"Siêu vaccine" đang được Nhật Bản nghiên cứu: Kỳ vọng "1 mũi tên trúng nhiều virus corona" có khả thi?

13/10/2021 10:01 AM | Xã hội

Các nhà khoa học Nhật Bản đang phát triển một loại "siêu vaccine" với kỳ vọng có thể giúp phòng ngừa tất cả các chủng virus corona, trong đó có virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Theo The National News (UAE), do một số loại vaccine hiện có được cho là có hiệu quả kém hơn trong phòng chống các biến thể mới của SARS-CoV-2 , các nhà nghiên cứu đang đặt mục tiêu phát triển một loại vaccine có thể áp dụng rộng rãi hơn.

Nếu thành công, loại vaccine này có thể được sử dụng để ngăn chặn các đại dịch mới do virus corona trong tương lai.

Theo bài báo khoa học trên Tạp chí Y học Thực nghiệm, phương pháp sản xuất vaccine đang được các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu liên quan đến các protein được áp dụng kỹ thuật biến đổi gen từ virus SARS-CoV-2.

Trọng tâm của nghiên cứu là protein gai của virus, bao gồm vùng liên kết thụ thể bám vào thụ thể trên tế bào người được gọi là ACE2. Sau khi protein gai gắn vào ACE2, virus sẽ xâm nhập vào tế bào và nhân bản.

Một phần của vùng liên kết thụ thể, được gọi là vùng đầu, thường có đặc tính riêng, nhưng ngược lại, vùng lõi ở nhiều virus corona có nhiều điểm tương đồng.

Khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng thường được tạo ra nhờ sản sinh các kháng thể chống lại "vùng đầu" của virus, khiến một vaccine chỉ có khả năng bảo vệ đối với một loại virus corona cụ thể.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu tại Đại học Osaka, Nhật Bản đã biến đổi gen vùng liên kết thụ thể của protein gai để các phân tử đường gắn vào vùng đầu.

Thí nghiệm trên chuột bạch cho thấy những cá thể được tiêm loại protein được áp dụng kỹ thuật biến đổi gen này sản sinh tỷ lệ kháng thể chống lại vùng lõi lớn hơn - thay vì vùng đầu như thường lệ.

Các nhà khoa học gọi đây là kháng thể trung hòa, và trong các thử nghiệm, chúng được phát hiện có khả năng vô hiệu hóa không chỉ virus SARS-CoV-2 mà còn cả virus SARS-CoV-1 từng là nguyên nhân khiến dịch SARS bùng phát năm năm 2002.

Các kháng thể trung hòa cũng có hiệu quả chống lại 3 loại virus corona tương tự ở tê tê và dơi, đây là một phát hiện quan trọng vì virus corona hiện được tìm thấy ở một số loài động vật, và có nguy cơ tiếp tục lây nhiễm sang người trong tương lai.

"Các đại dịch trước đây như Sars-CoV-1 và Mers-CoV đã xảy ra do virus corona lây từ động vật sang người, do đó nguy cơ xuất hiện các loại virus tương tự trong tương lai là một mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu, ngay cả khi chúng ta đã có những loại vaccine hiệu quả trong thời điểm hiện tại", Giáo sư Tomohiro Kurosaki, từ Đại học Osaka, Nhật Bản, cho biết.

Thế giới có thể đối phó với các biển thể bằng cách nâng cấp vaccine hiện có, nhung việc sản xuất chúng cần thời gian và sau đó lại phải triển khai chiến dịch tiêm chủng, do đó vaccine ngừa đa chủng loại virus corona sẽ được ưa chuộng hơn.

Trong khi các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản tập trung vào các kháng nguyên phổ biến với các loại virus corona khác nhau, thì các nhà nghiên cứu ở Mỹ cũng đang nghiên một cách tiếp cận khác và thử nghiệm trên chuột.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 2, các nhà khoa học Mỹ cho biết các cá thể chuột bạch đã sản sinh miễn dịch chống lại một loạt các virus corona bằng loại "vaccine khảm" được họ tạo ra từ nhiều kháng nguyên.

Trước những thách thức như đảm bảo khả năng miễn dịch đủ bền và đủ rộng để đối phó với các bệnh mới, các nhà khoa học dự đoán rằng có thể sẽ mất vài năm để phát triển một loại vaccine virus corona phổ quát.

Tiến sĩ Andrew Freedman, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Cardiff (Anh) cho biết mặc dù ông chưa phân tích nghiên cứu mới nhất trên chuột, việc phát triển một loại vaccine phổ quát là hy vọng "thực tế".

"Gần như chắc chắn có khả năng miễn dịch chéo", ông nói.

Tuy nhiên, bình luận về nghiên cứu mới nhất được thí nghiệm trên chuột, Tiến sĩ Freedman lưu ý rằng "sẽ còn một chặng đường dài phía trước" trước khi một biện pháp bảo vệ trên diện rộng như vậy có thể được áp dụng ở người.

Bách Tùng

Từ khóa:  nhà khoa học
Cùng chuyên mục
XEM