Sếp mượn tiền mua đồ vì quên ví nhưng mãi chưa trả, làm nhân viên làm sao để đòi nợ?

13/06/2018 19:20 PM | Sống

Việc sếp quên một món nợ nào đó với nhân viên là chuyện bình thường, và bạn cần thật khéo léo, tế nhị để không "tiền mất tật mang".

Việc bạn lấy lại khoản tiền mình đã cho vay là một việc chính đáng, vì thế trong tình huống này bạn hãy gác sự ngại ngùng sang một bên.

Chẳng hạn như trong tình huống này: Có vị sếp tính tình thoải mái, anh em nhân viên nhờ thế cũng dễ làm việc, nhưng sếp có tính hay quên. Thỉnh thoảng đi cùng, ông cứ bảo nhân viên mua hộ thứ nọ thứ kia, về gửi tiền sau, nhưng về ông chẳng nhớ gì cả. 

Có lần đi dự hội nghị, ông thích chai rượu 1 triệu đồng nhưng quên ví, bảo anh nhân viên nọ trả, về văn phòng anh nhân viên nhắc thì ông bảo sang gặp kế toán thanh toán. Gặp kế toán thì kế toán lại đòi hóa đơn, anh nói lại với sếp thì ông bảo ông sẽ nói trực tiếp với kế toán, nhưng rồi cũng chẳng thấy gì. Nếu là bạn, trong tình huống này bạn sẽ làm thế nào để cho sếp nhớ?

Sếp mượn tiền mua đồ vì quên ví nhưng mãi chưa trả, làm nhân viên làm sao để đòi nợ? - Ảnh 1.

Từ "ghi nhớ" được ghép bởi từ "ghi" và từ "nhớ", tức là muốn nhớ thì hãy ghi lại. Bạn có thể chuẩn bị cho sếp một cuốn sổ để ghi chép những khoản chi tiêu nhỏ đó. Bạn mua tặng sếp cuốn sách về các cách tăng cường trí nhớ hoặc tặng ông hộp thuốc bổ cho não.

Nhưng xem ra, việc hay quên của sếp bạn thuộc về tính cách của ông ấy rồi, khó thay đổi được. Thế nên việc của bạn là tăng cường khả năng ghi nhớ của mình để nhắc nhở sếp về những khoản tiền đó và lần sau có mua món đồ đắt tiền cho sếp thì nhớ lấy hóa đơn để thanh toán cho thuận tiện. Bạn có thể nhắc sếp thanh toán từng khoản một cho dứt điểm, nếu không thì bạn nhớ kê khai rõ ràng các khoản rồi gộp lại nhắc sếp theo tuần hoặc theo tháng.

Tất nhiên trong cách nhắc của bạn cần khéo léo, vì người bạn cần đòi nợ ở đây là sếp của bạn. Bạn không thể nói với sếp rằng: "Hôm trước sếp nợ em từng này, sếp có muốn trả ngay không?", mà có thể nói: "Hôm trước sếp có yêu cầu chi một số khoản như thế này, sếp muốn thanh toán trực tiếp hay để em chuyển cho kế toán ạ?". Và khi xuống gặp kế toán, bạn cần có hóa đơn và chữ ký duyệt chi của sếp. Bạn nên chuẩn bị sẵn bảng chi đó để sếp ký trước khi gặp kế toán.

Sếp vẫn tiếp tục quên thì bạn cần nhắc đến khi xong thì thôi. Việc này cũng bình thường như việc bạn nhắc sếp cầm điện thoại khi ông ấy quên trên bàn cà phê hay nhắc sếp về những cuộc hẹn với đối tác trong tuần tới.

Có người rơi vào tình huống này vẫn thấy ngài ngại: "Nhỡ sếp lại đánh giá tôi là người nhỏ mọn và lắm điều... Có khi sếp cũng nhớ và muốn đợi thành hẳn một khoản lớn rồi thanh toán một thể cho bõ thì sao?"

Sếp mượn tiền mua đồ vì quên ví nhưng mãi chưa trả, làm nhân viên làm sao để đòi nợ? - Ảnh 2.

Nhưng, nếu nhỡ sếp đánh giá bạn là người có trí nhớ tốt, tỉ mỉ và rất yên tâm rằng sẽ được bạn nhắc thì sao? Sếp bạn chắc hẳn không hề muốn bị mang tiếng là "con nợ khó đòi" đâu, nên rất có thể ông ấy sẽ vui nếu bạn nhắc về khoản tiền nhỏ đó để ông ấy nhớ mà trả cho xong. Thậm chí có rất nhiều trường hợp, người "bị đòi nợ" cảm ơn người "đòi nợ" vì đã đòi nợ họ. Bởi thực ra họ không muốn mình nợ nần người khác một chút nào, chỉ vì họ quên nên chưa trả ngay, họ được đòi sớm để trả sớm sẽ đỡ mang tiếng.

Cũng có trường hợp, hai người bạn cùng lớp sau nhiều năm ra trường quay lại họp lớp, khi đó bạn trai mới kể lại với bạn gái về việc ngày xưa mình có tình cảm với bạn gái đó như thế nào, nhưng vì nghĩ bạn gái không có tình cảm với mình nên không dám ngỏ lời. Bạn gái nghe chuyện liền trách bạn trai sao khi đó không nói gì, bạn gái cũng có tình cảm nhưng cứ chờ bạn trai ngỏ lời mà không thấy nên đành nhận lời người khác.

 Sau bao nhiêu năm, nhắc lại chuyện đó làm ai cũng tiếc thì đã muộn. Nhiều khi vì những suy luận của bạn về người khác đã ngăn cản bạn làm những việc đáng lẽ nên làm từ lâu, không chỉ có vậy, rất có thể bạn lại vô tình "nghĩ xấu cho người tốt" ấy chứ.

Trong trường hợp sếp bạn quên một hai lần, mỗi lần vài chục nghìn mà bạn nhắc sếp nhiều thì đúng là hơi thiếu tế nhị thật.

Bạn thử tưởng tượng, bạn làm rơi tờ 200 nghìn đồng, nó bay đi xa chỗ bạn đang đứng, dừng lại ở một vũng nước, những người xung quanh nhìn thấy và lao đến. Bây giờ bạn chạy theo tờ tiền ấy thì khá là mất công và những người xung quanh sẽ nhìn bạn với ánh mắt dè bỉu một chút, nói rằng bạn ham tiền, nhặt mất tiền của người khác... Nếu vậy, bạn có nên chạy đến và nhặt tờ tiền ấy lên không? Chắc hẳn là nên rồi, vì đó là tiền của bạn, một số tiền không nhỏ chút nào.

Bạn nhớ lần đầu tiên cầm tay người yêu mình chứ, lúc đó chắc hẳn là rất ngại đến mức run bắn cả lên. Nhưng sau một thời gian, khi đã quen hơi bén tiếng, việc bạn và người yêu ôm hôn nhau là hết sức bình thường. Càng ngại càng phải thực hành, nhiều lần rồi sự e ngại sẽ dần mất đi.

*Nội dung trích cuốn "101 mẹo đối phó với sếp", Minh Phương biên soạn.

Diệu Bảo

Cùng chuyên mục
XEM