Sếp Mastercard: Đến thẻ của tôi cũng từng bất ngờ phát sinh giao dịch lạ, và đây là cách để tôi lấy lại tiền

14/10/2016 09:52 AM | Kinh tế vĩ mô

Vụ du khách Úc thanh toán bữa tối lên tới gần 700 triệu đồng tại TPHCM mới đây được giải thích do nhân viên nhà hàng đã quẹt thẻ của khách nhiều lần. Sếp của Mastercard cho biết ông cũng gặp trường hợp tương tự và đã lấy lại được tiền với cách rất đơn giản.

Mới đây, ông Caracciolo David John (quốc tịch Úc), đã dùng bữa tối tại một nhà hàng ở TPHCM qua thanh toán qua thẻ, không ký bất kỳ hóa đơn thanh toán nào. Người đại diện của ông John cho biết nhân viên nhà hàng đã yêu cầu ông nhập mật khẩu nhiều lần (cả 2 thẻ của hai ngân hàng ANZ và Macquarie - một ngân hàng ở Úc), với lý do có trục trặc.

Do tin tưởng, ông không kiểm tra cho đến khi về Úc, nhận bản sao kê của ngân hàng thì ông phát hiện nhân viên nhà hàng đã quẹt 8 lần, tổng số tiền bị lấy mất là 39.429 AUD tương đương 683.150.000 đồng.

Một vài trục trặc vẫn có thể xảy ra khi giao dịch qua thẻ. Theo thống kê của Mastercard, năm 2015, cứ mỗi giao dịch 100 USD đơn vị này mất 6 cent do gian lận thanh toán.

Ông Peter Gordon - Trưởng nhóm giải pháp thanh toán thương mại, Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Mastercard từ tháng 5/2000 đến tháng 12/2008, hiện đang quản lý Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn Peter Gordon – chia sẻ: Bản thân ông cũng từng 3 lần phát hiện tài khoản của mình có giao dịch dù ông không thực hiện giao dịch đó.

Trong 3 lần đó, có một lần ông đã dùng thẻ thanh toán bữa ăn nhưng nhân viên nhà hàng đã quẹt thẻ 2 lần. Nhưng ông vẫn lấy lại được số tiền thanh toán dư bằng cách sau.

Một giao dịch thanh toán thực hiện qua thẻ sẽ gồm 4 bên tham gia: Chủ thẻ - Ngân hàng phát hành thẻ của chủ thẻ - Cửa hàng/người bán (ở đây là nhà hàng ăn) – Ngân hàng của nhà hàng và cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán qua máy quẹt thẻ (POS).

Khi thẻ được quẹt, máy POS sẽ gửi một lệnh đến Ngân hàng của nhà hàng. Ngân hàng này tiếp tục gửi yêu cầu tới Ngân hàng của chủ thẻ để kiểm tra xem tài khoản chủ thẻ có đủ để thanh toán. Khi số dư trong tài khoản lớn hơn số dư thanh toán, giao dịch mới được phê duyệt.

Sau khi giao dịch được phê duyệt, Ngân hàng của chủ thẻ sẽ có thông báo tới chủ thẻ (tùy theo phương thức đăng ký nhận thông tin từ chủ thẻ, thường là bằng tin nhắn).

Trong trường hợp của ông Peter, khi nhận được tin nhắn thông báo 2 lần, ông đã thông báo ngay cho ngân hàng của mình khẳng định giao dịch thứ 2 không do ông thực hiện. Ngân hàng đã hoàn lại tiền cho ông.

Trong trường hợp này, Ngân hàng của nhà hàng đã ứng tiền trước cho nhà hàng, nhưng Ngân hàng của chủ thẻ vẫn chưa bị khấu trừ.

Còn với trường hợp Ngân hàng của chủ thẻ đã bị khấu trừ, ông Arn Vogels - Giám đốc khu vực Đông Dương của Mastercard – cho biết chủ thẻ sẽ phải cung cấp các bằng chứng cho Ngân hàng của chủ thẻ để chứng minh mình không thực hiện giao dịch nói trên.

Lúc này, tranh chấp sẽ là giữa Ngân hàng của chủ thẻ và Ngân hàng của nhà hàng, và trọng tài (có thể) là tổ chức thẻ (Mastercard/Visa) tùy loại thẻ chủ thẻ sử dụng.

Ở Việt Nam, khi có gian lận hoặc khiếu nại về việc thanh toán qua thẻ xảy ra, những thông tin được lưu lại là hóa đơn đưa ra có chữ ký của chủ thẻ sẽ là điểm các ngân hàng hoặc tổ chức thẻ kiểm tra lại, và là cơ sở để giải quyết khiếu nại.

Nếu khiếu nại của khách hàng là đúng, ngân hàng của chủ thẻ hoặc khiếu nại lên tổ chức thẻ (Mastercard/Visa, tùy loại thẻ) để đòi lại khoản tiền đã thanh toán không đúng, hoặc chấp nhận rủi ro, coi như chấp nhận khoản lỗ nếu khoản tiền đó không quá nhiều.

Về phía chủ thẻ, đại diện Mastercard cũng khuyến nghị: Chúng ta hãy giữ ví cho thật chặt!

“Mọi người phải có trách nhiệm giữ tiền của mình. Ngân hàng phải giữ lại các giao dịch thanh toán nếu nghi là gian dối. Chủ thẻ phải tuân thủ 2 điều: Lúc nào cũng quan tâm, bảo quản thẻ của mình và Mất thẻ, hoặc nghi bị mất thông tin thẻ phải thông báo cho ngân hàng ngay lập tức”, ông Arn chia sẻ.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM