Sếp quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới lo xảy ra chiến tranh thương mại

12/04/2018 14:20 PM | Xã hội

Tỷ phú Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu cơ Bridgewater Associates, lo ngại về lập trường đối nghịch của ông Trump với Trung Quốc...

Thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có vẻ dịu đi. Tuy nhiên, một nhà đầu cơ nổi tiếng thế giới cho biết vẫn đặc biệt lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại.

Theo trang CNN Money, tỷ phú Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu cơ Bridgewater Associates, nói ông ngày càng lo về lập trường đối nghịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc.

"Tôi lo ngại và buộc phải nghĩ kỹ hơn về câu hỏi liệu ông Donald Trump đang dẫn chúng ta về đâu. Chương trình nghị sự thực sự của ông ấy là gì?" ông Dalio viết trong một bài viết hôm thứ Hai trên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn.

"Ngay lúc này, tôi không cho rằng bất kỳ ai, ngay cả những người gần gũi nhất với ông Donald Trump, có thể hiểu rõ được những mục tiêu chiến lược của ông ấy", nhà đầu cơ lừng danh viết.

Bridgewater Associates là quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới, với tổng tài sản là 160 tỷ USD, nắm giữ nhiều khoản đầu tư trong các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) lớn nhất thế giới như The Vanguard FTSE Emerging Markets ETF (VWO), SPDR S&P 500 ETF (SPY) và SPDR Gold Trust. Quỹ này cũng nắm cổ phiếu nhiều công ty lớn như HSBC, Royal Dutch Shell, hay PG&E.

Bởi vậy, những gì ông Dalio nói luôn có ảnh hưởng không nhỏ ở Phố Wall. Trong bài viết trên LinkedIn, "ông trùm" đầu cơ nhấn mạnh việc Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Chính phủ Mỹ, nắm giữ 1,2 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ tính đến thời điểm cuối tháng 1 năm nay.

Nếu Trung Quốc trả đũa Mỹ bằng cách bán mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ, thì lãi suất ở Mỹ sẽ tăng mạnh, đe dọa sự phục hồi tăng trưởng đang diễn ra tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đó là lý do vì sao ông Dalio cho rằng bất kỳ lợi thế nào mà Mỹ có trước Trung Quốc trong đàm phán thương mại - bao gồm việc Mỹ nhập nhiều hàng hóa từ Trung Quốc hơn là xuất khẩu sang Trung Quốc - có thể bị "đè bẹp" dễ dàng bởi điều mà ông gọi là một "cuộc chiến tranh vốn".

"Chúng ta nên nghĩ xa hơn chiến tranh thương mại để cân nhắc về khả năng của các dạng chiến tranh khác", ông viết. "Cũng giống như Mỹ có lợi thế trong chiến tranh thương mại vì Mỹ có thâm hụt thương mại lớn, Trung Quốc có lợi thế trong một cuộc chiến tranh vốn vì họ có thâm hụt vốn thậm chí còn lớn hơn".

Thời gian qua, ông Dalio cũng tỏ ra ngày càng bi quan về tình hình thị trường và nền kinh tế toàn cầu. Trong một bài viết khác trên LinkedIn hồi tháng 6 năm ngoái, ông bày tỏ lo ngại về "sự phân cực to lớn về kinh tế, xã hội và chính trị" do sự nổi lên của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ và Anh.

Trong một bài phát biểu ở Đại học Harvard hồi tháng 2, ông Dalio nói có khả năng 70% kinh tế Mỹ sẽ suy thoái trước khi bước vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Bởi thế, nhiều người nói vui rằng ông Dalio đang muốn chiếm lấy danh hiệu "cánh chim bão báo" của chuyên gia kinh tế nổi tiếng Nouriel Roubini - người hay đưa ra các dự báo bi quan.

Nhưng ông Dalio không phải là nhân vật nổi tiếng duy nhất của giới tài chính lo ngại về những gì có thể xảy ra trong quan hệ Mỹ-Trung.

"Đó là một trò chơi nguy hiểm, bởi những hàng rào thuế quan có thể leo thang. Chúng tôi lo là hai bên cần có một tình thế đôi bên cùng có lợi để hạ nhiệt căng thẳng và đi đến một dạng thỏa thuận. Đó là một mục tiêu khó đạt được", ông Phillip Nelson, Giám đốc phụ trách vấn đề phân bổ tài sản thuộc công ty tư vấn nhà đầu tư tổ chức NEPC, nhận định.

Tuy vậy, ông Stephen Lee, một nhà quản lý thuộc Logan Capital Management, hy vọng những cái đầu lạnh rốt cục sẽ thắng thế. Ông Lee chỉ ra rằng nếu Trung Quốc bắt đầu bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ, thì kết quả ròng sẽ là đồng USD mất giá. Điều đó sẽ dẫn tới việc hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn với các quốc gia khác - mà điều này lại là điều mà Trung Quốc không muốn.

"Một trong những đặc điểm tốt của thương mại toàn cầu là chúng ta ràng buộc lẫn nhau. Giải quyết vấn đề một cách có tính xây dựng sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người", ông Lee nói, và nói thêm rằng các nhà đầu tư nên "phản ứng với hành động chứ không nên phản ứng với các ý tưởng".

Ông Nelson thì dự báo sự biến động hiện nay của thị trường toàn cầu sẽ duy trì thêm một thời gian nữa, bởi các nhà đầu tư sẽ còn phải ứng "giật cục" với tất cả những thông tin mới về Mỹ và Trung Quốc.

"Các dòng tít báo về chính trị và những dòng trạng thái trên Twitter sẽ tiếp tục khiến thị trường chuyển động", ông Nelson phát biểu.

Theo An Huy

Cùng chuyên mục
XEM