Sếp ViettelPay: Fintech phải thuận tiện, bắt người dân đi 10 km mới giao dịch được là vô lý!

21/01/2020 14:00 PM | Công nghệ

ViettelPay được định nghĩa là sản phẩm tài chính số cho mọi người, ông Nguyễn Anh Quân, PGĐ Trung tâm Sản phẩm, Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (VDS) nói. Quân cũng chia sẻ, chiến lược của ViettelPay không phải là "đốt tiền" để kéo user, mà là: Làm thế nào để khách hàng ở lại?

Triết lý công nghệ "phải thật đơn giản" để lan toả đến mọi người!

Năm 2019 được xem là một năm khá thành công của ViettelPay trong một thị trường thanh toán điện tử cạnh tranh khốc liệt. Sau hơn 1 năm chính thức cung cấp dịch vụ, giá trị giao dịch trung bình qua ViettelPay mỗi tháng là gần 50.000 tỷ đồng, một con số có thể gây ngạc nhiên với rất nhiều người. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những bước đi của ViettelPay, những kết quả này có thể phần nào được lý giải.

Theo ông Nguyễn Anh Quân, PGĐ Trung tâm Sản phẩm của VDS, bản chất ViettelPay được định nghĩa là sản phẩm tài chính bình dân (Nguyễn Anh Quân nằm trong danh sách 8 cá nhân xuất sắc nhất toàn cầu của Tập đoàn Viettel năm 2019 ở giải Viettel’s Stars).

"ViettelPay đang phân biệt mình với các ví điện tử trên thị trường nên cách thức thể hiện ra ngoài sẽ đi theo chiều hướng riêng", ông Quân nói.

Sếp ViettelPay: Fintech phải thuận tiện, bắt người dân đi 10 km mới giao dịch được là vô lý! - Ảnh 1.

Ngay từ đầu năm 2019, ứng dụng này đã có màn xuất hiện ấn tượng ngay trong dịp Tết 2019, phát sóng trực tiếp trên VTV đêm Giao thừa với 40 triệu người theo dõi dù thời gian chuẩn bị chỉ là hơn 1 tháng.

Nhớ lại, ông Quân cho biết thời điểm bung sản phẩm cận tết, ViettelPay cũng đối diện với sự cạnh tranh của nhiều ví điện tử khác khi các đơn vị này cũng tung lên rất nhiều game.

"Khi lên sóng truyền hình chúng tôi lo lắng rất nhiều. Chúng tôi nghĩ ra nhiều kịch bản lắm. Ví dụ như tặng quà thông qua quét mã 3D, nghe hay đúng không. Nhưng rồi chúng tôi nghĩ rằng khi làm chương trình, muốn lan toả đến cả chục triệu người thì game phải thật đơn giản. Càng dễ, càng quen càng lan truyền. Thế nên chúng tôi thiết kế một game mà muốn chơi, chỉ cần lắc thôi", ông Quân nói.

"Xem trên Youtube thì trẻ con hay người lớn tuổi cũng đều lắc được. Đối thủ của chúng tôi làm game quét 3D, chủ yếu giới trẻ thôi, chứ người từ 30 – 35 tuổi là đã bị hạn chế rồi", ông Quân chia sẻ thêm.

Kết quả chương trình Tết 2019 đã giúp ViettelPay thu về 1,7 triệu khách hàng tham gia, 1,2 triệu khách hàng đăng ký dịch vụ, 300 nghìn thuê bao phát sinh giao dịch mới.

Cũng trong năm 2019, ViettelPay đã triển khai thêm 3 hệ thống để cạnh tranh với hàng loạt ví điện tử khác. Có thể kể đến như hệ thống quản lý chiến dịch, hệ thống nhắn tin báo (Push notification), hệ thống đo lường hiệu quả bán hàng tập trung (Google, Facebook, và các kênh ngoài. Sau 2 tháng triển khai những hệ thống này đã giúp tăng thêm 200 nghìn thuê bao phát sinh giao dịch mới, đồng thời gìn giữ 90% các thuê bao đã phát sinh giao dịch trước đó.

Sếp ViettelPay: Fintech phải thuận tiện, bắt người dân đi 10 km mới giao dịch được là vô lý! - Ảnh 2.

Chiến lược cạnh tranh với đối thủ đua "đốt tiền"

Chia sẻ về chiến lược thu hút và gìn giữ người dùng, ông Quân cho biết, việc đổ tiền cho khuyến mại là cần thiết nhưng ViettelPay không đi theo hướng chạy đua "đốt tiền".

Thay vào đó, ViettelPay theo đuổi 3 giá trị. Thứ nhất, với dịch vụ tài chính, điều cần làm là cho khách hàng cảm thấy an toàn.

"Bản chất chúng tôi đang có lợi thế lớn về thương hiệu mẹ là Viettel. Viettel là tập đoàn lớn, uy tín, tất cả các giao dịch trên Viettel về lâu dài rất an toàn. Khách hàng cần khiếu nại sẽ được xử lý rốt ráo, không sợ bị mất. Nó giống kiểu câu hỏi mọi người hay đặt ra: Nếu ví điện tử phá sản thì tiền đi đâu?", ông Quân nói.

Thứ hai là về chăm sóc khách hàng. Phó giám đốc Trung tâm sản phẩm VDS gọi đây là điểm khác biệt nhất của ViettelPay. Cụ thể, anh cho biết chăm sóc khách hàng có 2 yếu tố: Trong giao dịch thì chắc chắn không thể tránh được lỗi, quan trọng là cách đối mặt và xử lý; và hệ thống điểm thưởng.

"Hệ thống điểm thưởng sẽ được đẩy rất mạnh trong năm 2020, sử dụng cho cả hệ sinh thái của Viettel. Nó sẽ giúp khách hàng tiết kiệm hơn, càng dùng càng tiết kiệm", ông Quân giải thích.

Cuối cùng là tính thuận tiện của sản phẩm. Với các ví điện tử thông thường, để sử dụng, người dùng buộc phải có tài khoản ngân hàng. Còn ViettelPay là ngân hàng số nên muốn mở là được ngay và chỉ cần đến chi nhánh hoặc điểm giao dịch của Viettel là làm được.

"Viettel có hệ thống chi ở 64 tỉnh thành, phủ hết 700 huyện, trong khi ngân hàng chỉ có ở thành phố và dừng ngang thị trấn là hết. Giờ bắt người dân đi 10km vào thị trấn để làm giao dịch thì vô lý", ông Quân nói.

Sếp ViettelPay: Fintech phải thuận tiện, bắt người dân đi 10 km mới giao dịch được là vô lý! - Ảnh 3.

Sếp ViettelPay khẳng định: Phải tiện, phải giải quyết được nhu cầu thiết yếu cuả người dùng thì họ mới gắn kết. Còn chuyện hôm nay người ta dùng ví này, mai ví khác vì khuyến mại là bình thường.

Tuy nhiên, với thị trường thay đổi hàng ngày, để phục vụ tốt hơn cho khách hàng, ViettelPay đã tổ chức một đội chuyên nghiên cứu hành vi tiêu dùng khác hàng. "Cứ tầm 3 – 6 tháng chúng tôi lại ra phiên bản mới để đo thao tác người dùng rồi từ đó tối ưu hoá ứng dụng", ông Quân nói.

Theo vị sếp này của ViettelPay, sản phẩm fintech chưa có format chuẩn. Thay vào đó sản phẩm thường tuỳ thuộc vào tập khách hàng, người sử dụng của mỗi ví. "Bản chất không có sản phẩm nào tiện cho thế giới cả mà chỉ tiện cho một tập người dùng. ViettelPay đang làm là tiện cho khách của ViettelPay. Chúng tôi cứ đo đếm hàng ngày rồi cải tiến", Quân chia sẻ.

Viettel cũng đang chuẩn bị cho việc triển khai Mobile Money. Sản phẩm này, theo ông Quân sẽ giúp đẩy rất nhanh quá trình phổ cập tài chính số đến mọi người dân Việt Nam. "Chúng tôi muốn ViettelPay trở thành dịch vụ tài chính có người dùng hoạt động hàng tháng nhiều nhất thị trường", PGĐ Trung tâm Sản phẩm Nguyễn Anh Quân cười nói về mục tiêu của năm 2020.

Ánh Dương

Từ khóa:  công nghệ
Cùng chuyên mục
XEM