Sau 'đua nở', các công ty chứng khoán lụi dần

18/04/2016 08:58 AM | Kinh doanh

Sau vụ Cty Chứng khoán Kim Long bất ngờ xin giải thể, xuất hiện thêm Cty Chứng khoán SHBS bị cân nhắc về số phận. Thị trường thời “trăm công ty chứng khoán đua nở” đang lùi vào dĩ vãng.

Bỏ chứng khoán về trồng rau sạch?

Những ngày này, thị trường chứng khoán đang ồn ào trước thông tin Cty Chứng khoán (CTCK) Kim Long (mã: KLS) xin ý kiến cổ đông về việc giải thể và chia cổ tức cao hơn cả giá cổ phiếu hiện hành. Theo kế hoạch chi tiết về phương án giải thể, tại thời điểm 31/3/2016, KLS có tổng tài sản 2.301 tỷ đồng, tiền mặt là 627 tỷ đồng. Sau khi thanh lý, công ty dự định giữ lại được 80-90% tổng tài sản, tức khoảng 1.900-2.000 tỷ đồng. Với chính sách phân chia tài sản như trên, dự kiến mỗi cổ đông sở hữu KLS với giá cổ phiếu trên 7.000 đồng/cp (thời điểm công bố thông tin này) sẽ được hưởng cổ tức trên 11.000 đồng; còn như ông Hà Hoài Nam – chủ tịch HĐQT với sở hữu 17,7 triệu cổ phần sẽ thu về tối thiểu 188 tỷ đồng.

Những ngày này, rất khó liên lạc với vị chủ tịch KLS. Sau thông tin công ty từng có thời mệnh danh là “Vua tiền mặt này” (KLS từng đình đám khi có tới 1.800 tỷ đồng gửi tiết kiệm từ nguồn vốn tăng vốn công ty do cổ đông góp vào- PV) bị giải thể, người ta rất quan tâm ông Nam sẽ đi đâu và làm gì? Thực tế, ông Hà Hoài Nam vốn là Chủ tịch HĐQT KLS hiện là Chủ tịch CTCP đầu tư Giao Long (GLI) có vốn điều lệ 5 triệu USD chuyên về quảng cáo và sản xuất rau sạch.

Cuối năm 2014, GLI ra mắt sản phẩm rau sạch Liên Thảo tại Hà Nội. Khi đó, đại diện marketing của công ty cho biết, tại vùng rau sạch khoảng 100ha ở Duyên Hà, Yên Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội), GLI đang hợp tác bao tiêu toàn bộ sản phẩm của các hộ nông dân sản xuất ra theo giá thị trường. Trước thông tin mới này, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đang đặt dấu hỏi: Phải chăng việc đề xuất giải thể KLS của ông Hà Hoài Nam nhằm lấy vốn đầu tư trồng rau sạch?

Tài liệu đại hội cổ đông năm 2016 của ngân hàng SHB công bố trước ngày đại hội 21/4 này cho biết, sẽ tiến hành tái cấu trúc CTCK SHBS bằng hình thức sáp nhập, giải thể, thoái vốn bằng hình thức chuyển nhượng cổ phần nhằm đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng. Theo SHB, với vốn điều lệ hiện khá thấp, SHBS đang gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh, không thể mở rộng thêm các hoạt động nghiệp vụ. Trong khi đó, SHB cũng không có chủ trương đầu tư thêm vốn vào SHBS. Năm 2015, SHBS đạt doanh thu 61 tỷ đồng nhưng lợi nhuận âm 2,3 tỷ đồng.

Lụi dần vì hẹp đất

Ngày 19/12/2013, Chứng khoán Sao Việt ghi danh CTCK đầu tiên tại Việt Nam được chấp thuận cho giải thể. CTCK được chấp thuận giải thể tiếp theo đó ít ngày là Chứng khoán Chợ Lớn (tháng 1/2014). Và kế đến, CTCK Âu Việt (AVS), khi tháng 9/2014 chốt quyền thanh toán, trả lại nhà đầu tư 6.300 đồng/cổ phiếu.

Tổng kết năm 2015, UBCKNN cho hay: Sau 4 năm tiến hành tái cấu trúc, từ 103 CTCK được thành lập tại Việt Nam, ngành chứng khoán hiện còn 80 công ty đang hoạt động. Những cái tên ấn tượng một thời như CTCK Âu Việt, Quốc tế, Delta, Trường Sơn, Hà Nội…, từ lâu đã lui vào dĩ vãng. Quy mô thị trường còn nhỏ, trong khi có quá nhiều CTCK hoạt động, khiến sân chơi hẹp đất buộc một số công ty phải “văng” ra ngoài. Cụ thể hơn, tại báo cáo thường niên công bố gần đây, người ta chợt nhận diện có một lượng không nhỏ các doanh nghiệp chứng khoán đang sống lay lắt, chưa thấy đường ra. Đơn cử, những CTCK có doanh thu thấp, lợi nhuận hẻo hoặc thậm chí âm (đó là những cái tên như Hùng Vương, Hưng Thịnh, Alpha, Phượng Hoàng…); với đặc điểm chung: Co hẹp hoạt động tối đa chỉ còn lại một vài chục nhân sự.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều chung cảnh ngộ, vẫn có những công ty đứng được và làm ăn có lãi. Bởi dù số lượng CTCK giảm, nhưng số lượng tài khoản nhà đầu tư lại tăng 105.000 tài khoản so với cuối năm 2014, lên 1,5 triệu tài khoản; trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài là 17.644 (tăng 5,44%). Về kết quả kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán cũng ghi nhận 9 tháng đầu năm 2015 có 51 CTCK hoạt động có lãi 2.049 tỷ đồng, 30 CTCK hoạt động bị lỗ 297 tỷ đồng. Diễn biến này cho thấy sự phân hóa thị trường ngày càng khắc nghiệt và chứng khoán không có đất cho những tay mơ.

Về câu chuyện thanh lọc các CTCK, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Phạm Hồng Sơn từng nhiều lần chia sẻ: 5 năm qua, tái cấu trúc các CTCK là một trong những nhiệm vụ phải thực hiện quyết liệt. Theo ông Sơn, việc các CTCK từng có thời nở rộ nay co hẹp lại cũng hợp quy luật tất yếu của thị trường.

Đánh giá thực hiện Đề án tái cấu trúc CTCK

Vụ Quản lý kinh doanh cho biết: Tính đến hết năm 2015 đã xử lý được 21 CTCK (chiếm 20% tổng số CTCK được cấp phép hoạt động) theo các hình thức chấm dứt hoạt động, tạm ngừng hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể, rút nghiệp vụ môi giới..., trong đó, chấm dứt hoạt động 3 công ty; yêu cầu tạm ngừng hoạt động 2 công ty; đình chỉ hoạt động 3 công ty; chấp thuận giải thể 4 công ty (đã thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của 2 công ty). Hoàn thành thủ tục hợp nhất cho 6 CTCK và đang hướng dẫn 2 CTCK thực hiện thủ tục hợp nhất.

Theo Khánh Huyền

Cùng chuyên mục
XEM