu tốn nhiều thời gian để cho ra kết quả.

Nói như vậy không có nghĩa mọi chuyện đều xấu. Hệ thống giáo dục hiệu quả, hệ thống chính trị ổn định và văn hóa làm việc chuyên nghiệp khiến Singapore vẫn thu hút được nhiều lao động và doanh nghiệp đến đây kinh doanh.

Mức thuế thấp, lãi suất thấp, thủ tục hành chính nhanh chóng, hệ thống sơ sở hạ tầng tốt và chất lượng cuộc sống đảm bảo là một loạt những yếu tố khiến Singapore còn giữ được vị thế của mình cho đến ngày này. Trong khi đó, hàng loạt những vụ bê bối kinh tế tại Malaysia, Indonesia và khủng bố tại Philippines đang khiến Singapore trở thành điểm sáng hơn bao giờ hết tại Đông Nam Á.

Mặc dù vậy, cuộc kiện tụng của anh em nhà Thủ tướng Lý đang khiến hình ảnh ổn định này xấu đi. Thủ tướng Lý hiện nay nhận được sự ủng hộ lớn của người dân trong cuộc bầu cử năm 2004 đã có nhiều đóng góp cho nền kinh tế Singapore nhưng cũng hứng chịu nhiều chỉ trích từ cử tri khi giá nhà tăng quá mạnh, sự quá tải trong hệ thống giao thông cũng như tình hình lao động nhập cư phức tạp.

Với làn sóng nhập cư ồ ạt, hệ thống cơ sở hạ tầng của Singapore hiện nay có dấu hiệu xuống dốc hơn so với trước và chính điều này đã làm một bộ phận không nhỏ cử tri bất bình.

BT

Cùng chuyên mục
XEM