Siêu ủy ban 5 triệu tỷ: Không có lợi ích nào hơn lợi ích quốc gia

31/05/2016 11:36 AM | Kinh tế vĩ mô

Một Ủy ban chuyên trách thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu DNNN có thể được thành lập trong quý III/2016 tới đây và được học tập mô hình của Trung Quốc và Singapore. Đây là cơ quan Nhà nước nhưng không phải cơ quan quản lý Nhà nước.

Đó là thông tin được TS. Nguyễn Đình Cung , Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem) đưa ra khi trao đổi với chúng tôi về việc thành lập cơ quan quản lý vốn Nhà nước theo chủ trương đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo số liệu năm 2014 của gần 800 DN mà nhà nước nắm 100% vốn, CIEM cho biết, tổng tài sản của số DN này lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Nếu tính toàn bộ các DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và trên 50% vốn thì con số này lên đến 5 triệu tỷ đồng. Con số “khổng lồ” này, theo ông Cung, tính theo giá thị trường lớn hơn rất nhiều.

Thưa ông, sự khác biệt của mô hình cơ quan chuyên trách là gì và có thể giải quyết những bất cập hiện nay trong quản lý DNNN , đặc biệt trong tái cơ cấu và cổ phần hóa DNNN?

Việc bàn luận và thành lập một cơ quan chuyên trách là thực hiện theo kết luận của Đại hội lần XII nhằm thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước. Việc thành lập cơ quan này nhằm ba mục tiêu:

Thứ nhất là tránh xung đột lợi ích trong việc thực hiện các chức năng của Nhà nước, từ đó tách các chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước ra khỏi chức năng làm chính sách và chức năng điều tiết thị trường.

Ba chức năng đều là của nhà nước nhưng khi thực hiện, tập trung vào một Bộ thì xung đột về mặt lợi ích, dẫn tới một môi trường kinh doanh không công bằng, không bình đẳng, thiếu cạnh tranh và tạo ra sự méo mó của thị trường. Từ đó, việc phân bố nguồn lực méo mó và nền kinh tế kém hiệu quả, kém năng lực cạnh.

Thứ hai,cơ quan chủ sở hữu vốn và tài sản Nhà nước nhằm thực hiện chức năng của người đầu tư, nhà đầu tư nên phải chuyên trách, chuyên nghiệp, với vai trò của người đầu tư chứ không phải là vai trò của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước.

Thứ ba, khi tập trung về một đầu mối thì sẽ đánh giá đầy đủ là có bao tiền, bao tài sản một cách rõ ràng, từ đó tập trung nguồn lực. Theo đó, việc sử dụng nguồn lực này sẽ hiệu quả hơn để phục vụ mục tiêu chiến lược của nền kinh tế chứ không phân tán nhiều nơi, nhiều cấp như hiện nay.

Một cơ quan cũng sẽ tạo ra động lực nhanh hơn, mạnh hơn trong tái cơ cấu DNNN hơn là để phân tán nhiều bộ. Bởi hiện nay mỗi bộ có quyền hành riêng và sẽ chậm hơn trong cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN.

Thứ tư, đồng ý là sẽ đảm bảo hoạt động cho DNNN, nhưng yêu cầu đặt ra là DNNN phải minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình, công bằng và đảm bảo tính trung lập của nền kinh tế, không làm méo mó thị trường.

Do đó, cần phải tách biệt chức năng chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý Nhà nước khác, thành lập cơ quan có chức năng chuyên trách để thực hiện quyền sở hữu này. Đó là yêu cầu của hội nhập, cũng là yêu cầu nội tại của việc thúc đẩy cải cách kinh tế, thay đổi vai trò của Nhà nước, thay đổi cách thực thực hiện chức năng nhiệm vụ của Nhà nước.

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là xử lý vấn đề lợi ích nhóm khi thành lập ủy ban này, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Không có lợi ích nào hơn lợi ích quốc gia, việc này chính là cải cách, là sự sắp xếp bộ máy, thay đổi cơ cấu quyền lợi của nhiều cơ quan Nhà nước. Vì vậy những người mất chức năng nhiệm vụ trong việc thực hiện quyền sở hữu Nhà nước, có thể đồng ý bên ngoài nhưng bên trong không đồng ý và biện nhiều lý do.

Nhưng hiện nay Nghị quyết của Đảng đã có và Chính Phủ đã có kế hoạch để thực hiện chủ trương này. Quan trọng giờ là chúng ta hành động, phải làm. Thời hạn là quý III năm nay sẽ thành lập cơ quan chuyên trách, với mô hình học hỏi từ Trung Quốc và Singapore.

Trong quá trình làm đương nhiên có vấn đề khó khăn nhưng không vì thế mà dừng lại. Việc đóng góp của chuyên gia, công chúng và các bên có liên quan là rất quan trọng. Nếu vì lợi ích quốc gia thì không có gì không vượt qua được.

Bên cạnh lợi ích nhóm thì có khó khăn hay rào cản pháp lý nào không, thưa ông?

Có lẽ là tư duy, đây là cơ quan Nhà nước nhưng không phải cơ quan quản lý Nhà nước, mang nặng tính kinh doanh đầu tư vốn Nhà nước. Do đó, thiết kế bộ máy của cơ quan này phải giống như một công ty, chứ không phải một cơ quan quản lý Nhà nước. Kỹ năng và kiến thức, công cụ thực hiện của những cơ quan này không phải là hành chính Nhà nước.

Điều cuối cùng là tiêu chí, cách thức đánh giá và hoàn thành, từ đó trả lương và trả thưởng theo mức như người đầu tư kinh doanh trong các doanh nghiệp chứ không phải lấy chế độ công chức. Lương thì không nên có giới hạn mà phụ thuộc vào kết quả hoạt động.

Theo ông có nên lo ngại về sự lạm quyền của cơ quan chuyên trách này hay không?

Tài sản và nguồn vốn của DNNN là một khối lượng vốn, tài sản có giá trị lớn nên việc thành lập cơ quan này sẽ tăng hiệu quả sử dụng vốn. Chúng tôi nhìn đây như tiềm năng, dư địa cần cho thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn 2016 – 2020, bởi chỉ cần tăng 1% hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, thì ta đạt được tăng trưởng 8%, so với mức 6,5% như hiện nay, đó là khu vực mà ta có nhiều tiềm năng nhưng lại sử dụng kém.

Rõ ràng, bất cứ ai có quyền đều lạm quyền nên cần thiết là phải lập thể chế giám sát cả bên trong và bên ngoài, bên trên và bên dưới. Do đó, báo chí, cơ quan truyền thông và chuyên gia là những bên giám sát hiệu quả. Phải cung cấp thông tin, công khai và mịnh bạch, mục tiêu năm nay là gì, làm gì để đạt được điều đó, đánh giá hiệu quả thế nào và công bố thông tin, từ đó đối chiếu xem có đạt được điều đó hay không?

Theo An Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM