Shark Việt và tỷ phú Richard Branson có chung quan điểm này về khởi nghiệp, ai cũng nên học theo

20/10/2018 09:22 AM | Kinh doanh

Không chỉ trên truyền hình, trong các chương trình giao lưu, shark Việt cũng nhận được nhiều chú ý với những chia sẻ thẳng thắn, dí dỏm với cộng đồng khởi nghiệp.

5 nguyên tắc khởi nghiệp của shark Việt

Dù chỉ xuất hiện trong 4 tập chương trình Thương vụ bạc tỷ, Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Intracom vẫn được nhiều khán giả yêu mến nhờ phong cách đầu tư "vào phút chót" và những nhận định vừa chân thực, vừa hài hước.

Shark Việt cũng là cá mập cam kết rót tiền nhiều nhất trên truyền hình trong mùa 2 với hơn 47 tỷ đồng. Đặc biệt thương vụ đầu tư chung cùng shark Linh vào startup bảo hộ lao động CDTS đã thẩm định xong chỉ trong vòng 100 ngày.

Không chỉ trên truyền hình, trong các chương trình giao lưu, shark Việt cũng nhận được nhiều chú ý với những chia sẻ thẳng thắn, dí dỏm với cộng đồng khởi nghiệp. Theo vị shark này, có 5 bí quyết khởi nghiệp mà ai muốn theo đuổi đều nên ghi nhớ.

Nguyên tắc đứng đầu: Chữ tín là số 1

"Nếu chúng ta không có chữ tín thì không làm cho ai được", chủ tịch Intracom khẳng định. Ông lấy ví dụ đơn giản giả sử ông hợp tác cùng shark Phú nhưng không giữ chữ tín, "chỉ được cái bốc phét chém gió thôi". Hoặc "ông ý chơi tôi 1 phát", shark Việt giả định nhận xét của shark Phú nếu mình không giữ chữ tín.

"Thế thì tôi vĩnh viễn không vào được hệ sinh thái của anh Phú được nữa", shark Việt đưa ra hậu quả.

Vì vậy doanh nhân này khuyên người khởi nghiệp phải giữ chữ tín. Bởi con người có thể thành công, có thể thất bại nhưng đừng làm thằng hèn, đừng mất uy tín.

Ông cũng tự tin khẳng định bí quyết thành công của mình nằm ở chữ tín. Thậm chí có những lời hứa 10 năm với người khác ông vẫn quyết làm bằng được.

"Thế mới có bạn bè, có đồng nghiệp, người trung thành. Vì lợi quên nghĩa thì không làm nên việc được", shark Việt khẳng định.

Nguyên tắc thứ 2: Làm nhỏ

"Thực ra có câu chuyện ta phải nói rõ với nhau. Tự ta phải khởi nghiệp những cái gì là sở trường của mình. Cái thứ 2 là đừng tham to. Thuyền to thì sóng lớn. Các bạn khởi nghiệp chưa gì đã muốn là Phù Đổng Thiên Vương rồi. Không nên như thế", shark Việt chia sẻ.

Theo ông, thực trạng doanh nghiệp ở Đông Nam Á và đặc biệt ở Việt Nam hiện nay là mô hình rất nhiều người. Trong khi đó ở châu Âu, Nhật có những doanh nghiệp phụ trợ chỉ vài người, họ làm từ đời này qua đời khác.

"Ta hãy làm vừa phải và tăng trưởng có tốc độ vừa phải, đừng tăng trưởng nóng rồi không quản lý nổi", shark Việt nhắn gửi người khởi nghiệp.

Nguyên tắc tiếp theo được chủ tịch Intracom đề cập là Lấy lợi thế của mình làm chủ đạo. Cũng từ quan điểm làm nhỏ, nguyên tắc thứ 4 với shark Việt chính là Đừng nghĩ phải làm to mới được. Ông lấy ví dụ từ Samsung có ý nghĩa làm phải lớn nhưng trên thế giới này chỉ có 1 Samsung mà thôi và rất khó bắt chước.

Nguyên tắc thứ 5 được shark Việt lưu ý là Suy nghĩ khác biệt, tư duy khác biệt. Chứng minh cho luận điểm này, chủ tịch Intracom cho biết mình không thích đầu tư bất động sản ở trung tâm. Ông luôn tâm niệm đi ngược đám đông. Đơn cử như khi người ta đổ xô vào phố vào giờ cao điểm shark Việt cho rằng mình nên đi ra ngoài và ngược lại.

Shark Việt và tỷ phú Richard Branson có chung quan điểm này về khởi nghiệp, ai cũng nên học theo - Ảnh 1.

Nhỏ và tập trung

Quan điểm nhỏ và lấy lợi thế làm chủ đạo của shark Việt khá tương đồng với nhận định của tỷ phú Richard Branson. Trong cuốn hồi ký của mình, nhà sáng lập tập đoàn Virgin cho rằng một sai lầm của người khởi nghiệp là thiếu tập trung. Nếu công ty khởi nghiệp của bạn được thổi phồng thì sự phấn khích có thể dẫn đến những quyết định bốc đồng và đánh mất ý thức về mục tiêu.

Cuối cùng, nhiều doanh nhân đã đuổi theo quá nhiều hướng đi thay vì từng bước vững chắc tiến về phía mục tiêu của họ. Xác định rõ ràng mục tiêu và chiến lược của bạn rồi sau đó thiết lập một lịch trình. Đừng để những khả năng hay những giấc mơ mơ hồ khác khiến bạn sao nhãng khỏi mục tiêu của mình.

Tính trước quá xa cũng rất nguy hiểm. Nếu sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn vẫn chỉ là ý tưởng, thì đừng bị chệch hướng bởi những kế hoạch cho các phiên bản tương lai. Theo Richard Branson, hai hoặc ba năm sau là khoảng thời gian tính trước tốt nhất, nhưng bản chất của doanh nghiệp và các phản hồi từ nhà đầu tư sẽ giúp bạn xác định rõ nên lên kế hoạch trước bao lâu.

"Hãy linh hoạt, bởi không có kế hoạch đã là một vấn đề, nhưng mù quáng bám vào kế hoạch chắc chắn sẽ dẫn công ty của bạn lao xuống vực thẳm. Một doanh nhân thành công sẽ liên tục điều chỉnh hướng đi mà không bị che khuất tầm nhìn về điểm đến cuối cùng", tỷ phú này chia sẻ.

Không chỉ nhấn mạnh vào quy mô nhỏ của doanh nghiệp, Richard Branson còn khẳng định tầm quan trọng của việc chú ý tới các chi tiết nhỏ khác khi kinh doanh.

"Đôi khi, một chi tiết nhỏ trong dịch vụ như nhân viên thân thiện hơn hay giá cả minh bạch hơn cũng giúp chúng tôi nổi bật. Giọng điệu và tính hài hước theo kiểu tự hạ thấp bản thân cũng giúp chúng tôi thu hút và giữ chân khách hàng. Tôi luôn cố gắng giữ các thủ tục hành chính ở mức đơn giản nhất và nhắc nhở các đội của mình rằng, kinh doanh cũng giống như cuộc sống, phải luôn vui vẻ", ông viết.

Nhà sáng lập tập đoàn Virgin đặt câu hỏi khi bạn bắt đầu với một doanh nghiệp nhỏ và một đội ngũ nhiệt tình, không khó để duy trì sự tập trung vào các chi tiết và dịch vụ chất lượng cao. Nhưng làm thế nào để giữ được đam mê và sự tập trung vào các chi tiết nếu công ty của bạn trở nên lớn hơn và thành công hơn?

Vì vậy Richard Brason cho rằng dù bạn lớn đến đâu, thì nhờ liên tục chú ý đến những thứ nhỏ mà bạn trở nên khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Giống như chính ông bị ám ảnh bởi việc di chuyển trên máy bay của Virgin, thăm các công ty của tập đoàn, cầm cuốn sổ trong tay khi nói chuyện với nhân viên và kiểm tra tất cả những chi tiết nhỏ vô cùng quan trọng đó từ nắp chai cho đến thảm ở văn phòng.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM