Sau những cuộc khủng bố, du lịch Châu Âu chỉ có thể an toàn nếu tuân thủ những quy tắc sau

05/04/2016 07:55 AM | Sống

Sau chuỗi những vụ tấn công khủng bố tại các thành phố chủ chốt của châu Âu mà mới nhất là ở Bỉ vào ngày 22/3 vừa qua, liệu điều đó có biến châu Âu trở thành cơn ác mộng đối với các du khách không? Hãy xem cách phản ứng của các du khách người Mỹ.

Khi Corey Patterson biết tin về vụ tấn công khủng bố ở Brussels tuần trước, ông đã có một câu trả lời rõ ràng trước những câu hỏi rằng liệu ông có hủy chuyến đi tới Bỉ không.

“Đó chính xác là điều bọn khủng bố muốn, nên chắc chắn là tôi sẽ không hủy chuyến đi của mình", ông Patterson, người Texas năm nay 45 tuổi đã trả lời trên Twitter.

Hiện tại ông đang ở Hà Lan để thăm gia đình một người bạn cũ của mình, và sẽ đến Bỉ trong một vài ngày tới.

Chuyện gì cũng có thể xảy ra ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào,” ông chia sẻ. “Cuộc sống không ngừng lại, và thế giới này rất đẹp, nên tôi chọn cách ngắm nhìn nó.”

Ông cũng không phải người duy nhất.

Người Mỹ tỏ ra đặc biệt cứng cỏi và không hoảng sợ hay hủy các chuyến đi, họ vẫn sẽ đi du lịch trong những ngày tới,” Jennifer Michels Jones, phó chủ tịch truyền thông của Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ, đã chia sẻ qua một email.

Sau loạt vụ tấn công ở Paris vào mùa thu năm ngoái, 64% đại diện các hãng du lịch thấy rằng khách hàng không có ý định hoãn hoặc hủy các chuyến đi có điểm đến là châu Âu.

Những cảnh báo về du lịch do Bộ Ngoại Giao xuất bản cũng không nhắc tới việc khuyên mọi người nên hủy bỏ kế hoạch du lịch của mình.

“Chúng tôi không nói rằng, ‘Đừng đi du lịch nữa,’ đặc biệt là đừng tới châu Âu nữa. Chúng tôi chỉ muốn nói rằng, “Hãy thận trọng hơn nếu bạn đi du lịch đến đó,” Michelle Bernier-Toth, giám đốc Văn phòng liên bang các Dịch vụ Công dân Nước ngoài cho biết.

Dưới đây là 7 điều sẽ giúp bạn bảo vệ bản thân tốt hơn khi du lịch tới châu Âu, mà thực tế là đi tới đâu thì bạn cũng nên biết những điều này.

1. Hãy cập nhật lịch trình với Bộ Ngoại Giao

Hãy tham gia vào chương trình Smart Traveler Enrollment Program (Du khách thông minh) để chính phủ có khả năng gửi email cảnh báo đến du khách về những vấn đề tiềm ẩn, ví dụ như các cuộc biểu tình. “Và điều này giúp chúng tôi ước tính được có khoảng bao nhiêu công dân Mỹ đang ở tại quốc gia đó.” Bà Bernier-Toth cho biết.

2. Biết cách liên lạc với Sứ Quán Mỹ

Những thông tin về sứ quán luôn có sẵn trên website du lịch của chính phủ. Hãy sử dụng công cụ tìm kiếm để có thông tin cụ thể về một quốc gia. Trước tiên hãy nhấn vào menu thông tin của sứ quán. Ví dụ, tới Bỉ? Số điện thoại sẽ là: 32-2- 811-4000.

“Việc biết cách thức liên lạc với chúng tôi là rất quan trọng,” bà Bernier-Toth nói. “Trong trường hợp nghiêm trọng, chúng tôi sẽ nhanh chóng xác định được người cần trợ giúp là ai và làm mọi điều trong khả năng để hỗ trợ.”

3. Tìm hiểu cách thức liên lạc với các nhà chức trách địa phương trong trường hợp khẩn cấp

Tại trang web bạn đã mở ở bước 2, bạn sẽ thấy số điện thoại khẩn cấp của từng nước cũng được liệt kê. Số của Anh là 999. Ở Pháp là 112. Ở Bỉ là 101 nếu muốn gọi cảnh sát, hoặc 112 cho những yêu cầu khác. Thông tin này nằm trong mục “Safety and Security” nhưng thường sẽ không ở ngay đầu.

4. Những số điện thoại trên chỉ hữu dụng nếu điện thoại của bạn hoạt động được ở nước ngoài

Điện thoại của bạn có thể không hoạt động được ở nước ngoài. Hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có những gói cước quốc tế, và chúng có thể rất đắt đỏ. Có những lựa chọn khác cho bạn, đó là thuê một chiếc điện thoại hoặc mua một thẻ SIM nội địa. “Việc sở hữu một chiếc thẻ SIM quốc tế là rất hữu ích,” bà Bernier-Toth cho biết. Nhiều chiếc điện thoại có thể phải bẻ khóa mới có thể sử dụng ở nước ngoài, bạn có thể yêu cầu nhà cung cấp làm việc này.

Khi có vấn đề xảy ra, việc có quá nhiều người muốn thực hiện cuộc gọi vào cùng một thời điểm có thể gây quá tải mạng di động. “Tuy nhiên thông thường thì tin nhắn vẫn sẽ được gửi thành công,” Bà Bernier-Toth cho biết. Những trang mạng xã hội như Facebook, và những ứng dụng tin nhắn miễn phí, như WhatsApp hay WeChat cũng là những lựa chọn tốt.

5. Hãy thận trọng khi có mặt ở những nơi đông đúc và sử dụng phương tiện giao thông công cộng

“Tôi không nghĩ bạn có thể tránh việc sử dụng giao thông công cộng, nhưng hãy quan sát và có một chiến lược thoát hiểm cho mình.” Điều tương tự cũng được áp dụng đối với những điểm du lịch nổi tiếng, sự kiện thể thao, nhà hàng hay những khu vực đông đúc khác.

Hãy tìm đọc những lời cảnh báo du lịch, như trong một thông báo đã cho các công dân Mỹ biết rằng các nhóm khủng bố vẫn tiếp tục lên kế hoạch cho các vụ tấn công trên khắp châu Âu. Thông báo này đã được đăng tải trong cùng trang web đề cập ở trên.

6. Hãy cho gia đình hoặc bạn bè biết lịch trình cụ thể của bạn

“Chúng tôi nhận được vô số các cuộc gọi lo lắng cho người thân đang ở nước ngoài nhưng không có thông tin về địa điểm cụ thể của họ,” bà Bernier-Toth nhấn mạnh.

7. Hiểu rõ những khác biệt giữa các chính sách bảo hiểm du lịch

Một số chính sách sẽ chi trả phí tổn y tế trong khi một số khác thì không. Và trong các chính sách bảo hiểm du lịch thì luôn có những điều khoản đáng để bạn lưu tâm.

“Chúng tôi khuyến nghị các du khách hãy hỏi kỹ nhà cung cấp bảo hiểm du lịch về những điều khoản trong trường hợp bất khả kháng, rằng họ có chi trả cho những trường hợp đó hay không. Có những điều trong hợp đồng là những tai nạn không thể tránh được hoặc những trường hợp đột xuất không thể lên kế hoạch trước.

Phong Linh

Cùng chuyên mục
XEM