Sau khi hạ gục Uber tại Trung Quốc, Didi “truy sát” tiếp Uber ở Trung Đông, châu Âu và Nam Mỹ

14/08/2017 10:16 AM | Kinh doanh

Đã một năm kể từ khi Uber bán mảng kinh doanh tại Trung Quốc cho Didi và rời bỏ quốc gia này. Những tưởng “sát thủ Uber” đã hài lòng với thị trường khổng lồ tại sân nhà, nhưng mấy ai ngờ rằng, Didi đã và đang nuôi kế hoạch tiếp tục tấn công Uber trên khắp thế giới.

Didi vừa công bố rằng công ty này đã hoàn tất kế hoạch “đầu tư chiến lược” vào Careem, đối thủ chính của Uber tại Trung Đông.

Startup có trụ sở tại Dubai này được thành lập vào năm 2012 và hiện tại đã có hơn 12 triệu người dùng trên 80 nước khắp Trung Đông và Bắc Phi. Didi từ chối tiết lộ con số chi tiết trong khoản đầu tư “chiến lược” vừa rồi.

Cuộc đầu tư này nối tiếp trận chiến đầy khóc liệt bắt đầu từ năm 2015 giữa hai ông lớn Didi và Uber. Didi liên tục bơm tiền vào các đối thủ của Uber trên khắp thế giới, nổi bật là các thương vụ đầu tư cho Lyft, Ola, và Grab.

Vào tháng 8 năm 2016, Didi thâu tóm mảng kinh doanh tại Trung Quốc của Uber, đổi lại Uber sẽ sở hữu 17,7% cổ phần tại Didi. Nhưng sau chiến thắng có thể nói là vang dội trên, Didi vẫn “không tha” và tiếp tục đầu tư cho các đối thủ Uber trên khắp thế giới. Đáng chú ý là vào tháng trước, Uber đã bắt tay với SoftBank để đầu tư 2 triệu USD vào Grab.

Thêm vào đó, Didi cũng đầu tư cho các “sát thủ Uber” khác ngoài Châu Á. Chẳng hạn như số tiền đầu tư 100 triệu USD vào startup gọi xe 99 tại Brazil và một khoản tiền không được tiết lộ vào Taxify, startup gọi xe tại Châu Âu và Nam Mỹ.

Với tình hình kinh doanh ngày càng xấu đi và sự lục đục trong hệ thống lãnh đạo, Uber đang chuyển sự tập trung về thị trường chính của mình tại Mỹ, nơi chiếm phần lớn doanh thu của Uber.

Và khi nguồn vốn của kẻ khổng lồ này đang dần dần bị thu hẹp, Uber sớm muộn sẽ phải ra quyết định chỉ nên tập trung cạnh tranh tại những thị trường nào, và các chuyên gia dự đoán rằng Uber sẽ phải rút lui tại các nước đang phát triển nếu muốn tránh rủi ro sau này.

Tại những nước phát triển, Uber sẽ cần đốt một lượng tiền lớn để giành thị trường, cộng thêm việc cạnh tranh về chi phí với các đối thủ khiến ông lớn này có thể suy nghĩ lại.

Trước thương vụ “bán mình” tại Trung Quốc, Uber cũng từng ra quyết định tương tự tại thị trường Nga với đối thủ Yandex Taxi.

Didi thì ngược lại, sau khi đánh bại kẻ thù không đội trời chung Uber và thôn tính thị trường Trung Quốc, các số liệu gần đây cho thấy doanh thu của Didi bắt đầu chững lại trên chính sân nhà của mình.

Và với vị thế là một người tham gia cuộc chơi muộn, Didi không thể nào tiến hành mở công ty tại nước ngoài và xâm chiếm thị trường từ con số 0. Những động thái gần đây cho thấy chiến thuật của Didi là đầu tư và sử dụng các “sát thủ Uber” đang hoạt động tốt để tấn công Uber trên khắp thế giới, và sau đó sẽ là thôn tính luôn hoạt động kinh doanh của Uber tại các thị trường mà công ty này từ bỏ.

Lê Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM