Sếp nữ chi tiền chữa bệnh cho nhân viên, không ngờ người này 2 tháng sau biến mất không lời từ biệt: 16 năm sau mới hé lộ nguyên nhân 'động trời'

16/06/2023 14:30 PM | Sống

Không chỉ chi tiền cho ca phẫu thuật của nhân viên này, bà chủ này còn lo chu đáo vấn đề ăn ở cho các nhân viên khác, sẵn sàng chỉ dạy họ từ con số 0.

Bà chủ coi nhân viên như người thân trong nhà

Vào mùa hè năm 2017, một người đàn ông trung niên đến Đài truyền hình Trùng Khánh (Trung Quốc) đứng ở ngoài một thời gian dài trong thời tiết nóng đổ lửa. Nhân viên lễ tân thấy vậy liền hỏi thăm, người đàn ông tên Lý Kiệt này cho biết mình mong muốn lên truyền hình để kể một câu chuyện. Nhân vận chính trong câu chuyện này chẳng phải anh ta mà là người phụ nữ tên Vương Thập Phần, đồng nghiệp cũ của anh.

Năm 1999, Vương Thập Phần cùng 6 người cùng làng đến tỉnh Giang Tô để xin việc trong một nhà máy nhỏ, chỉ khoảng 7-8 nhân viên. Bà chủ nhà máy là Trần Nghiên, dù khi đó tình hình tài chính nhà máy không tốt lắm nhưng vẫn quyết định nhận cả 7 người bọn họ vào làm việc. Trần Nghiên lo cả vấn đề ăn ở cho nhân viên, kiên nhẫn chỉ dạy người mới kỹ năng làm việc.

Ảnh minh họa

Vương Thập Phần hướng nội vì cha mẹ mất sớm nên càng được Trần Diên chú ý quan tâm hơn. Dù nhóm người này từng bỏ nhà máy đến thành phố khác nhưng khi xin trở lại, Trần Nghiên vẫn vui vẻ đồng ý. Nếu nhân viên nào gặp khó khăn, bà chủ này sẵn sàng hỗ trợ hết sức mình. Người đàn ông Lý Kiệt kể trên muốn lấy bằng lái xe nhưng không có tiền,Trần Nghiên chủ động đăng ký và cử anh đi học bằng lái.

Sở dĩ Trần Nghiên đối xử tốt với nhân viên như vậy vì cô cũng từng là một công nhân nhà máy, nghèo đến mức phải chia một hộp cơm thành 3 bữa. Nay điều kiện kinh tế tốt hơn, cô luôn có sự đồng cảm với nhân viên, coi họ như người thân của mình, cố gắng mang lại điều kiện tốt nhất cho nhân viên.

Gần Tết năm 2001, Vương Thập Phần đột nhiên cảm thấy hơi đau bụng, được Trần Nghiên đưa đến bệnh viên lớn siêu âm. Kết quả là cô gái họ Vương bị u xơ tử cung, cần tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt. Khi Vương Thập Phần còn đang nghĩ lấy tiền đâu để chữa bệnh và liệu bà chủ có cho mình làm việc nữa không vì Trần Nghiên đã làm xong thủ tục nhập viện cho cô.

Ca phẫu thuật có nhiều phần rủi ro nhưng cuối cùng may mắn đã mỉm cười với cô gái trẻ. Sau đó, Trần Diên và chồng cũng là người chăm sóc Vương Thập Phần hồi sức, động viên cô vượt qua giai đoạn khó khăn. Khi cô gái họ Vương hỏi bà chủ chi phí cho ca phẫu thuật, Trần Diên đáp lại rằng cô không phải suy nghĩ vì đó là số tiền do các công nhân khác quyên góp.

Trên thực tế, Trần Nghiên thực sự đã khởi xướng một cuộc vận động trong nhà máy nhưng quy mô không lớn, số tiền quyên góp so với chi phí phẫu thuật chỉ chiếm phần nhỏ. Cô làm như vậy để Vương Thập Phần không mang gánh nặng tâm lý. Vương Thập Phần trở lại nhà máy làm việc, được Trần Nghiên đối xử như em gái trong nhà. Nào ngờ 2 tháng sau cô Vương biến mất không một lời từ biệt.

Sự thật "vén màn" sau 16 năm

Sau khi nhân viên này rời đi, Trần Nghiên và gia đình cũng không một lời oán trách, chỉ hỏi thăm xem tung tích cô gái này ra sao. Cho đến mùa hè năm 2017, nhân viên Đài truyền hình Trùng Khánh gọi điện cho Trần Nghiên nói có người tên Vương Thập Phần muốn gặp cô. Ban đầu Trần Nghiên bối rối không muốn đi, nhưng nghe nhân viên nhà đài thuyết phục sự việc 16 năm trước là “vật cản trong lòng cô Vương”, Trần Nghiên đồng ý đến Trùng Khánh.

Chân dung sếp nữ Trần Nghiên. Ảnh: Toutiao

Chương trình họ tham gia có tên “Cảm ơn vì đã đến”, Vương Thập Phần trải lòng với bà chủ cũ lý do cô rời đi năm đó. Trong thời gian cô Vương bị bệnh, công việc kinh doanh của nhà máy phát đạt và tuyển thêm nhiều nhân viên mới. Trong đó có một người đàn ông đã có gia đình nhưng lại tìm cách theo đuổi Vương Thập Phần một cách cuồng nhiệt.

Cô Vương vốn nhút nhát, khi đó lại không có nhiều kinh nghiệm sống. Nghĩ đến việc nhờ bà chủ giải quyết việc này chắc chắn sẽ gây rắc rối cho cả Trần Nghiên, danh tiếng nhà máy lẫn công nhân kia. Người đàn ông đó là trụ cột chính trong gia đình, còn phải đi làm nuôi vợ con, nếu khiến anh ta mất việc chắc chắn cả gia đình sẽ lao đao.

Vậy nên Vương Thập Phần quyết định rời đi để tránh gây khó xử cho đôi bên. Cô muốn nói lời từ biệt với Trần Nghiên nhưng đêm đó bà chủ Trần lại không có nhà nên cô gái trẻ lặng lẽ rời đi.

Dù hiện tại cuộc sống của cô Vương đã ổn định hơn nhưng sự việc năm nào vẫn là rào cản trong lòng khiến cô không dám gặp mặt bà chủ cũ, sợ ân nhân sẽ không tha thứ cho mình. Chỉ đến khi gặp lại người đồng nghiệp cũ trong nhà máy Lý Kiệt, Vương Thập Phần mới dám dũng cảm đối diện với quá khứ.

Lý Kiệt kiên quyết giúp cô, liên lạc với những công nhân cũ ở nhà máy được Trần Nghiên giúp đỡ để xác nhận câu chuyện, sau đó đến đài truyền hình tìm cách gặp được tổ sản xuất chương trình.

Bà chủ Trần Nghiên và Vương Thập Phần gặp lại trên chương trình truyền hình. Ảnh: Toutiao

Kết quả là cuộc hội ngộ đầy nước mắt được lên sóng, gây sốt không chỉ bởi câu chuyện day dứt suốt 16 năm mà còn khiến nhiều người cảm phục vì một người chủ tốt hiếm có như Trần Nghiên.

Câu chuyện về những vị sếp tốt với nhân viên luôn được quan tâm đặc biệt tại đất nước tỷ dân. Trước đó, doanh nhân được mệnh danh là "Vua thủy tinh" Tào Đức Vượng cũng chi một số tiền khổng lồ để giúp một nhân viên chữa bệnh ung thư máu, sắp xếp cho người này điều trị ở bệnh viện tốt tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

"Ông trùm siêu thị"  Vu Đông Lai từng gây chú ý khi chia phần lớn lợi nhuận kinh doanh của công ty và thậm chí cả cổ phần ông chủ cho nhân viên. Doanh nhân này tạo môi trường làm việc tốt nhất cho nhân viên, khuyến khích họ phát triển bản thân và không cho cấp dưới làm thêm giờ để có thời gian tận hưởng cuộc sống cá nhân.

Theo Toutiao

Theo Kim Linh

Cùng chuyên mục
XEM