“Siêu lừa” Pháp hé lộ vài chiêu rửa tiền kinh điển tại Trung Quốc

13/04/2016 10:38 AM | Kinh tế vĩ mô

Sau buổi phỏng vấn với “siêu lừa” về các hình thức rửa tiền tại Trung Quốc, hãng tin AP khẳng định quốc gia Đông Á này trở thành thiên đường rửa tiền mới của tội phạm quốc tế

Mang hai quốc tịch Pháp-Israel và nổi tiếng với biệt danh “tổng giám đốc rởm”, Gilbert Chikli nằm trên đống vàng, nhờ tiền lừa đảo từ các tập đoàn lớn nhất thế giới, như Accenture, Disney, Americain Express…

Sau buổi phỏng vấn với “siêu lừa” về các hình thức rửa tiền tại Trung Quốc, hãng tin AP khẳng định quốc gia Đông Á này trở thành thiên đường rửa tiền mới của tội phạm quốc tế, RFI thuật lại.

Chỉ trong vòng hai năm, tổng số tiền lừa đảo riêng tại Pháp của “siêu lừa” lên tới hơn 6 tỉ euro, trong đó, theo thông tin của FBI, có ít nhất 1,8 tỉ đô la từ các doanh nghiệp Pháp.

Chỉ cần nhấc điện thoại tự xưng là “tổng giám đốc” và kịch bản được lên sẵn, Gilbert Chikli như thôi miên được con mồi thực hiện theo đúng yêu cầu của mình để chuyển tiền vào các tài khoản ở nước ngoài.

Năm 2015, “siêu lừa” bị kết án vắng mặt tại Pháp 7 năm tù nhưng hiện vẫn sống nhởn nhơ ở Israel do hai nước không có hiệp ước dẫn độ song phương.

Tuồn số tiền lừa đảo khổng lồ ra nước ngoài mới là khó khăn thật sự của Gilbert Chikli. Hàng loạt quy định ngân hàng mới ngày càng chặt chẽ khiến những kẻ lừa đảo không thể chuyển tiền bất hợp pháp vào tài khoản.

Thế nhưng, giống như Gilbert Chikli, họ đã tìm thấy kẽ hở và điểm yếu của hệ thống tài chính thế giới tại Trung Quốc, nơi tình trạng mạng lưới tài chính ngầm đã tồn tại từ hơn 1.000 năm nay.

Rửa tiền không còn là vấn đề nội bộ Trung Quốc

Theo RFI, từ lâu, tiền bẩn được rửa khắp Trung Quốc, nhưng thường được cho là vấn đề nội bộ. Hiện giờ, nhiều bằng chứng cho thấy tội phạm nước ngoài đang cầu viện tới các mạng lưới vững chắc và tinh vi của Trung Quốc để chuyển tiền bất hợp pháp.

Tổ chức Global Financial Integrity ở Washington xếp Trung Quốc là nước xuất khẩu tiền bẩn lớn nhất thế giới.

John Cassara, một cựu tình báo tài chính làm việc tại bộ Tài Chính Mỹ, nhận xét: "Dù đi bất kỳ đâu trên thế giới, ở đó có Trung Quốc và ngày càng rõ nét.

Lẽ thường, người Trung Quốc mang theo luôn mạng lưới tài chính của mình, cả hệ thống “nổi” lẫn hệ thống “ngầm”. Hệ thống ngầm nằm hoàn toàn ngoài tầm theo dõi và không ai biết đến chúng".

Thế nhưng, Gilbert Chikli lại biết rõ! Thậm chí, “vua lừa đảo” còn có tầm nhìn xa khi bắt đầu rửa tiền tại Trung Quốc vào năm 2000, trước khi quốc gia này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization).

90% số tiền lừa đảo của “tổng giám đốc rởm” được chuyển tới Trung Quốc và Hồng Kông để đầu tư vào các lĩnh vực thương mại và tài chính hợp pháp trong vùng.

Gilbert Chikli nhận xét với phóng viên của AP: "Trung Quốc trở thành cửa ngõ quốc tế để rửa tiền bẩn từ các loại hình lừa đảo. Vì Trung Quốc ngày nay là một cường quốc và không quan tâm tới các nước láng giềng". Trung Quốc là bàn đạp để đưa tiền ra khỏi đó. Và chẳng có gì là bí mật cả!

Rửa tiền bằng xuất-nhập khẩu và “tiền bay”

Phương pháp mà “siêu lừa” người Pháp-Israel chuộng nhất, lần đầu tiên được tiết lộ chi tiết cho AP, là sử dụng hình thức xuất-nhập khẩu. Đây cũng là cách rửa tiền khiến chính quyền Mỹ đau đầu nhất vì thường được các băng đảng tội phạm sử dụng. Công ty ma của kẻ lừa đảo mua hàng tại Trung Quốc để xuất khẩu sang nước thứ ba.

Hóa đơn mua hàng sẽ được nâng giá khống và người bán Trung Quốc được hưởng hoa hồng. Như vậy, công ty ma có hóa đơn chính đáng cho phép chuyển tiền về nước, sau khi bán vài mặt hàng nhập từ Trung Quốc ở nước thứ ba.

Trong vài năm gần đây, hình thức xuất-nhập khẩu và hệ thống tài chính ngầm cũng được giới nhà giàu Trung Quốc sử dụng để tẩu tán tiền ra nước ngoài trong bối cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kiến quyết thực hiện chính sách “đả hổ diệt ruồi” và nền kinh tế Trung Quốc bị chững lại.

Dù đã áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, khoản tiền kỉ lục 711 tỉ đô la đã được tuồn ra khỏi Trung Quốc vào năm 2015, đó là chưa kể tới các khoản đầu tư nước ngoài, theo thẩm định của Fitch Ratings.

Phần lớn số tiền trên được chuyển ra nước ngoài một cách bất hợp pháp. Các doanh nghiệp dùng thủ đoạn hạ giá trị hàng xuất khẩu và nâng giá trị hàng nhập khẩu để chuyển tiền ra nước ngoài.

Kiểu “tiền bay” (tiền đổi tiền) và mạng lưới “ngân hàng” ngầm cũng giúp giới nhà giàu Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài, nhiều hơn mức giới hạn 50.000 đô la mỗi năm. “Tiền bay” là một phương pháp rửa tiền rất phổ biến. Theo tài liệu của tình báo phương Tây, hình thức này có thể xuất phát từ khu phố Sentier chuyên về may mặc nằm ở quận 2 Paris (Pháp), nơi “vua lừa đảo” từng sinh sống.

Dần dần hệ thống rửa tiền giữa người nhập cư Trung Quốc và mạng lưới lừa đảo Israel trở nên bài bản đến mức nhiều người nhập cư cho rằng đó là " phương pháp nhanh nhất, an toàn nhất và tin cậy nhất cho thương gia Hoa kiều chuyển tiền về Trung Quốc ".

Ông Igor Angelini, đứng đầu cơ quan tình báo tài chính của Europol, nhận xét với phóng viên của AP: "Tội phạm nước ngoài kiểu “giám đốc rởm” thường gửi tiền lừa đảo tới Trung Quốc vì các nhóm tội phạm Trung Quốc tại châu Âu đưa lại tiền mặt cho họ. Quy mô của hiện tượng này là khá lớn ".

Người nhập cư Trung Quốc đưa tiền mặt của họ cho một nhà môi giới trong cộng đồng người Hoa tại Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bỉ và Đức và ghi rõ tên tuổi và địa chỉ muốn gửi đến tại Trung Quốc. Nhà môi giới này cung cấp cho những kẻ lừa đảo Israel số tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc để chúng chuyển trực tiếp tiền bẩn vào đó.

Khi nhà trung gian Trung Quốc chắc chắn đã nhận tiền vào tài khoản, họ sẽ trả lại tiền mặt cho đối tác làm ăn Israel. Người Israel nhận tiền euro tại châu Âu, còn người Trung Quốc nhận nhân dân tệ tại Trung Quốc.

Theo Thu Hằng

Cùng chuyên mục
XEM