Sếp Trung Dũng đưa ra bài toán "hack não" khiến 2 ứng viên sành sỏi trong lĩnh vực Marketing... đứng hình!

10/12/2023 09:09 AM | Sống

Ứng viên Hoài Nam và Ngọc Nhi dù sành sỏi trong ngành Marketing không khỏi bối rối khi bị Sếp Trung Dũng và Sếp Trung Hiếu làm khó.

Trong tập 10 "Cơ hội cho ai - Whose chance?" tuần này, khán giả được chứng kiến cuộc tranh tài của 2 ứng viên hoạt động trong lĩnh vực Marketing là Phạm Hoài Nam và Nguyễn Thụy Ngọc Nhi.

Ứng viên Phạm Hoài Nam (26 tuổi, đến từ thành phố Hồ Chí Minh), tốt nghiệp chuyên ngành Marketing tại Đại học Kinh tế với điểm trung bình 8.1. Hoài Nam có hơn 4 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực PR Marketing, trong đó 2 năm giữ vị trí Trưởng bộ phận Truyền thông Marketing tại một công ty chứng khoán. Với thế mạnh trong lĩnh vực tiếp thị, quan hệ báo chí, truyền thông thương hiệu, truyền thông nội bộ và có khả năng làm MC song ngữ, anh tự tin bước vào cuộc tranh tài để chinh phục các Sếp.

"Mục tiêu của tôi đến với chương trình để thể hiện bản thân, cá tính cũng như năng lực kinh nghiệm đã tích lũy" - Hoài Nam chia sẻ.

Sếp Trung Dũng đưa ra bài toán "hack não" khiến 2 ứng viên sành sỏi trong lĩnh vực Marketing... đứng hình! - Ảnh 1.

Ứng viên Phạm Hoài Nam.

Đối mặt với Phạm Hoài Nam là ứng viên Nguyễn Thụy Ngọc Nhi (27 tuổi, đến từ Long An) tốt nghiệp chuyên ngành Marketing tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, theo học thiết kế đồ họa tại một trung tâm đào tạo về mỹ thuật đa phương tiện. Cô có hơn 3 năm kinh nghiệm trong mảng quản lý nhượng quyền giáo trình và tổ chức sự kiện về giáo dục, hơn 5 năm hoạt động tổ chức và quản lý nhân sự trong tổ chức phi lợi nhuận.

"Tôi quyết định tham gia chương trình muốn khẳng định bản thân và muốn cho mình cơ hội để bước ra khỏi vùng an toàn. Tôi tự tin mình có thể chinh phục các Sếp để họ sẽ là những vị Sếp tương lai của tôi" - Ngọc Nhi tự tin nói.

Sếp Trung Dũng đưa ra bài toán "hack não" khiến 2 ứng viên sành sỏi trong lĩnh vực Marketing... đứng hình! - Ảnh 2.

Ứng viên Nguyễn Thụy Ngọc Nhi.

Chủ đề tranh biện dành cho 2 ứng viên ở vòng Đối đầu là: "Bạn ủng hộ hay phản đối chiến dịch quảng cáo dựa trên nỗi sợ của khách hàng".

Là những người đã có kinh nghiệm làm việc trong ngành Marketing, cả Hoài Nam và Ngọc Nhi đều ủng hộ hình thức quảng cáo dựa trên nỗi sợ của khách hàng. Tuy nhiên mỗi người lại có cách lập luận riêng.

Hoài Nam cho rằng loại quảng cáo dựa trên cảm xúc này là một phương thức hiệu quả để đánh vào tâm lý của khách hàng. Từ đó, kích thích khách hàng suy nghĩ và hành động cũng như nhận thức về thông điệp mà mình muốn truyền tải, giúp gia tăng hiệu quả quảng cáo. Tuy nhiên, những loại quảng cáo này nên có giới hạn và phải tuân thủ những giá trị về đạo đức cũng như là pháp luật.

Ngọc Nhi đồng tình rằng quảng cáo dựa trên nỗi sợ là công cụ rất hữu ích trong Marketing nhưng phải khai thác tinh tế và biến nó thành câu chuyện có sự đồng cảm, thấu hiểu.

Bài toán khó của ông trùm gia vị Việt

Là những người đứng đầu doanh nghiệp của nhiều ngành hàng khác nhau, các Sếp trong chương trình rất quan tâm đến đối tượng khách hàng và sản phẩm phù hợp để đánh vào nỗi sợ hãi. Một cuộc 'chia phe' đã xảy ra giữa ứng viên và các Sếp khi thể hiện quan điểm cá nhân.

Theo ứng viên Ngọc Nhi, khách hàng rất thông minh, họ được tiếp xúc với nhiều thông tin khác nhau nên tỉnh táo và không dễ đánh vào nỗi sợ hãi. Do vậy, hình thức quảng cáo này chỉ phù hợp với những người ở tầng lớp bình dân.

Trái ngược quan điểm của đối thủ, ứng viên Hoài Nam lại cho rằng đối tượng nào cũng có thể đánh vào nỗi sợ, chỉ cần lựa chọn đúng sản phẩm, đúng đối tượng, đúng thông điệp mà quảng cáo muốn truyền tải.

Sau câu trả lời của ứng viên, Sếp Trung Dũng ngay lập tức đặt câu hỏi phản biện làm nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi. "Liệu quảng cáo đánh vào nỗi sợ hãi có áp dụng cho hãng xe Ferrari được ko?" - Sếp Dũng hỏi.

Ứng viên Hoài Nam cho biết, mặc dù bản thân chưa bao giờ thấy xe sang Ferrari quảng cáo bằng hình thức đánh vào nỗi sợ hãi, nhưng theo anh Ferrari vẫn có thể đánh vào nỗi sợ về sự an toàn ở một chiếc xe tốc độ cao.

Sếp Trung Dũng đưa ra bài toán "hack não" khiến 2 ứng viên sành sỏi trong lĩnh vực Marketing... đứng hình! - Ảnh 3.

Sếp Nguyễn Trung Dũng.

Sếp Trung Hiếu không đồng tình với quan điểm của Hoài Nam và khẳng định hãng xe này sẽ không bao giờ đi theo hướng quảng cáo dựa trên nỗi sợ. Sếp Trí phản bác quan điểm của Sếp Hiếu và cho rằng nỗi sợ mà Ferrari đánh vào khách hàng chính là "sợ không sở hữu được chiếc xe đó".

Câu hỏi của Sếp Dũng là một câu hỏi khó nhằm thử thách ứng viên. Thực tế bất cứ sản phẩm đều có cách đánh vào nỗi sợ của khách hàng, chỉ là nhà sản xuất lựa chọn cảm xúc nào để quảng cáo cho phù hợp với định vị của thương hiệu.

Vòng Đối mặt giữa ứng viên Hoài Nam và ứng viên Ngọc Nhi khép lại với phần thể hiện ngang sức ngang tài, kết quả bình chọn sẽ được hé lộ trong tập sau.

Theo Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM