Sếp trẻ tuổi hơn nhân viên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích chung của công ty

28/12/2016 11:50 AM | Kinh doanh

Khác biệt về tuổi tác giữa nhân viên và quản lý, đặc biệt nếu người quản lý trẻ hơn rất nhiều so với cấp dưới của anh ta (chị ta) – có thể ảnh hưởng tới thành tích của công ty.

Hiện nay, việc bổ nhiệm những nhân viên trẻ nắm giữ vị trí lãnh đạo, giám sát được xem là suy nghĩ cấp tiến trong bối cảnh các công ty đang chuyển từ hệ thống xem xét thăng tiến dựa trên tuổi tác và thâm niên sang dựa trên thành tích.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới được tờ Journal of Organizational Psychology công bố thì khác biệt về tuổi tác giữa nhân viên và quản lý, đặc biệt nếu người quản lý trẻ hơn rất nhiều so với cấp dưới của anh ta (chị ta) – có thể ảnh hưởng tới thành tích của công ty.

Đặc biệt, việc xuất hiện những quản lý trẻ tuổi có liên đới tới thái độ tiêu tực của những nhân viên lớn tuổi. Trong khi đó, những cảm xúc tiêu cực này lại có liên quan trực tiếp tới tình hình hoạt động chung của công ty.

Giai đoạn trước, tuổi tác có liên quan mật thiết tới địa vị và thành tích. Những nhân viên càng lớn tuổi càng có cơ hội thăng tiến trong công ty. Tuy nhiên gần đây một số nơi làm việc bắt đầu bổ nhiệm những người trẻ tuổi hơn vào vị trí lãnh đạo với trách nhiệm lớn hơn và đương nhiên sẽ có mức lương cao hơn những người lao động già.

“Tốc độ đổi mới công nghệ nhanh chóng thúc đẩy các công ty đề cao suy nghĩ và ý tưởng mới mẻ, sáng tạo của nhân viên trẻ tuổi và kết quả là họ được bổ nhiệm vào những vị trí quản lý với vai trò quan trọng hơn”, nghiên cứu chỉ rõ.

Tuy nhiên, như vậy đồng nghĩa với việc sự nghiệp của những nhân viên lớn tuổi lại ngày một trì trệ. “Có một lượng lớn hơn bao giờ hết những nhân viên già đang gặp tình trạng ngưng trệ hoặc thậm chí là sự nghiệp giảm sút sau một độ tuổi nhất định và điều đó xảy ra cùng lúc với việc số lượng những quản lý nhỏ tuổi hơn họ ngày một tăng”.

Nếu khoảng cách về độ tuổi không nhiều, những nhân viên lớn tuổi hơn ít khi có những cảm xúc tiêu cực về sự khác biệt này. Tuy nhiên độ tuổi chênh lệch càng lớn, những nhân viên lớn tuổi hơn càng mang nhiều cảm xúc tiêu cực như hoảng sợ, tức giận và thậm chí là căm phẫn. Và càng nhiều cảm xúc tiêu cực như vậy trong số những nhân viên thì kết quả kinh doanh của công ty càng yếu hơn.

"Nghiên cứu của chúng tôi không đặt ra câu hỏi liệu vấn đề tuổi tác có đóng vai trò quan trọng trong vấn đề thăng tiến không mà chỉ ra việc bổ nhiệm những nhân viên trẻ tuổi vào vị trí lãnh đạo những nhân viên lớn tuổi hơn họ sẽ gây nên những vấn đề về hiệu suất làm việc và những tâm lý tiềm ẩn".

Trên thực tế, so với việc được tự do bày tỏ cảm xúc, khi nhân viên lớn tuổi gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực trong quá trình tương tác với sếp trẻ tuổi hơn, môi trường làm việc sẽ tốt hơn.

Điều này không có nghĩa việc kìm nén cảm xúc tại nơi làm việc là tốt. Trên thực tế, tại các công ty không có khoảng cách tuổi tác giữa cấp trên và nhân viên, sự kìm nén cảm xúc gây ra sự tiêu cực lớn hơn.

Những công ty chứng kiến hoạt động kinh doanh giảm sút do đề bạt những nhân viên trẻ tuổi vào vị trí quản lý có thể tiến hành đào tạo về trí tuệ cảm xúc cho nhân viên hoặc thay đổi văn hóa. Có như vậy, “các nhân viên sẽ có ít cảm xúc tiêu cực hơn với sự khác biệt về độ tuổi”.

Để hoàn thành nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 61 công ty tại Đức với gần 5.000 nhân viên thông qua các khảo sát gửi tới cả nhân viên, quản lý cấp cao và giám đốc nhân sự.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM