Shark Thủy ‘bật mí’ lý do thực sự khi quyết định đầu tư cho ‘Bống chè bưởi’

08/07/2019 08:38 AM | Kinh doanh

Nguyên nhân quan trọng nhất khiến Shark Thủy quyết định xuống tiền cho dự án "Bống chè bưởi" là bởi câu chuyện thú vị đằng sau dự án và chính bản thân Bống.

Việc dự án "Bống chè bưởi" của em Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc – 11 tuổi, nhận được 300 triệu tiền đầu tư và 500 triệu học bổng từ Shark Nguyễn Ngọc Thủy và Shark Phạm Thành Hưng tại chương trình Shark Tank mùa 2, đã trở thành cú nổ lớn trong năm 2018 và gây ra không ít tranh cãi trong cộng đồng khởi nghiệp.

Tuy nhiên, với những chia sẻ gần đây của Shark Nguyễn Ngọc Thủy trong buổi họp báo ra mắt chương trình Kiddie Shark – Sếp nhí khởi nghiệp, thì những giá trị mà Bống – Bảo Ngọc mang đến cho tập đoàn Egroup cũng như Apax Leaders xứng đáng với từng đồng mà "cá mập" này đã đầu tư vào dự án "Bống chè bưởi".

Hay nói đúng hơn, ông không đầu tư vào mô hình kinh doanh của dự án mà đang đầu tư vào câu chuyện đằng sau dự án hay đầu tư vào chính bản thân Bảo Ngọc. Ngoài là đại sứ thương hiệu của Apax Leaders, Bống còn là cảm hứng để Shark Thủy nghĩ ra dự án Kiddie Shark – Sếp nhí khởi nghiệp cũng như thành lập quỹ "Tài năng khởi nghiệp Apax Leaders" trị giá 100 tỷ đồng.

Câu nói quyết định ‘nhân duyên’ giữa Bống và Shark Thủy

"Mới đầu, tất cả chúng tôi đều rất bất ngờ khi xuất hiện dự án ‘Bống chè bưởi’ trong chương trình, bởi khi đó em mới 11 tuổi. Theo format của chương trình, thì không ai trong chúng tôi biết trước mà mình sẽ gặp loại dự án như thế nào cả, nhưng một em bé 11 tuổi đi gọi vốn thì vẫn không bình thường, nên tôi đã hỏi chương trình: chuyện này là như thế nào, Ban tổ chức có nhầm lẫn hay không?!

Thật sự, khi nghe Bống trình bày dự án, tôi cảm thấy dự án của con không hề thua kém các dự án của các anh chị 20 đến 30 tuổi. Đặc biệt, khi Bống nói rằng, con bắt đầu ý tưởng này từ năm 7 tuổi và con thường bán vào cuối tuần – thứ bảy và chủ nhật, đã là năm thứ 4 kinh doanh chè bưởi, tôi thật sự xúc động.

Chúng ta đều biết rằng, rất nhiều người có ý tưởng nhưng để biến ý tưởng thành hành động thực tế và theo đuổi ý tưởng của mình đến cùng là điều rất khó, không phải ai cũng làm được, ngay cả người lớn. Sự kiên trì của Bống là điều rất đáng khâm phục và trân trọng! Thế nên, tôi quyết định đầu tư", Shark Thủy hồi tưởng.

Tuy nhiên, với những chia sẻ tiếp sau đây của Chủ tịch Egroup thì theo chúng tôi, ông chỉ thực sự để ý đến dự án "Bống chè bưởi" sau khi nghe những phân tích lợi hại về dự án của mình một cách chững chạc từ Bống: "Thực ra con chẳng có bí quyết hay kỹ thuật gì đó trong việc nấu chè bưởi, vì con học nấu chè bưởi trên mạng internet, tiềm năng của dự án này là câu chuyện đằng sau nó".

Shark Thủy ‘bật mí’ lý do thực sự khi quyết định đầu tư cho ‘Bống chè bưởi’ - Ảnh 1.

Bống Bảo Ngọc (áo xanh) có mặt trong chương trình Kiddie Shark với tư cách là đại sứ thương hiệu cho Apax Leaders.

Shark Thủy kể tiếp: Ban đầu, khi làm dự án Apax Leader thì mong muốn của ông là các em nhỏ Việt Nam phải có tư duy tiếng Anh như người bản ngữ. Tuy nhiên, qua thời gian, ông nhận ra: tiếng Anh dù là một công cụ quan trọng trong thời đại ngày nay nhưng không phải là tất cả. Tiếng Anh chỉ là phương tiện giúp chúng ta có thể tiếp cận với thế giới và để chuẩn bị tốt cho tương lai sau này.

"Chính vì vậy, tôi luôn trăn trở đi tìm một mảnh ghép hoàn thiện cho hệ thống Apax Leaders. Mặc dù chúng tôi đã gián tiếp dạy cách lãnh đạo cho trẻ em, thông qua chương trình Leader in me, nhưng trong tôi vẫn thấy thiếu cái gì đấy. Và câu chuyện của Bống đã truyền cảm hứng cho tôi, lấp đầy cái sự thiếu đó.

Khi tôi có dịp gặp Bống sau đó mấy tháng, điều khiến tôi bất ngờ nhất là sự trưởng thành của Bống. Nhiều người nói rằng, tôi gặp gỡ để chia sẻ và truyền cảm hứng cho Bống, nhưng thật sự là Bống mới là người truyền cảm hứng cho tôi ", Shark Thuỷ thú nhận.

Có lẽ, 'cái sự thiếu' mà vị "cá mập" này đề cập đến, chính là họ chưa thể đưa ‘khả năng lãnh đạo’ trở thành một giá trị cốt lõi khác của Apax Leaders – như 1 nửa ý nghĩa tên thương hiệu – Leaders – những người dẫn đầu. Sự xuất hiện của bản thân Bống và dự án "Bống chè bưởi’ đã mở ra một con đường khả thi để Apax Leader có thể đào tạo khả năng lãnh đạo cho các học viên của mình thông qua các chương trình khởi nghiệp, bên cạnh đào tạo tiếng Anh.

Còn nhớ, trong buổi ghi hình lúc đó, Shark Phú từng hỏi Bống là "nếu dự án thất bại thì con sẽ đền bù cho các cô chú như thế nào", em trả lời "sẽ đi làm thuê cho chú để trả nợ"; và dù hiện tại dự án "Bống chè bưởi" đang chạy tốt, song chúng tôi nói vui là Bống đang phải đi "làm thuê" cho chú Thủy.

Với việc là đại sứ thương hiệu Apax Leaders, ngoài được học miễn phí các chương trình của chuỗi trung tâm này, Bống còn có những công việc khác, như: truyền cảm hứng lãnh đạo và khởi nghiệp cho các bạn học sinh – phụ huynh Apax. Bống cũng vừa bay từ Hà Nội vào TP. HCM để lên phát biểu trong lễ ra mắt chương trình Kiddie Shark.

Bống là cảm hứng để Shark Thủy gây dựng chương trình Kiddie Shark và quỹ "Tài năng khởi nghiệp Apax Leaders"

Từ câu chuyện khởi nghiệp ở tuổi 11 của Bống, chợt Shark Thủy nhận ra, dù trường hợp của em là khá cá biệt, nhưng không ít trong xã hội. Ngay trong học sinh của Leaders Apax cũng có những ý tưởng khởi nghiệp rất thú vị chẳng thua gì các anh chị lớn tại Shark Tank, đáng để ông đầu tư.

"Bé Bống không phải ví dụ duy nhất, đâu đó vẫn có những bạn nhỏ khác có ý tưởng này và ý tưởng kia. Thậm chí có những bạn nhỏ đã kinh doanh cái này hoặc cái kia, chứ không hẳn là ý tưởng. Khởi nghiệp từ rất nhỏ là trường hợp đặc biệt nhưng không hề hiếm trong xã hội, đó là lý do mà tôi đặt đầu bài cho TV HUB làm chương trình khởi nghiệp cho trẻ em.

Lúc đầu, tôi nghĩ đây là một đề bài rất thách thức, nhưng khi đội ngũ sáng tạo của TV HUB gửi tôi format của chương trình, tôi cảm thấy rất ấn tượng. Tôi cảm thấy đây sẽ là một chương trình có ý nghĩa đối với lĩnh vực khởi nghiệp, đồng thời là chương trình giáo dục nói lên những ước mơ – hoài bão, đam mê của các em nhỏ", Shark Thủy kể về lý do ra đời của chương trình Kiddie Shark.

Cũng từ cảm hứng mà Bống tạo ra, Shark Thủy còn lập ra quỹ "Tài năng khởi nghiệp Apax Leaders" với ngân sách ban đầu khoảng 100 tỷ đồng.

Ngoài đầu tư tiền bạc, Quỹ còn có Hội đồng quản lý quỹ và họ sẽ cử những cố vấn hoặc chuyên gia trong Hội đồng xuống dự án để hỗ trợ các em thực hiện công việc như vạch chiến lược hoặc thực thi bằng hành động. Với các startup trưởng thành điều này cần 1, với các em cần tới 10.

Quỹ khởi nghiệp xã hội này sẽ tập trung đầu tư vào các dự án khởi nghiệp của các bạn nhỏ từ 7 đến 14 tuổi. Egroup cam kết sẽ giải ngân 100 tỷ và nếu có lợi nhuận, sẽ không chia cho các nhà đầu tư mà sẽ tái đầu tư vào quỹ. Đầu tiên, quỹ sẽ rót vốn đầu tư trực tiếp vào các dự án khả thi và có tiềm năng lớn của các thí sinh trong chương trình Kiddie Shark.

Quá trình giải ngân vốn đầu tư cho các dự án tại Kiddie Shark cũng giống như Shark Tank, cũng sẽ trải qua các vòng thẩm định tính khả thi, tiềm năng và khả năng mở rộng…sau đó. Sẽ có hai trường hợp xảy ra: khi dự án thất bại hoặc ít hiệu quả thì Quỹ sẽ dừng đầu tư; ngược lại, nếu dự án thành công và có thể nhân rộng, thì Quỹ sẽ tiếp tục đầu tư vòng 2 và 3.

Shark Thủy ‘bật mí’ lý do thực sự khi quyết định đầu tư cho ‘Bống chè bưởi’ - Ảnh 3.

Một thí sinh đang trình bày dự án khởi nghiệp của mình trong Vòng tuyền chọn Kiddie Shark lần 1.

Tuy nhiên, dù như thế nào, thì họ cũng sẽ bảo đảm các em chỉ làm việc cho doanh nghiệp của mình trong 2 ngày nghỉ cuối tuần hoặc vào dịp hè, tức là phải luôn ưu tiên việc học. Khi có tiền từ Quỹ, các em có thể thuê người làm việc cho mình và các startup nhí chỉ việc lên ý tưởng cũng như chiến lược thực hiện. Thêm nữa, hệ sinh thái của Apax sẽ là kênh giúp các ‘sếp nhí’ phân phối sản phẩm hoặc cung cấp mặt bằng kinh doanh, như họ đã làm với Soya Garden.

Trong chương trình Kiddie Shark mùa này, Shark Thủy tiết lộ có không ít dự án khởi nghiệp của các em đã được khởi động ngoài thực tế từ 2 đến 3 năm và mang lại lợi nhuận, chứ không hẳn chỉ là ý tưởng. Ông cũng kỳ vọng là sẽ có một vài ý tưởng trong đó có thể phát triển cao hơn, tạo nên mô hình kinh doanh có thể nhân rộng trong tương lai không xa.

"Điều quan trọng của chương trình này không phải là các con thành công và kiếm được bao nhiêu tiền mà là các con sẽ học được bài học gì, cũng như các con sẽ hoàn thiện bản thân mình như thế nào để có những ý tưởng lớn lao trong tương lai. Thành quả lớn nhất của Quỹ này sẽ là nuôi dưỡng ước mơ của các con để trong 5 đến 10 năm tới, chúng tôi có thể tạo ra một thế hệ doanh nhân trẻ tài năng thành công, tạo nên nhiều giá trị cho xã hội", Shark Thủy cho biết.

Vì thế, trong tương lai, ông và Apax Leaders muốn tạo nên một hub khởi nghiệp dành cho các em nhỏ từ 7 đến 14 tuổi. Ngoài giúp các em kinh doanh – khởi nghiệp, hub này sẽ có những chương trình đào tạo toàn diện để tạo ra những doanh nhân ưu tú trong tương lai.

Bên cạnh chương trình học bổng tiếng Anh vài năm hoặc trọn đời từ Apax Leaders, họ còn có thể đề nghị những khóa học ngắn ngày ở nước ngoài cho các ‘sếp nhí’ hoặc mời những doanh nhân thế giới về Việt Nam và chia sẻ cho các em các bài học về quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp…

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM