Sếp đi du lịch nhưng vẫn gửi mail: Coi thường cấp dưới, không tôn trọng ngày nghỉ và làm nhân viên muốn nghỉ việc

19/05/2018 14:00 PM | Kinh doanh

Rất nhiều nhà quản lý ra sức “đốt” tiền và thời gian để xây dựng cho công ty một Văn hóa làm việc hiệu quả. Từ viết nên giá trị và sứ mệnh “cao cả” cho đến cải tạo văn phòng, tổ chức hàng loạt sự kiện du lịch, từ thiện, team-building …. Nhưng có ai ngờ rằng, chỉ cần 2 hành động “nhỏ” sau là bao công sức đó sẽ đổ sông đổ biển:

Bước 1: Sếp đi du lịch.

Bước 2: Sếp vẫn làm việc như "chưa hề có cuộc chia ly".

Email – Hành động vô tình nhưng cực kỳ nguy hiểm

Làm việc ngay cả trong lúc nghỉ phép là một thói quen rất phổ biến. Theo một nghiên cứu tại Havard, chỉ 14% quản lý thật sự "ngắt kết nối" khi nghỉ phép, và con số trên chỉ còn 7% đối với các quản lý cấp cao. Đa phần quản lý có thói quen kiểm tra và gửi email ít nhất 1 lần mỗi ngày mặc dù đang nghỉ phép.

Đối với các sếp, sẽ có 2 lý do chính để giải thích cho hành động trên, đó là "Lỡ như có chuyện gì xảy ra trong lúc tôi nghỉ phép?" và "Nếu thật sự "ngắt kết nối", liệu tôi có thể bắt kịp với công việc khi trở lại hay không?".

Nhưng tiếc là mọi chuyện lại không đơn giản như thế, chức vụ được tạo ra là có lý do của nó, và khi các sếp gửi email thì đồng thời họ sẽ gửi kèm một số thông điệp "ẩn" cho các nhân viên của mình.

Mỗi một email mà sếp gửi trong lúc nghỉ phép là một "vết nứt" cho Văn hóa của toàn công ty: một lời nhắn nhủ rằng thời gian nghỉ phép của sếp cũng không thực sự là nghỉ ngơi. Những email này đồng thời nhắn gửi các thông điệp như "Tôi không tin tưởng các cậu có thể hoàn toàn thay thế tôi." hay "Ngay cả tôi cũng không có khả năng sắp xếp công việc để tận hưởng một kì nghỉ yên ổn." hoặc là "Hãy xem tôi cống hiến cho công việc đến thế này đây."…

Hành động liên tục gửi mail trong lúc làm việc có thể đến từ nhiều cấp bậc nhân viên, nhưng nó đặc biệt có ảnh hưởng lớn khi đến từ sếp. Nghiên cứu của Harvard cho thấy, công ty càng không tạo điều kiện cho nhân viên "ngắt kết nối" trong kỳ nghỉ càng thiếu sự cam kết từ chính những người đó.

So sánh giữa những công ty "nghỉ phép 100%" và những công ty vừa nghỉ vừa làm, 69% nhân sự được tận tâm nghỉ ngơi sẽ cảm thấy bản thân được trân trọng, so với chỉ 50% từ công ty không được nghỉ hoàn toàn. Số liệu trên còn đáng ngại hơn khi 40% nhân sự không được tận hưởng kỳ nghỉ của mình sẽ liên tục tìm việc mới, so với tỷ lệ trung bình chỉ 21%.

Với một văn hóa "không tôn trọng" như thế, các nhân sự hiện hữu không chỉ có động lực tìm kiếm những bến đỗ tốt hơn mà họ còn được thúc đẩy bởi tinh thần "trốn chạy" khỏi môi trường tiêu cực này. Những nhân viên từng làm việc trong môi trường như thế thường trả lời khảo sát rằng họ rời bỏ công ty vì cảm thấy không được coi trọng, bị "quá tải" bởi áp lực công việc, và thường có mối quan hệ không tốt với quản lý.

Nhân viên không rời bỏ công ty, họ chỉ rời bỏ sếp

Sếp đi du lịch nhưng vẫn gửi mail: Coi thường cấp dưới, không tôn trọng ngày nghỉ và làm nhân viên muốn nghỉ việc - Ảnh 1.

Sếp là nhân tố hàng đầu quyết định sự gắn bó lâu dài của nhân viên, "nhân tố sếp" thậm chí còn đứng trên cả những ảnh hưởng từ gia đình. Nhưng tiếc là những nhà quản lý thường không biết hoặc làm ngơ tầm ảnh hưởng của mình, nhất là sự tương quan giữa khả năng nghỉ ngơi của sếp và nhân viên.

Hơn một phần ba (35%) những nhà quản lý thường kiểm tra và gửi email trong lúc nghỉ phép cho rằng họ khá đắng đo khi xét duyệt ngày phép của nhân viên. Con số khá lớn so với chỉ 20% những nhà quản lý chỉ thỉnh thoảng kiểm tra email và 17% quản lý dừng hẳn email trong lúc nghỉ phép.

Những kỳ nghỉ phép là một trong những phúc lợi lớn nhất đối với nhân viên (chỉ đứng sau Bảo hiểm). Đặc biệt với thế hệ trẻ có đam mê "phượt" ngày nay, khả năng được gác hoàn toàn công việc và toàn tâm toàn ý đi du lịch được đánh giá còn quan trọng hơn cả các khoản thưởng và giờ giấc làm việc thoải mái. Các nhà quản lý cần biến "khả năng nghỉ phép thoải mái" thành một trong những thế mạnh để củng cố Văn hóa công ty, hoặc thậm chí là kêu gọi và giữ chân nhân tài.

CEO Jim Moffatt của tập đoàn Deloitte là một trong những quản lý cấp cao hiếm hoi ủng hộ việc "ngắt kết nối 100%", và trùng hợp thay quyết định này cũng đến từ một lần ông "nghỉ phép nhưng vẫn gửi mail".

Sau khi vẫn làm việc trong kỳ nghỉ dài ngày của mình như bao lần tại một vùng quê của Scotland, một đồng nghiệp và đồng thời là người bạn thân của Jim đã gửi lại cho ông một "tâm thư" với nội dung trấn an vị CEO kia rằng hãy tin những nhân viên mà mình đã tuyển dụng và cho họ một cơ hội để thể hiện bản thân. Không cần liên tục làm việc để phòng hờ "thảm họa" có thể xảy ra, vì nếu "thảm họa" xảy ra thật, một vài email của ông cũng sẽ chẳng giải quyết được toàn bộ vấn đề.

Cho đến ngày nay, Jim Moffatt vẫn luôn tự tin với quyết định của mình: "Bạn sẽ không ngờ tới những việc bạn có thể làm trong lúc "ngắt kết nối", và sẽ còn bất ngờ hơn nữa về những việc mà cấp dưới đã hoàn thành cho đến lúc bạn trở về. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi khẳng định rằng các CEO sẽ trở nên tự tin hơn và có thể quản lý tốt hơn qua mỗi lần "ngắt kết nối"."

Do đó, cũng chỉ cần 2 bước đơn giản mà chúng ta hoàn toàn có thể "lật ngược thế cờ" để bảo toàn Văn hóa công ty:

Bước 1: Sếp đi nghỉ phép.

Bước 2: Sếp hoàn toàn tin tưởng cấp dưới của mình sẽ lo liệu được mọi việc. Không "xuất hiện" trong suốt thời gian nghỉ.

Một lợi thế của 2 bước này là những vị quản lý kia có thể phát hiện ra những giới hạn và tài năng mới của nhân viên, tạo động lực cho họ làm việc hiệu quả hơn, và hơn hết là phát triển Văn hóa cả một tập thể.

Hiểu được giá trị của ngày phép và tạo ra một môi trường dễ dàng "ngắt kết nối" sẽ khiến nhân viên trở nên có động lực, cảm thấy được tôn trọng và sẵn sàng cống hiến hết mình. Tất cả đều tạo nên một Văn hóa công ty đầy hiệu quả và thành công.

Lê Thanh Sang

Từ khóa:  email , nghỉ phép
Cùng chuyên mục
XEM