Siêu dự án Dung Quất đi vào hoạt động, Hòa Phát sẽ giải bài toán đầu ra thế nào?

13/12/2018 16:01 PM | Kinh doanh

Với sản lượng tăng thêm 2 triệu tấn khi nhà máy Dung Quất hoàn thành thì công tác bán hàng sẽ là một thách thức không hề nhỏ đối với ban lãnh đạo Hòa Phát trong bối cảnh thị trường thép đang có nhiều yếu tố bất lợi.

Với công suất hơn 2 triệu tấn sản phẩm mỗi năm, việc hoàn thành dự án Dung Quất sẽ tăng công suất của Hòa Phát 70% lên 5,1 triệu tấn và doanh thu có thể đạt 70.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn những "lo âu" về đầu ra khi một nhà máy với công suất lớn nhất nước đi vào hoạt động trong điều kiện thị trường bất động sản đang chững lại và đầu tư công cho cơ sở hạ tầng đang chậm lại.

Trong bối cảnh như vậy, Công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết, một hướng đi mới được Hòa Phát đề cập chính là việc đẩy nhanh mở rộng thị phần ở nước ngoài.

Từ trước đến nay, phần lớn sản phẩm chỉ tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu chỉ chiếm một phần nhỏ. Trong 10 tháng 2018, tổng sản lượng xuất khẩu của Hòa Phát là 200 nghìn tấn, chỉ chiếm khoảng 8% tổng sản lượng thép bán ra. Với nhiệm vụ tăng cường năng lực xuất khẩu, Hòa Phát đã chọn Campuchia là thị trường ưu tiên hàng đầu cho hoạt động xuất khẩu từ năm 2019 và đã hoàn tất việc mở văn phòng đại diện ở đây.

Thị trường Campuchia gây được sự chú ý đối với ban lãnh dạo tập đoàn Hòa Phát nhờ vào sự tăng trưởng nhanh chóng của các dự án xây dựng. Năm 2017, tổng giá trị các dự án xây dựng được phê duyệt ở Campuchia đạt mức 6 tỷ USD, tăng 22% so với năm trước đó. Một lợi thế khác của thị trường Campuchia đối với các công ty thép Việt Nam đó chính là vị trí địa lý gần gũi giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh của thép Việt tại đây. Với vị trí thuận lợi, các sản phẩm thép của Viêt Nam có thể vận chuyển tới Campuchia bằng nhiều con đường như vận tải đường bộ, đường sông hoặc đường biển.

Các nhà máy thép của Campuchia hiện tại chỉ đáp ứng 10% trong tổng nhu cầu lên tới hơn 2 triệu tấn một năm, vì thế, nguồn thép cung cấp chủ yếu cho thị trường này đến từ Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan. Hiện tại, Việt Nam đang là nước xuất khẩu thép lớn nhất vào Campuchia với thị phần lên tới 50% và mục tiêu của Hòa Phát là sẽ chiếm một tỷ trọng lớn trong cơ cấu này với tuyên bố của ngài chủ tịch Hòa Phát rằng trong năm 2019, Hòa Phát sẽ xuất khẩu tối thiểu 400 nghìn tấn thép.

Tổng quan tình hình xuất khẩu thép của Việt Nam tới Campuchia từ 2009 cho thấy một xu hướng tăng, đặc biệt, chỉ trong 10 tháng 2018, lượng thép xuất khẩu qua Campuchia tăng đột biến với giá trị ở mức kỷ lục từ trước đến nay. Với tiềm năng của thị trường này và khả năng cạnh tranh của Hòa Phát với các doanh nghiệp khác, Rồng Việt cho rằng Hòa Phát có thể thực hiện được mục tiêu đề ra.

Siêu dự án Dung Quất đi vào hoạt động, Hòa Phát sẽ giải bài toán đầu ra thế nào? - Ảnh 1.

Ngoài kênh xuất khẩu thì thị trường trong nước, cụ thể là ở miền Nam, cũng là một thị trường mà Hòa Phát nhắm tới trong việc tiêu thụ thép từ Dung Quất. Động thái rõ nét cho việc chuẩn bị thâm nhập thị trường Miền Nam là việc Hòa Phát đã xây dựng xong một cảng tại Đồng Nai để tiếp nhận thép từ Dung Quất.

Theo Rồng Việt, Miền Nam là khu vực đóng góp lớn nhất vào sự phát triển chung của nền kinh tế, tuy vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép ở đây đều có quy mô khá nhỏ và không doanh nghiệp nào tạo được ưu thế cạnh tranh vượt trội. Việc đa phần các doanh nghiệp ở đây sử dụng lò điện (EAF) cũng là một yếu tố bất lợi về giá thành với doanh nghiệp sản xuất thép dung lò cao (BOF) như Hòa Phát. Đây là sự khác biệt khiến biên gộp của Hòa Phát rất cao, trên 24%, tạo ra dư địa lớn cho HPG trong các chính sách chiết khấu giá.

Ngoài ra, các cảng tiếp nhận tàu trọng tải lớn cũng giúp Hòa Phát tiết giảm chi phí vận chuyển càng khiến sản phẩm của Hòa Phát thêm tính cạnh tranh với các đối thủ ở miền Nam. Theo thống kê, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tại thị trường miền nam trong 10 tháng 2018 vào khoảng 2,48 triệu tấn và Hòa Phát chỉ mới chiếm 6,9% thị phần tại khu vực này, tương đương với sản lượng 171 nghìn tấn. Với mục tiêu thâm nhập mạnh hơn nữa, hứa hẹn thị phần thép tại thị trường miền Nam của Hòa Phát sẽ có nhiều thay đổi khi dự án Dung Quất đi vào hoạt động.

Siêu dự án Dung Quất đi vào hoạt động, Hòa Phát sẽ giải bài toán đầu ra thế nào? - Ảnh 2.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM