Sau TGDĐ, FPT và Vingroup, tới lượt Masan “đang nghiên cứu” thị trường dược phẩm

24/04/2018 14:38 PM | Kinh doanh

Khi cổ đông đặt câu hỏi tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 tổ chức sáng ngày 24/4, lãnh đạo Masan cho biết tiếp tục nhắm vào ngành hàng tiêu dùng, chăm sóc cá nhân và đang nghiên cứu ngành dược phẩm.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 tổ chức sáng ngày 24/4, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, HOSE: MSN) đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 20% về doanh thu thuần, đạt từ 45.000-47.000 tỷ đồng; lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông dự tính đạt 3.400-4.000 tỷ đồng, tăng từ 10-30% so với năm 2017.

Sau TGDĐ, FPT và Vingroup, tới lượt Masan “đang nghiên cứu” thị trường dược phẩm - Ảnh 1.

Quý 1/2018, Masan Consumer tăng trưởng tốt nhưng Masan Nutri Science bị ảnh hưởng lớn vì giá heo giảm

Kết thúc quý 1, doanh thu Tập đoàn đạt 8.274 tỷ đồng, trong đó mảng MCH thu về 3.586 tỷ (tăng hơn 78%), MSR đạt 1.487 tỷ (tăng 26,5%) nhờ giá vonfram tiếp tục cải thiện. Theo đó, lợi nhuận gộp MSN ghi nhận 2.762 tỷ, tăng 12%.

Doanh thu thuần của Masan Consumer Holdings tăng trưởng 78,3% lên 3.586 tỷ đồng trong quý 1/2018 so với mức 2.011 tỷ đồng trong quý 1/2017. Tăng trưởng doanh thu thuần mạnh mẽ, một phần là do kết quả quý 1/2017 tương đối thấp, một phần là tỷ lệ bán hàng đến người tiêu dùng, được tính bằng doanh thu từ các nhà phân phối của MCH đến các nhà bán lẻ, tăng 46,3% trong quý 1/2018 so với quý 1/2017.

Trong khi đó, quý 1, doanh thu thuần của Masan Nutri Science giảm 40% so với quý 1/2017 do ảnh hưởng của khủng hoảng giá heo. Giá heo hiện tại đã tăng lên 40.000 đồng/kg, mức giá cao đầu tiên sau khủng hoảng. Theo tập đoàn, với mức giá này, người nông dân sẽ có được lợi nhuận cao hơn và sẽ bắt đầu đầu tư trở lại. Sản lượng thức ăn cho heo được kỳ vọng sẽ tăng trở lại do người chăn nuôi bắt đầu cho heo ăn đầy đủ trơ lại và chuyển sang mô hình chăn nuôi công suất cao.

Ban điều hành cho rằng trong bối cảnh giá heo phục hồi, sản phẩm Bio-zeem sẽ được lợi. Công ty kỳ vọng thị phần dòng sản phẩm cao cấp sẽ tăng trở lại do nông dân chuyển sang các sản phẩm thức ăn chăn nuôi cao cấp với năng suất cao hơn.

Trong khi đó, doanh thu thuần của Masan Resources đạt tăng trưởng và lợi nhuận ấn tượng nhờ vào giá vonfram tăng cao. Cụ thể, doanh thu thuần của Masan Resources tăng trưởng 26,5% đạt 1.487 tỷ đồng trong quý 1/2018 so với 1.176 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào giá vonfram tăng cao.

Về mảng tài chính, 3 tháng đầu năm Techcombank (TCB) đóng góp 517 tỷ đồng lợi nhuận cho Tập đoàn, tăng mạnh 59% so với mức 325 tỷ cùng kỳ năm trước.

Một số vấn đề mà cổ đông quan tâm

* Masan có kế hoạch M&A không và cụ thể như thế nào?

Đại diện Masan: Chúng tôi sẽ tiếp tục nhắm vào ngành hàng tiêu dùng, chăm sóc cá nhân và đang nghiên cứu ngành dược phẩm. Chúng tôi chỉ M&A khi cần công nghệ và đối tác này mang lại đột phá nhanh chóng về mặt công nghệ. Về kế hoạch cụ thể, chúng tôi chưa có.

* Chỉ tiêu của Masan là hướng tới doanh thu 10 tỷ đô/năm và định giá công ty là 20 tỷ đô Mỹ. Làm sao công ty đạt được chỉ tiêu đó khi doanh thu hiện tại chỉ ở mức 2 tỷ USD?

10 tỷ đô doanh thu/năm là đầy tham vọng. Nhưng Masan đang có những bước đi vững chắc như ở Masan Consumer, ngành thịt tiềm năng rất lớn. Chúng tôi sẽ cập nhật tình hình kinh doanh mỗi năm. 2-3 năm sau sẽ là chân trời mở rộng cho Masan.

* Masan có hướng trồng sản phẩm hữu cơ hay không?

Masan không nuôi, trồng trong ngành nông nghiệp, ngoài việc nhắm tới thịt sạch. Chúng tôi muốn đi sâu vào mảng đang làm. Trước mắt là thị sạch và dẫn đầu thị trường về thịt tươi sống.

* Masan Consumer có định hướng phát triển như thế nào trong 3 năm tới?

Tăng trưởng trung hạn các sản phẩm của Masan Consumer là 15%. Riêng mặt hàng nước uống sẽ mạnh hơn và sẽ chiếm khoảng 12% thị phần trong 3 năm tới.

Về chế biến thị, đây là cơ hội rất lớn. Ngành này có giá trị 100 triệu đô. Nếu nhìn vào thị trường Trung Quốc, 50 năm trước chỉ có 1% thị phần là thịt chế biến. Nay con số đó tăng lên 25%. Chúng tôi tin rằng thịt chế biến sẽ tăng mạnh. Và chúng tôi đang làm việc với tập đoàn JV của Hàn Quốc để chế biến các sản phẩm từ thịt.

Về ngành bia, đây là ngành lớn, cạnh tranh đang rất khốc liệt. Masan muốn xây dựng thương hiệu bia lớn tại thị trường Việt Nam.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM