Sau gần 100 năm HIV vẫn ám ảnh nhân loại nhưng tại sao chúng lại khó đối phó đến vậy?

08/12/2018 11:12 AM | Khoa học

Từ khi HIV xuất hiện lần đầu vào năm 1920, cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được cách chữa trị hiệu quả đối với loại virus này.

HIV đã luôn là một hung thần đối với những ai mắc phải nó. Trước năm 1996, người được chẩn đoán nhiễm HIV gần như đã ký sẵn bản án tử. Ngày nay, các nhà khoa học đã có nhiều thành tựu trong việc tạo ra các liệu pháp điều trị tổng hợp, từ đó giúp làm chậm sự phát tác bệnh và giúp tuổi thọ bệnh nhân kéo dài hơn.

Tuy nhiên, thật sự đến giờ chúng ta vẫn chưa có một cách điều trị nào giúp tiêu diệt hoàn toàn HIV khỏi cơ thể một khi chúng đã xâm nhập thành công. Tại sao lại như thế? Bí mật nào tạo nên sự lì lợm đáng sợ của HIV trong suốt gần 100 năm, mặc cho sự phát triển như vũ bão của y học?

Chiến lược cực kỳ tinh ranh của virus

Sau gần 100 năm HIV vẫn ám ảnh nhân loại nhưng tại sao chúng lại khó đối phó đến vậy? - Ảnh 1.

HIV gây ra AIDS bằng cách chọn kí sinh, sau đó phá hủy một loại tế bào bạch cầu rất quan trọng của cơ thể là tế bào lympho T.

Đây là tế bào đóng vai trò nhận diện các tác nhân ngoại lai nguy hiểm, và đưa ra đáp ứng miễn dịch phù hợp. Việc chúng bị hủy hoại dần do HIV khiến cho cơ thể mất đi khả năng tự bảo vệ với những loại vi khuẩn và virus khác. Sau cùng người bệnh sẽ chết vì nhiễm các bệnh cơ hội mà vốn dĩ chẳng mấy nguy hiểm ở người thường.

HIV thuộc nhóm retrovirus, có nghĩa ARN của chúng được phiên mã ngược thành ADN và tích hợp vào gene của tế bào chủ. Sau đó, ADN của HIV sẽ được sử dụng bởi chính tế bào chủ để tổng hợp các thành phần của virus. Cuối cùng, tế bào chủ bị phá vỡ để các virus mới tạo thành được phóng thích, chu trình lây nhiễm lại tiếp tục.

Sau gần 100 năm HIV vẫn ám ảnh nhân loại nhưng tại sao chúng lại khó đối phó đến vậy? - Ảnh 2.

Với một người nhiễm HIV không được chữa trị thì trung bình có đến một tỷ tế bào T bị HIV giết chết mỗi ngày, với thời gian trung bình từ khi tế bào bị nhiễm cho đến khi chết là từ 1-2 ngày.

Nhưng không chỉ đơn giản có vậy...

Nếu HIV chỉ xâm nhiễm và phá hủy tế bào T, thì chúng ta đơn giản chỉ cần tìm cách phát hiện các tế bào có dấu hiệu bệnh và tiêu diệt chúng trước khi virus kịp phát tán.

Nhưng rất tiếc, điều này là không thể - hoặc chưa thể. Luôn có một phần nhỏ tế bào T chứa thông tin di truyền của HIV, nhưng không phát tác ngay. ADN của virus trong chúng - gọi là provirus - tồn tại ở trạng thái "im lặng", không tạo thêm bất cứ ARN hay virus mới nào. Vì thế, biểu hiện của những tế bào T nhiễm bệnh này không có gì khác so với tế bào thông thường.

Sau gần 100 năm HIV vẫn ám ảnh nhân loại nhưng tại sao chúng lại khó đối phó đến vậy? - Ảnh 3.

Tế bào T có provirus vẫn hoàn toàn bình thường cho đến khi HIV "thức giấc"

Các thuốc kháng retrovirus nếu được điều trị kết hợp đúng có thể ngăn sự lây nhiễm HIV sang các tế bào mới. Nhưng chúng không thể phát hiện và tác động đến các tế bào bệnh tiềm ẩn. Người bệnh khi được áp dụng các loại thuốc này có thể ngăn chặn quá trình hình thành AIDS và có một cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, họ sẽ phải duy trì việc sử dụng thuốc, bởi thực tế họ vẫn nhiễm HIV dạng ẩn.

Nếu việc điều trị bị gián đoạn thì virus HIV chắc chắn sẽ thức giấc, và bệnh sẽ phát triển trở lại như trước thời điểm được dùng thuốc.

Một điểm đặc biệt khiến cho HIV có thể tồn tại trong thời gian rất dài, đó là vì các tế bào T còn có chức năng "nhớ". Sau khi phân chia ra để đối phó với tác nhân gây bệnh mới, thì luôn có một lượng tế bào T có khả năng ghi nhớ thông tin mầm bệnh được lưu giữ. Nhờ vậy mà khi cơ thể bị nhiễm lại tác nhân đó, các tế bào "nhớ" sẽ hoạt động ngay lập tức nhằm dập tắt mối đe dọa.

Những tế bào "nhớ" có thể tồn tại hàng chục năm trong cơ thể, nhưng khổ nỗi các tế bào chứa provirus cũng thế. Vì hoạt động không khác gì tế bào T thường, chúng vẫn tham gia vào hệ thống miễn dịch và cũng được lưu trữ. Rồi khi vô tình một mầm bệnh cũ nào đó xâm nhập, các tế bào này nhanh chóng nhân bản, vô tình làm tăng luôn lượng gen HIV trong cơ thể.

Đến lúc virus thức giấc thì số lượng của chúng đã được sinh sôi một cách hoàn hảo, đủ để bệnh phát tác mạnh rồi.

Và những tia sáng phía cuối đường

Cho đến nay, chúng ta mới ghi nhận một người được coi là đã chữa khỏi HIV là Timothy Ray Brown.

Thực ra, ông được điều trị một căn bệnh khác là ung thư bạch cầu (leukemia) bằng cách hủy đi các tế bào miễn dịch của chính mình, và sau đó được ghép tủy xương từ một người hiến tặng có gen kháng HIV tự nhiên. Hơn 8 năm sau, ông đã được ghi nhận là không có sự xuất hiện trở lại của virus HIV.

Sau gần 100 năm HIV vẫn ám ảnh nhân loại nhưng tại sao chúng lại khó đối phó đến vậy? - Ảnh 4.

Bệnh nhân Timothy Ray Brown

Đây có thể được xem như một "tia sáng" trong công cuộc chữa trị HIV, nhưng thực ra cách điều trị trên vẫn đầy may rủi và chưa thể áp dụng đại trà.

Một số nỗ lực điều trị tương tự sau đó ở các bệnh nhân khác đã thất bại. Một số người hoặc đã tử vong, hoặc đã tái phát HIV trở lại. Đồng thời, cần lưu ý việc không phát hiện thấy HIV dù qua thời gian dài vẫn không đồng nghĩa cơ thể đã hoàn toàn sạch bệnh, bởi khả năng tồn tại ẩn của loại virus này.

Dẫu vậy, trường hợp của Brown vẫn đáng được đánh giá là một bước chuyển mới trong công cuộc phòng chống HIV. Và với sự ra đời ngày càng nhiều những liệu pháp tân tiến hơn trong y học, chúng ta có quyền hy vọng rồi đại dịch HIV/AIDS sẽ được nhân loại chung tay đẩy lùi.

Theo K

Từ khóa:  HIV
Cùng chuyên mục
XEM