Saudi Arabia cảnh báo tình trạng công chức làm 1 giờ/ngày

22/10/2016 16:01 PM | Xã hội

Bình quân mỗi công chức Saudi Arabia lĩnh lương khoảng 2.400 USD/tháng...

Giới chức Saudi Arabia đã có một cuộc trao đổi thẳng thắn hiếm hoi trước công chúng về tương lai của nền kinh tế đất nước và sự chăm chỉ của công chức tại quốc gia vùng Vịnh giàu tài nguyên dầu lửa này.

Theo trang CNN Money, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề dân sự của Saudi Arabia, ông Khaled Alaraj ngày 19/10 nói rằng nhiều công chức nước này thực chất chỉ làm việc 1 giờ mỗi ngày.

“Khối lượng công việc mà họ làm thậm chí không vượt mức 1 giờ mỗi ngày. Đây là dữ liệu dựa trên các nghiên cứu”, ông Alaraj nói trong một hội thảo bàn tròn được phát trên sóng truyền hình. Nội dung của hội thảo này xoay quanh chủ đề cải cách nền kinh tế để chống chọi tốt hơn với tình trạng giá dầu giảm sâu.

Giới phân tích nói rằng những thay đổi trong khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò quan trọng trong công cuộc cải cách nền kinh tế Saudi Arabia.

Số liệu của McKinsey cho thấy, hiện có khoảng 3 triệu người Saudi Arabia, tương đương khoảng 70 % lực lượng lao động của nước này, đang làm việc trong khu vực Nhà nước.

Nghề công chức là những công việc đáng mơ ước ở Saudi Arabia, bởi công chức hầu như không bao giờ lo mất việc, mà mức lương lại rất hấp dẫn.

McKinsey ước tính tiền lương công chức Saudi Arabia tăng trung bình khoảng 74% trong thời gian từ năm 2004 đến 2013. Bình quân, mỗi công chức nước này lĩnh lương tháng khoảng 2.400 USD vào năm 2013.

“Khu vực Nhà nước của Saudi Arabia cần hạn chế hoặc giảm tăng trưởng việc làm”, McKinsey khuyến nghị trong một báo cáo hồi năm 2015.

Bộ trưởng Alaraj thừa nhận rằng đang tồn tại sự mất cân đối giữa khu vực công và tư nhân ở Saudi Araiba, đồng thời chỉ ra một lượng lớn số hồ sơ xin việc nhà nước.

“Ở bộ của tôi có hơn 1 triệu hồ sơ xin việc”, ông cho biết. “Trong đó, có hơn 200.000 hồ sơ là của những người đang làm trong khu vực kinh tế tư nhân và sắp bị giảm lương”.

Nền kinh tế Saudi Arabia phụ thuộc nhiều vào dầu lửa. Giá dầu giảm sâu khiến ngân sách nước này thâm thủng một khoản lớn. Chính phủ Saudi Arabia đã phải áp thuế tiêu thụ, cắt giảm trợ giá nhiên liệu và nước, giảm lương quan chức, và vay hàng tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu nhằm cân bằng ngân sách.

“Nếu chúng ta không cải cách và nền kinh tế toàn cầu vẫn cứ thế này, thì chúng ta có thể phá sản sau 3-4 năm”, ông Mohamed al Tuwaijri, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Saudi Arabia, nói trong cuộc hội thảo.

Hoàng từ Mohammed bin Salman của Saudi Arabia hiện là người đứng mũi chịu sào cải cách kinh tế nước này. Ông dự định tăng thu ngân sách hàng năm từ các lĩnh vực ngoài dầu lửa thêm 6 lần, lên mức 266 tỷ USD vào năm 2030, cổ phần hóa hãng dầu lửa quốc doanh Aramco, và tạo ra một quỹ quốc gia trị giá 1,9 nghìn tỷ USD để đầu tư trong và ngoài nước.

Việc phát sóng truyền hình một cuộc thảo luận chính sách kinh tế cũng là một điều mới mẻ ở Saudi Arabia. Giới phân tích cho rằng đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Chính phủ nước này quyết tâm thúc đẩy sự minh bạch.

Theo Thăng Điệp

Cùng chuyên mục
XEM