Sau siêu thị, điện máy, đến lượt ngành xi măng rơi vào tay người Thái

08/08/2016 09:12 AM | Kinh doanh

Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan – Việt Nam mới đây còn ví von rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay có thể gọi là “Người tình của thế giới", cực hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tập đoàn LafargeHolcim vừa chính thức công bố sẽ thoái toàn bộ 65% vốn tại LafargeHolcim Việt Nam. Bên mua là Siam City Cement Public Company (SCCC) và giá trị thương vụ này là 867 triệu Franc Thụy Sỹ, tương đương khoảng 884 triệu USD.

Thương vụ chuyển nhượng này sẽ giúp công ty Thái Lan sở hữu 1 nhà máy tổng hợp và 4 nhà máy nghiền xi măng với công suất 6,3 triệu tấn/năm. Đồng thời, SCCC cũng sẽ sở hữu 7 nhà máy sản xuất bê tông ở miền Nam và trở thành nhà sản xuất bê tông hàng đầu trên thị trường.

Holcim Vietnam là công ty xi măng được thành lập năm 1994 và là công ty có vốn FDI lớn nhất Việt Nam với giá trị 234 triệu USD, trong đó Tập đoàn Holcim sở hữu 65% còn Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) sở hữu 35% còn lại.

Trước khi tiến vào thị trường Việt Nam, SCCC là nhà sản xuất xi măng lớn thứ 2 Thái Lan. Với 45 năm kinh nghiệm, SCCC không chỉ tạo dựng danh tiếng vững chắc trong nước mà còn vươn ra một loạt quốc gia trong khu vực, bao gồm Indonesia, Campuchia, Bangladesh và Sri Lanka. Doanh thu năm 2015 của công ty Thái Lan này đạt 908 triệu USD.

LafargeHolcim là nhà sản xuất vật liệu công nghiệp hàng đầu thế giới với 100.000 nhân viên trên toàn cầu và đạt doanh thu hơn 30 tỷ USD năm 2015. Tập đoàn này không giải thích nguyên nhân từ bỏ thị trường Việt Nam, nhưng một số ý kiến cho rằng, có thể sau khi hợp nhất Lafarge và Holcim cuối năm ngoái, tập đoàn này muốn tái cơ cấu các khoản đầu tư, nhất là khi thị trường xi măng Việt nam đang trong giai đoạn thừa cung.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tiêu thụ xi măng 6 tháng đầu năm (cả xi măng và clinker) đạt 38,77 triệu tấn, tăng 12,4% với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa của cả nước đạt 29,92 triệu tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Lý giải mức tiêu thụ xi măng nội địa tăng 14,8%, ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - khẳng định: Các dự án đầu tư không giảm, thị trường bất động sản sôi động trở lại, nhiều công trình được khởi công xây dựng là yếu tố khiến tiêu thụ xi măng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2015. Tuy mức tiêu thụ tăng, nhưng Bộ Xây dựng cho biết, một số nhà máy xi măng không thể hoạt động hết công suất vì cung vốn dĩ vẫn còn đang vượt cầu.

Có thể thấy, người Thái đang rất tích cực tiến vào thị trường 90 triệu dân Việt Nam. Trước xi măng, rất nhiều các chuỗi bán lẻ đã về tay người hàng xóm, gồm siêu thị Big C, Metro, điện máy như Nguyễn Kim, thương mại điện tử như Zalora. Ngoài ra, 4 tháng đầu năm, Thái Lan còn vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan – Việt Nam mới đây còn ví von rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay có thể gọi là “Người tình của thế giới", cực hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai, Thái Lan sẽ lọt top 10 quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, đồng thời nâng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt – Thái lên mức 20 tỷ USD vào năm 2020.

Nhiều người đặt câu hỏi, ngành nghề nào sẽ bị người Thái tấn công tiếp theo?

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM