Sếp khó tính đến mấy cũng quý nhân viên có 3 điểm sau

21/06/2017 09:22 AM | Kinh doanh

Cho dù bạn có thích sếp của mình hay không, đó là người quyết định những gì bạn được hưởng từ công việc. Những thứ bạn được hưởng không chỉ là tiền bạc mà cả sự thỏa mãn, sự thăng tiến, sự ghi nhận và hãnh diện. 3 điều quan trọng nhất mà bất kỳ ai làm nhân viên đều nên khắc cốt ghi tâm.

Làm cho sếp tốt đẹp trong mắt mọi người

Cách tốt nhất để làm đẹp lòng sếp là làm cho bà ta tốt đẹp trong mắt người khác. Đúng là như vậy: làm cho ông ta/ bà ta trông tốt đẹp hơn trong mắt người khác. Chắc chắn, thay đổi thế giới, làm vui lòng khách hàng, và làm tăng giá trị cổ phiếu, tất cả đều là những việc phải làm cho mục đích lớn, nhưng làm sếp bạn tốt đẹp trong mắt người khác là công việc hằng ngày của bạn.

Bạn nên làm việc này trong chừng mực của đạo đức và luân lý, nhưng sự thật là khi sếp bạn trông tốt đẹp, bạn cũng thế. Khi sếp bạn thăng tiến, bạn cũng thế. Và khi sếp bạn "khó ở" trong người, bạn cũng sẽ như vậy.

Đừng hoang tưởng về viễn cảnh tỏa sáng hơn sếp để thay thế hoặc vượt mặt bà ta. Hiếm trường hợp nào sếp của sếp đề xuất kiểu "Chúng ta hãy thăng chức cho người đó lên trên cấp trên của cô ta".

Người ta phải mất rất nhiều năm để hiểu được sự khôn ngoan phải làm cho sếp trông tốt đẹp - thường thì người ta học điều đó một cách khó khăn. Nếu bạn có thể tiếp thu và vận dụng nguyên lý này, bạn đã thành công đến 90% trong việc làm đẹp lòng sếp của mình.

Dẹp bỏ tất cả để làm điều mà sếp yêu cầu

Giả sử sếp yêu cầu bạn tìm kiếm thông tin về tình trạng cạnh tranh của công ty. Bạn biết chắc rằng bà ta có thể tự làm và bạn nghĩ thế nào sếp bạn cũng sẽ không sử dụng kết quả. Trong khi đó bạn đang cố gắng hết mình vào công việc soạn thảo phần hướng dẫn rất quan trọng cho việc giao hàng.

Bạn sẽ (a) hoàn thành bản hướng dẫn hoặc (b) bỏ hết mọi thứ và làm điều mà sếp yêu cầu?

Bạn có thể tự hào về khả năng sắp xếp thứ tự ưu tiên cho việc quan trọng nhất trong bức tranh tổng thể. Bạn có thể nghĩ cần phải giải thích lý do vì sao phần hướng dẫn quan trọng hơn việc tìm kiếm thông tin. Bạn có thể nghĩ mình thật tắc trách nếu không hoàn thành bản hướng dẫn trước đã. Để tôi nói cho bạn biết một cách nhẹ nhàng: hãy bỏ tất cả mọi thứ để làm điều mà sếp yêu cầu nếu bạn muốn làm đẹp lòng bà ta.

Không quan trọng điều này nghe có vẻ thiển cận đến đâu. Nếu bạn biết rằng sếp của sếp bạn cần thứ thông tin đó thì điều mà bạn cho là sự tận dụng thời gian kém cỏi bây giờ lại trở nên quan trọng với sếp của bạn (đặc biệt là nếu sếp bạn đã đọc cuốn sách này và đang cố làm đẹp lòng sếp của bà ta). Không cần biết lý do là gì - và ngay cả khi không có lý do chính đáng - hãy làm những gì sếp yêu cầu trước tiên. Mục đích là thuyết phục được với sếp bạn là người làm việc chăm chỉ, năng suất cao và có hiệu quả - chứ không phải cố chứng tỏ bạn là người biết phân định ưu tiên trong công việc.

Hứa ít, hoàn thành nhiều

Điều thứ 3 là hãy hứa ít và hoàn thành nhiều. Để hiểu nguyên lý này, hãy nhìn sếp bạn theo hai hướng: thứ nhất, là nguồn thẩm định và tiến cử năng lực quan trọng nhất của bạn. Bạn không bao giờ muốn hoàn thành ít việc đối với một người quan trọng như vậy.

Thứ hai, như là một khách tham quan Disneyland. Bạn có biết rằng tất cả những tấm biển báo chỉ dẫn bạn phải chờ bao lâu để chơi một trò chơi trong Disneyland đều nói quá thời gian lên không? Lúc đó, khi đến lượt bạn chơi trước thời lượng phải đợi, bạn sẽ là một khách hàng hạnh phúc.

"Đây là những lời khuyên lừa phỉnh sếp mình?", nếu bạn đang tự hỏi thì câu trả lời là đúng như vậy đấy. Chính xác hơn là, nếu có thể, hãy đặt mục tiêu mà bạn chắc chắn 120% sẽ hoàn thành chỉ trong 80% thời gian cho phép.

Người nào hứa ít nhưng lại làm nhiều thì dễ gây ấn tượng hơn những người khác. Trong mọi trường hợp khác, một là bạn hoàn thành công việc, hai là không chứ không phải là kẻ hứa suông, không có năng lực.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM